Fed nói gì tại hội nghị thượng đỉnh Jackson Hole?
Tương lai của lãi suất Mỹ, áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và tác động từ những công ty “siêu sao” như Amazon nằm trong số những chủ đề được bàn luận gay gắt nhất tại hội nghị thượng đỉnh thường niên giữa các nhà lãnh đạo NHTW ở Jackson Hole (Wyoming).
Sau đây, Bloomberg cũng tóm tắt lại những gì đã được bàn luận tại hội nghị thượng đỉnh quan trọng này:
Fed chuẩn bị nâng lãi suất vào tháng 9/2018?
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, củng cố thêm kỳ vọng nâng lãi suất vào tháng 9/2018, và nhờ đó, xác suất nâng lãi suất vào tháng 12 duy trì trên mức 60%.
Phát biểu trong ngày thứ Sáu (24/08), ông cho biết có “lý do hợp lý” để kỳ vọng nền kinh tế Mỹ duy trì được đà tăng gần đây, và “quá trình bình thường hóa chính sách vẫn được xem là hợp lý”.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg Television, Chủ tịch Fed khu vực Kansas City, Esther George, và Chủ tịch Fed khu vực Dallas, Robert Kaplan, cũng ủng hộ nâng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2018.
Tiếp tục phương pháp thắt chặt từ từ
Nhấn mạnh tới sự nguy hiểm từ những sai lầm chính sách (bằng cách thực hiện quá nhiều hay quá ít), ông Powell lưu ý rằng, lạm phát đang dao động quanh ngưỡng mục tiêu 2% của Fed, nhưng không cho thấy dấu hiệu được đẩy nhanh. Vì vậy, ông Powell cho rằng “dường như rủi ro nền kinh tế quá nhiệt vẫn chưa cao”.
Điều này góp phần ủng hộ cách tiếp cận thay đổi dần dần lập trường chính sách theo hướng trung lập của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) khi đà tăng trưởng tiếp tục, ông Powell nói rõ.
Raphael Bostic, Chủ tịch Fed khu vực Atlanta và là người có quyền biểu quyết về chính sách trong năm 2018, cho biết, khi Fed đạt tới mức lãi suất mà tại đó không kích thích kinh tế cũng không làm suy giảm đà tăng trưởng nền kinh tế, việc tạm dừng quá trình nâng lãi suất “có vẻ hợp lý”.
Về phần những lo ngại về thị trường trái phiếu như đã thể hiện qua hiện tượng bằng phẳng hóa của đường cong lợi suất (flattening of the yield curve), ông James Bullard – Chủ tịch Fed khu vực St. Louis – cho biết, ông sẽ xem xét những tín hiệu này “một cách nghiêm túc”, đồng thời nói thêm chẳng có lý do gì để gây khó khăn thêm cho chúng tại thời điểm này. Loretta Mester, Chủ tịch Fed khu vực Cleveland và là người có quyền biểu quyết trong năm 2018, cho biết, chỉ báo này hiện khác với những gì trong quá khứ.
Niềm tin của Jerome Powell
Ông Powell – người lên ngôi Chủ tịch Fed từ tháng 2/2018 – cũng đưa ra phương pháp quản lý rủi ro, trong đó xem xét các bằng chứng về tăng trưởng kinh tế thay vì quá phụ thuộc vào các mô hình học thuật.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell
|
Chủ tịch Fed lưu ý rằng, “các đánh giá tốt nhất của chúng tôi” về hoạt động của nền kinh tế đã thay đổi đáng kể và những gì các mô hình cung cấp chỉ là những hỗ trợ “mơ hồ” để điều chỉnh chính sách.
Chẳng hạn, theo lý thuyết đường cong Phillips, tỷ lệ thất nghiệp lẽ ra phải “nhấc bổng” lạm phát và áp lực tiền lương tại thời điểm này, nhưng thực tế thì không phải vậy. Ngoài ra, ông Powell cũng khen ngợi cựu Chủ tịch Fed, Alan Greenspan, vì đã chỉ ra chính xác những lợi ích từ các công nghệ mới trong việc thúc đẩy năng suất lao động trong thập niên 90, và nhờ đó kìm hãm các đợt nâng lãi suất.
Dù vậy, Fed đã công bố một nghiên cứu từ tuần trước, trong đó cảnh báo rằng, mặc dù vẫn chưa rõ khi nào thì tỷ lệ thất nghiệp thúc đẩy lạm phát tăng mạnh, nhưng tốt hơn vẫn nên thiết lập lãi suất dựa trên những chỉ báo như vậy hơn là chờ lạm phát tăng vọt.
Chiến lược của ông Powell cũng được John Taylor – Giảng viên Đại học Stanford – ủng hộ.
“Khi quá trình đang diễn ra, tôi nghĩ chính sách hiện tại là hợp lý”, ông Taylor nói rõ. “Thêm vào đó, còn có quá nhiều mô tả về những gì họ đang thực hiện. Ông đã trình bày các vấn đề một cách rõ ràng và tôi nghĩ điều quan trọng là một quy trình minh bạch và dự đoán được”.
Áp lực từ Donald Trump
Các quan chức Fed cố gắng hết mình để “bỏ ngoài tai” những lời chỉ trích gần đây của ông Trump về các đợt nâng lãi suất, đồng thời cam kết duy trì lộ trình mà họ nghĩ là tốt nhất cho nền kinh tế, ngay cả khi họ nhận thêm áp lực từ Nhà Trắng.
“Công việc của một ngân hàng trung ương và công việc của tôi là đưa ra các quyết định về chính sách tiền tệ mà không phải xem xét tới chính trị hay ảnh hưởng chính trị”, ông Kaplan cho hay. “Tôi tin chắc là chúng tôi sẽ làm như thế”.
Ông George cho biết, các nhà hoạch định chính sách đang “rất tập trung vào nhiệm vụ mà Quốc hội giao để cố gắng đưa ra các quyết định có lợi cho nền kinh tế trong dài hạn”.
Dù vậy, nhiều người vẫn tỏ ra lo ngại về cuộc chiến tranh thương mại do ông Trump khởi xướng.
“Hiệu ứng Amazon”
Hội nghị năm nay còn tập trung vào quyền lực thị trường của những công ty “siêu sao” ở Mỹ và các nền kinh tế khác, như Amazon, Apple và Google.
Một vài chuyên gia kinh tế cho rằng chúng ta chưa có đủ bằng chứng để kết luận rằng, mức độ tập trung có tác động làm giảm bớt sự cạnh tranh. Dù vậy, một số chuyên gia được kính trọng nhất tại hội nghị lần này lên tiếng cảnh báo, vẫn có nhiều lý do để lo ngại.
“Câu hỏi là, liệu những công ty siêu sao này sẽ truyền những lợi ích của họ cho người tiêu dùng hay không”, Raghuram Rajan, cựu Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI), cho hay. Ông nói thêm, nhiều công ty dường như đang làm như thế, nhưng điều này sẽ kéo dài bao lâu?
Alan Krueger, Chuyên gia kinh tế của trường Princeton, kết luận rằng, mức độ tập trung đang làm giảm lựa chọn việc làm cho người lao động và gia tăng tần suất thông đồng giữa những người chủ doanh nghiệp để cố định tiền lương.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|