Sau khi điều chỉnh, kinh tế Mỹ tăng trưởng 4.2% trong quý 2/2018
Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn một chút so với những ước tính sơ bộ lúc đầu trong quý 2/2018, ghi nhận thành quả tốt nhất trong gần 4 năm, khi các doanh nghiệp đẩy mạnh chi tiêu cho phần mềm và kim ngạch nhập khẩu suy giảm.
Trong ngày thứ Tư (29/08), Bộ Thương mại Mỹ cho biết, Tổng sản lượng quốc nội (GDP) tăng trưởng 4.2% trong quý 2/2018, sau khi ước tính lần hai về tăng trưởng GDP. Con số này cao hơn một chút so với mức 4.1% ghi nhận trong tháng 7/2018, và là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ quý 3/2014.
* Kinh tế Mỹ tăng trưởng 4.1%, mạnh nhất trong gần 4 năm
Trong quý 2/2018, khoản chi tiêu cho phần mềm của các doanh nghiệp cao hơn so với ước tính ban đầu, và Mỹ cũng nhập khẩu ít dầu lửa hơn. Chi tiêu doanh nghiệp mạnh hơn và nhập khẩu ít hơn đã bù đắp cho sự điều chỉnh giảm của chi tiêu tiêu dùng.
Trong 6 tháng đầu năm 2018, kinh tế Mỹ tăng trưởng 3.2%, thay vì mức 3.1% ghi nhận trước đây, qua đó tạo điều kiện để chính quyền Donald Trump đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm 3% trong năm 2018.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng mạnh trong quý 2/2018 có thể không bền vững, khi tác động tích cực từ các gói cắt giảm thuế trị giá 1.5 ngàn tỷ USD dần phai nhạt. Nhờ được cắt giảm thuế, người tiêu dùng có thềm tiền để chi tiêu sau quý 1/2018 đầy ảm đạm. Ngoài ra, Mỹ còn tăng cường xuất khẩu đậu nành sang Trung Quốc trước khi các hàng rào thuế quan từ phía Bắc Kinh có hiệu lực.
Hôm thứ Ba (28/08), Chính phủ Mỹ cho biết, thâm hụt thương mại hàng hóa tăng vọt 6.3% lên 72.2 tỷ USD trong tháng 7/2018, vì kim ngạch xuất khẩu thực phẩm lao dốc 6.7% và gây áp lực lên hoạt động xuất khẩu.
Mặc dù chi tiêu tiêu dùng vẫn còn khá mạnh vào đầu quý 3/2018, nhưng thị trường nhà ở tiếp tục suy yếu, trong khi hoạt động xây dựng nhà ở tăng trưởng yếu hơn dự báo trong tháng 7/2018. Ngoài ra, doanh số bán nhà mới và nhà đã qua sử dụng cũng suy giảm.
Các chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Donald Trump đang tạo rủi ro cho nền kinh tế Mỹ. Chính lập trường này đã làm nảy sinh những cuộc xung đột thương mại với Trung Quốc, cũng như sự đáp trả thuế quan qua lại của Liên minh châu Âu (EU), Canada và Mexico.
Cho tới nay, Nhà Trắng đã áp thuế nhập khẩu lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, chính quyền Mỹ đang xem xét áp thuế từ 10% đến 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tức hơn 500 tỷ USD.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng GDP quý 2/2018 sẽ được điều chỉnh giảm còn 4%. Trong quý 1/2018, GDP Mỹ tăng trưởng 2.2%.
Một thước đo khác về tăng trưởng kinh tế là Tổng thu nhập nội địa (GDI) tăng trưởng 1.8% trong quý 2/2018, thấp hơn nhiều so với mức 3.9% của quý 1.
Trung bình của GDP và GDI – cũng được gọi là tổng sản lượng nội địa (GDO) và được xem là thước đo tốt hơn về hoạt động kinh tế - tăng trưởng 3% trong giai đoạn 4-6/2018, thấp hơn mức 3.1% của quý 1.
Tăng tưởng chi tiêu tiêu dùng – vốn chiếm tới hơn 2/3 hoạt động kinh tế Mỹ – điều chỉnh giảm xuống mức 3.8% trong quý 2/2018, thay vì mức 4% ghi nhận trước đó. Trong quý 1/2018, chi tiêu tiêu dùng chỉ tăng trưởng 0.5%.
Hoạt động xuất khẩu đậu nành được đẩy nhanh trong quý 2/2018, trước khi hàng rào thuế quan từ Trung Quốc có hiệu lực trong tháng 7/2018. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 9.1% trong quý 2/2018, thấp hơn ước tính 9.3% trước đó.
Kim ngạch xuất khẩu chỉ còn tăng trưởng 0.4%, thấp hơn mức 0.5% ghi nhận trước đó.
Hoạt động thương mại đóng góp 1.17% cho tăng trưởng GDP trong quý 2/2018, cao hơn mức ghi nhận trước đó là 1.06%.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|