Chính sách quản lý Nhân dân tệ mới của Trung Quốc báo hiệu điều gì?
Hôm thứ Sáu (24/08), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thay đổi cách thức quản lý đồng Nhân dân tệ. Theo các chuyên gia phân tích, điều này báo hiệu rằng các cơ quan chức trách Trung Quốc không có ý định sử dụng đồng Nhân dân tệ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Đồng Nhân dân tệ đang chịu áp lực nặng nề trong vài tuần gần đây, khi nhà đầu tư lo ngại về triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc, một phần là do tác động từ cuộc xung đột thương mại với Mỹ. Trong ngày thứ Sáu (24/08), PBoC tuyên bố, họ đang giới thiệu một phương pháp tính toán mới có tên gọi là “yếu tố phản chu kỳ” để giữ tỷ giá trung tâm hàng ngày của Nhân dân tệ ở mức ổn định tương đối.
Lần trước, PBoC cho biết họ sẽ xây dựng phương pháp tính toán này từ tháng 5/2017 cho tới đầu năm nay, nhưng họ chưa bao giờ giải thích nó có nghĩa là gì. Nhiều người nhìn nhận cụm từ “yếu tố phản chu kỳ” có nghĩa là NHTW Trung Quốc sẽ cố gắng chống chọi trước bất kỳ lực lượng nào trên thị trường đang gây tác động tới đồng nội tệ.
Trong trường hợp này, Bắc Kinh đang chuẩn bị chống chọi với các trader đang cố gắng kéo đồng Nhân dân tệ giảm giá so với đồng USD. Được biết, mỗi ngày, NHTW Trung Quốc sẽ thiết lập một mức tỷ giá trung tâm và đồng Nhân dân tệ chỉ có thể dao động tăng/giảm tối đa 2% so với mức này.
Mizuho Bank cho biết, “yếu tố phản chu kỳ” vốn dĩ không bao gồm việc dẫn dắt đồng Nhân dân tệ nghiêng về một hướng nào đó, thay vào đó là để giữ đồng tiền này ổn định tương đối so với các đồng tiền khác.
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với đồng USD đã ảnh hưởng tới cuộc chiến thương mại, vì đà suy giảm của đồng tiền này sẽ bù đắp tác động của hàng rào thuế quan Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vì đà giảm của đồng Nhân dân tệ.
“Tôi nghĩ Trung Quốc đang thao túng tiền tệ của họ, chắc chắn là vậy”, ông Trump nói với Reuters trong tuần trước.
Nhìn chung, một đồng nội tệ yếu hơn có thể thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, làm sản phẩm của họ trở nên rẻ hơn so với các quốc gia khác và cạnh tranh hơn trên thương trường toàn cầu.
Động thái của PBoC có thể được xem là một tín hiệu về một chính sách thúc đẩy đồng Nhân dân tệ, Mizuho Bank cho biết trong báo cáo ngày thứ Hai (27/08).
Đáng chú ý hơn, Mizuho Bank cho rằng, bước đi này còn củng cố quan điểm cho rằng Trung Quốc không sử dụng đồng Nhân dân tệ như là “một vũ khí” trong cuộc xung đột thương mại.
Trong tuyên bố ngày thứ Sáu (24/08), PBoC cho biết, họ kỳ vọng việc thay đổi phương pháp sẽ đóng vai trò tích cực trong việc ổn định hóa diễn biến đồng Nhân dân tệ. Ngoài ra, họ cho biết, trước đó biện pháp này đã giảm thiểu các hành vi thuận chu kỳ (pro-cyclical market behaviours) và ổn định hóa kỳ vọng thị trường.
Các đại diện cấp trung từ Mỹ và Trung Quốc đã khép lại 2 ngày đàm phán ở Washington trong tuần trước, nhưng không đạt được bước tiến rõ ràng nào trong việc chấm dứt xung đột thuế quan.
Các cuộc đàm phán giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới ở Washington trong tuần trước gần như chẳng đạt được bước tiến gì rõ ràng. Thay vào đó, những thứ lờ mờ phía trước là khả năng Mỹ áp hàng rào thuế quan mới lên khoảng 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh cũng đã hứa sẽ đáp trả lại.
Trong tuần trước, khi cả hai bên đang đàm phán thương mại, Mỹ đã áp thêm thuế lên 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trước tình thế đó, Trung Quốc cũng đáp trả lại với hàng rào thuế quan có quy mô tương đương. Theo đó, tổng lượng hàng hóa thương mại bị tác động bởi cuộc xung đột Mỹ - Trung đã lên tới 100 tỷ USD, và có khả năng là còn có thêm nhiều hàng rào thương mại khác.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|