Nhu cầu nội địa là chìa khóa giúp Mỹ tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2005
Nền kinh tế Mỹ chuẩn bị tăng trưởng mạnh hơn trong thời gian tới, khi sự gia tăng của nhu cầu nội địa giúp nền kinh tế nước này vượt qua những bất ổn từ bên ngoài, đồng thời tạo ra lý do để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục lộ trình nâng lãi suất.
Các hộ gia đình có nhiều tiền để chi tiêu, nhờ khoản tiền tiết kiệm mới và các đợt cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các công ty đang đẩy mạnh sản lượng và gia tăng lượng hàng tồn kho sau khi lượng hàng tồn kho giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Và chi tiêu Chính phủ Mỹ cũng sắp tăng mạnh, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua gói chi tiêu 1.3 ngàn tỷ USD trong tháng 3/2018.
Kết quả là tăng trưởng của 6 tháng cuối năm 2018 có thể ở mức 3% hoặc hơn, theo một số chuyên gia kinh tế. Mặc dù mức tăng trưởng này thấp hơn mức 4.1% của quý 2, nhưng nó cũng đủ để giúp tăng trưởng cả năm 2018 đạt mức cao nhất kể từ năm 2005 – thời điểm GDP Mỹ tăng trưởng 3.5%.
“Đây là ‘đèn xanh’ cho nền kinh tế Mỹ”, Allen Sinai, Chủ tịch của Decision Economics Inc. ở New York, cho hay. Ông dự báo tăng trưởng GDP Mỹ sẽ đạt mức 3.1% trong năm nay.
Triển vọng tăng trưởng lạc quan có thể thôi thúc Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, và các đồng nghiệp thực hiện kế hoạch nâng lãi suất thêm hai lần nữa trong năm nay, bất chấp những lời chỉ trích từ ông Trump. Trong ngày thứ Sáu (17/08), ông Trump nói với những nhà tài trợ giàu có thuộc Đảng Cộng hòa rằng, ông đã kỳ vọng Powell – người được Donald Trump bổ nhiệm để thay thế bà Janet Yellen trong năm nay – sẽ là vị Chủ tịch theo quan điểm “tiền rẻ”, nhưng thực tế thì không phải vậy. Thay vào đó, ông Powell lại thắt chặt chính sách tiền tệ. Ông Powell chuẩn bị phát biểu vào ngày thứ Sáu tuần này (24/08) ở Hội thảo chuyên đề hàng năm của Fed khu vực Kansas City tại Jackson Hole, Wyoming.
Ngoài ra, Nhà trắng cũng hài lòng với mức tăng trưởng 3% trong năm 2018. Nó sẽ chứng minh cho lời nhận định gây tranh cãi của chính quyền Donald Trump rằng, các đợt giảm thuế, nới lỏng quy định và các chính sách thương mại thuận lợi hơn sẽ nâng tăng trưởng lên mức 3% và bền vững.
Tuy nhiên, rủi ro tác động tới những viễn cảnh lạc quan đã xuất hiện. Đáng nói tới nhất là sự bất ổn từ hàng rào thuế quan lên kim loại và nhiều hàng hóa Trung Quốc của ông Trump. Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ phần lớn đã gạt bỏ mối quan ngại này (bằng chứng là giá cổ phiếu đang gần với mức kỷ lục mới), nhưng điều này có thể thay đổi nếu ông Trump leo thang chiến tranh thương mại và tấn công vào lĩnh vực xe hơi – một ngành quan trọng trên toàn cầu.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra hoài nghi: Khoảng thời gian tốt đẹp có thể kéo dài được bao lâu khi chi phí đi vay tăng cao hơn, trong khi các tác động tích cực từ các đợt cắt giảm thuế và gia tăng chi tiêu dần phai nhạt vào năm tới và có thể biến mất vào năm 2020.
Người tiêu dùng
Các yếu tố góp phần hỗ trợ cho hộ gia đình vẫn còn khỏe mạnh, dù có sự suy giảm về niềm tin tiêu dùng trong tuần trước, theo thông tin từ Đại học Michigan. Người Mỹ đang hưởng lợi từ thị trường việc làm mạnh, các đợt cắt giảm thuế và đà tăng tài sản của hộ gia đình – phần lớn là nhờ chứng khoán và bất động sản.
“Người tiêu dùng nói với chúng tôi rằng họ cảm thấy tốt hơn về tình hình kinh tế Mỹ cũng như tình hình tài chính cá nhân của họ”, Brett Biggs, Giám đốc tài chính tại Walmart, cho biết trong tuần trước, sau khi công bố tăng trưởng doanh thu mạnh nhất trong hơn 10 năm.
Lợi nhuận doanh nghiệp
Lợi nhuận doanh nghiệp đang bùng nổ, nhờ các đợt cắt giảm thuế do ông Trump đề xướng. Lượng tiền này được sử dụng để mua lại cổ phần và gia tăng khoản đầu tư vốn.
“Rõ ràng, chúng tôi đang hoạt động trong một nền kinh tế khá mạnh mẽ trên diện rộng”, Chuck Robbins, Giám đốc điều hành của Cisco Systems, cho biết trong tuần trước.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|