“Ngôi làng giàu nhất” ở Trung Quốc ngập đầu trong nợ nần
Dù được mệnh danh là ngôi làng giàu nhất ở Trung Quốc, Huaxi nay cũng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Ngôi làng ở tỉnh Jiangsu này chỉ cách Thượng Hải gần 2 tiếng đi xe về phía Tây Bắc. Huaxi bắt đầu phát triển nhờ vào sự lãnh đạo của ông Wu Renbao khi đó. Ông là người đã xây dựng nhà máy luyện thép, gia công cơ khí và nhiều cơ sở hạ tầng khác tại Huaxi, khi Trung Quốc cải cách nền kinh tế từ vài thập kỷ trước dưới thời của Đặng Tiểu Bình.
Cư dân nơi đây có thể sống tốt nhờ khoản cổ tức cổ phiếu, và được cung cấp miễn phí nhà ở và xe hơi đắt tiền. Tại trung tâm của ngôi làng, một khách sạn cao cấp cao hơn 300 mét là nơi đặt bức tượng trâu vàng nặng một tấn có trị giá 43.5 triệu USD.
Những rắc rối tài chính bắt đầu xuất hiện ở “thiên đường” này vào năm 2017, trong đó một công ty lớn ở Huaxi được cho là đang nợ tới 40 tỷ Nhân dân tệ.
Đâu đó trong ngôi làng, người dân bắt đầu ca thán đầy oán giận. Chỉ có những cư dân ở lâu năm được nhận nhà ở và cổ phiếu doanh nghiệp, trong khi những người mới đến lại bị đối xử như những người nông dân di cư. Các nhà máy thép buộc phải cạnh tranh với những doanh nghiệp Nhà nước lớn hơn và phần lớn thu nhập đến từ cho thuê bất động sản. Công ty lớn được đề cập ở trên được cho là đã phân phát phiếu coupon khách sạn cho dân làng, thay vì cổ tức.
Gần khách sạn cao cấp là một công ty dệt may và cửa hàng bán quần áo, nơi trưng bày những chiếc áo choàng mốt từ thế kỷ 20 với giá 200 tệ. Triển vọng kinh doanh của các cửa tiệm nơi đây cũng không mấy sáng sủa, khi các chuỗi cửa hàng quần áo nổi tiếng như Uniqlo và Gap đang thâm nhập sâu hơn vào Trung Quốc và mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến.
Huaxi đã gia tăng diện tích lên 35 km2 nhờ sáp nhập các ngôi làng lân cận. Đây là sự thật giúp giải thích tại sao ngôi làng lại giàu lên nhờ bất động sản.
Mặc dù Huaxi đã mở rộng hoạt động sang các ngành tài chính, vận tải biển và đầu tư tài nguyên thiên nhiên, nhưng bất động sản dường như là cách nhanh nhất và dễ nhất để huy động vốn. Ngoài ra, ngôi làng cũng nhận được nhiều khoản vay ngân hàng lớn bằng cách thế chấp cổ phiếu.
Huaxi trông cũng giống nhiều địa phương ở Trung Quốc. Ngôi làng đang chật vật tìm cách thúc đẩy công nghiệp, còn các khoản đầu tư kinh doanh lại không mang lại lợi nhuận nhanh chóng. Đà lao dốc của giá cổ phiếu năm nay càng khiến Huaxi phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn thu từ bất động sản.
Rắc rối của ngôi làng Huaxi lại càng thể hiện rõ nét hơn khi chính quyền Tập Cận Bình đẩy mạnh chiến dịch giảm bớt nợ trong nền kinh tế.
Số liệu thống kê chính thức cho thấy, nợ địa phương ở Trung Quốc là 16 ngàn tỷ nhân dân tệ - khá nhỏ so với tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc (hơn 80 nghìn tỷ nhân dân tệ). Tuy nhiên, tổng số nợ thực tế có thể lên đến mức 30 ngàn tỷ nhân dân tệ nếu tính cả nợ từ các công ty thuộc địa phương, các công ty mà chính quyền dùng để huy động vốn, và các dự án thực hiện dưới hình thức đối tác công - tư.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asian Review)
FiLi
|