Không phải chiến tranh thương mại, thị trường bất động sản mới là rủi ro lớn nhất của Trung Quốc
Thị trường bất động sản tăng trưởng nóng của Trung Quốc vẫn còn là một thách thức lớn đối với các cơ quan quản lý, khi họ cố gắng duy trì đà tăng trưởng ổn định trong lúc xung đột thương mại với Mỹ.
Larry Hu, Trưởng Bộ phận Kinh tế Trung Quốc tại Macquarie, nhận định, trên thực tế, bất động sản là rủi ro lớn nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong vòng 12 tháng tới, còn lớn hơn cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Larry Hu nói thêm, ông đang xem xét liệu thị trường bất động sản ở các thành phố cấp thấp hơn hoặc nhỏ hơn có chứng kiến sự suy giảm về giá hoặc số lượng nhà bắt đầu khởi công xây dựng hay không, sau đà tăng mạnh trong thời gian gần đây.
Khoản đầu tư bất động sản chiếm tới gần 2/3 tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc, theo công ty quản lý tài sản Noah Holdings. Ngoài ra, thị trường bất động sản còn đóng một vài trò quan trọng trong nguồn thu Chính phủ, khoản vay ngân hàng và khoản đầu tư doanh nghiệp. Kết quả là sự giảm tốc từ thị trường bất động sản và đà lao dốc của giá sẽ tác động tiêu cực tới đà tăng trưởng kinh tế tổng thể.
Cho tới nay, thị trường đã trên đà tăng trưởng nóng. Giá bán trung bình đối với một căn nhà mới xây (không tính nhà ở xã hội) ở những thành phố cấp 3 và cấp 4 nằm trong danh sách theo dõi của Tospur Real Estate Consulting tăng vọt 28.1% trong giai đoạn tháng 1/2016-5/2018. Số liệu trên được trích dẫn từ báo cáo công bố trong tuần trước, được viết bởi ông Sheng Songcheng – Cố vấn cho Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) và một giáo sư trợ giảng tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu (CEIBS).
Nhìn chung, giá bất động sản Trung Quốc đã tăng trong hơn 3 năm qua, chuỗi tăng dài nhất kể từ năm 2008, báo cáo trên cho thấy, trích dẫn nguồn dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS).
Tuần trước, thành phố cấp hai Nanjing tuyên bố cấm doanh nghiệp mua khu dân cư, tiếp nối các động thái kìm hãm đầu cơ từ Thượng Hải và các thành phố khác.
Đây là một động thái hợp lý để kiểm soát rủi ro, theo Joe Zhou, Giám đốc phụ trách thị trường vốn Trung Quốc tại công ty bất động sản và quản lý đầu tư tại JLL. Ông cho hay, Chính phủ Trung Quốc không có khả năng nới lỏng chính sách sớm, và giá có thể suy giảm.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là sự giảm tốc của thị trường bất động sản Trung Quốc có gây ra tác động lên tăng trưởng chung ở cùng mức độ hay không. Dân chúng vẫn kỳ vọng giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng, vì Chính phủ Trung Quốc liên tục thay đổi qua lại giữa thắt chặt và nới lỏng chính sách, thường là để ngăn chặn tăng trưởng suy giảm, ông Sheng nói rõ.
Các chuyên gia phân tích cũng thường dự báo, các cơ quan chức trách sẽ bù đắp tác động từ các biện pháp thắt chặt bằng các gói kích thích ở những lĩnh vực khác, như cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với áp lực từ hàng rào thuế quan của Mỹ và căng thẳng thương mại ngày càng leo thang.
Cho tới nay, Nhà Trắng đã áp thuế nhập khẩu 25% lên 34 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và kế đó là hàng rào thuế quan lên 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 23/08.
Chưa dừng lại ở đó, chính quyền Mỹ đang xem xét áp thuế từ 10% đến 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, tức hơn 500 tỷ USD.
Triển vọng kinh tế có thể đã ổn định tại thời điểm này. Nhưng nếu không tăng cường thêm các biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản thì dòng tiền sẽ vẫn chảy vào bất động sản thay vì các khu vực cần vốn như sản xuất công nghiệp, đổi mới công nghệ và du lịch, theo Thales Qin, Tổng Giám đốc tại Viện Toàn cầu hóa Thành phố Trung Quốc (CIGC).
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|