Thứ Năm, 03/05/2018 16:34

Người dân Thụy Điển gần như không sử dụng tiền mặt

Nhắc tới các quốc gia muốn chuyển hoàn toàn sang xã hội phi tiền mặt thì Thụy Điển nên được xem xét đầu tiên.

Trước đó, nước này được xem là xã hội có tỷ lệ không sử dụng tiền mặt cao nhất trên thế giới. Thật vậy, ngày càng nhiều người Thụy Điển sử dụng thẻ để thanh toán thay vì tiền mặt, dựa trên số liệu từ Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank). Đáng chú ý nhất là có tới 85% người dân sử dụng hệ thống ngân hàng trực tuyến.

Tỷ lệ lưu thông tiền giấy và tiền xu tính trên GDP của Thụy Điển giảm dần qua từng năm, khi người dân nước này ít rút tiền mặt hơn và chuyển sang sử dụng các phương pháp thanh toán kỹ thuật số thông qua thẻ và điện thoại di động.

Chỉ có 2% tổng giá trị giao dịch ở Thụy Điển được thanh toán bằng tiền mặt, và con số này còn được kỳ vọng sẽ giảm xuống còn gần 0.5% vào năm 2020, dựa theo kết quả nghiên cứu của Capgemini và BNP Paribas.

Tình hình trở nên nghiêm trọng tới mức Riksbank buộc phải lên tiếng cảnh báo rằng tình trạng tiền mặt dần biến mất khỏi cuộc sống của người dân Thụy Điển với tốc độ nhanh chóng.

Trước đó, Thống đốc Riksbank, Stefan Ingves, cho biết việc chuyển sang xã hội phi tiền mặt hoàn toàn sẽ dẫn tới việc một vài công ty thương mại sẽ chịu trách nhiệm quản lý các khoản thanh toán ở Thụy Điển, qua đó gây ra môi đe dọa đến cơ sở hạ tầng cho thanh toán. Một nước Thụy Điển không xài tiền mặt có thể gặp nhiều khó khăn nếu rơi vào tình trạng khủng hoảng, ông nói thêm.

Riksbank cho hay nhu cầu tiền mặt có khả năng tăng cao trong tình huống xảy ra khủng hoảng, nhưng với ít tiền giấy và tiền xu trong lưu thông, nguồn cung sẽ rất hạn chế.

Một vấn đề khác là một số người ở Thụy Điển không có khả năng tiếp cận tới dịch vụ thanh toán kỹ thuật số, thậm chí một số người còn không muốn sử dụng chúng.

“Lúc ban đầu, mục đích của chúng tôi là cung cấp tiền giấy và tiền xu tới xã hội ở mức mà tại đó xã hội muốn sử dụng đồng tiền của chúng tôi hơn các đồng tiền khác miễn là nó an toàn và hiệu quả”, Cecila Skingsley, Phó Thống đốc của Riksbank, nói với hãng tin CNBC trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

“Tuy nhiên, chúng tôi đã bắt đầu chú ý tới sự phát triển nhanh chóng của các phương pháp thanh toán kỹ thuật số, chúng tôi để ý rằng có một số người, một số tình huống và vị trí địa lý, nơi đó tiền mặt là cực kỳ quan trọng”, bà nói thêm.

Những người lớn tuổi và dân nhập cư là những người thuộc nhóm cần có tiền mặt ngay cả khi phần lớn người dân không cần, bà Skingsley cho hay.

Người dân Thụy Điển có thể rơi vào tình huống mà trong đó, các phương tiện thanh toán không còn là phương tiện trao đổi hiệu quả cho các giao dịch thương mại và đây là một tình huống mà chưa quốc gia nào trải qua trước đó, bà Skingsley nói rõ.

Ủy ban Quốc hội ở Stockholm hiện đang rà soát lại Đạo luật của NHTW để kiểm tra xem liệu có nên bị ép buộc các ngân hàng cung cấp dịch vụ tiền mặt tới các khách hàng hay không. Ngày càng nhiều chi nhánh ngân hàng từ chối cung cấp dịch vụ tiền mặt qua quầy vì nhu cầu sử dụng tiền mặt ngày càng giảm.

Vì sao người dân Thụy Điển gần như không sử dụng tiền mặt?

Thụy Điển là một nền kinh tế khá độc đáo khi xét về thanh toán. Đây là nơi cho ra đời ứng dụng thanh toán tức thì phổ biến có tên là Swish – vốn được 7 ngân hàng lớn nhất ở Thụy Điển tạo ra trong năm 2012. Hơn 50% người tiêu dùng Thụy Điển đã đăng ký sử dụng ứng dụng trên.

Ngoài ra, đất nước này cũng chứng kiến sự bùng nổ trong lĩnh vực công nghệ với các ông lớn như Spotify và Skype của Microsfot và các start-up công nghệ tài chính (fintech) như iZettle và Klarna.

Tuy nhiên, một lý do khác để giải thích cho sự suy giảm sử dụng tiền mặt là các nhà bán lẻ không còn cung cấp dịch vụ thanh toán bằng tiền mặt nữa.

“Có một chút bất thường trong hệ thống pháp luật Thụy Điển vì nếu bạn xem Đạo luật của Riksbank (Riksbank Act) thì nó nói khá rõ rằng đồng Krona của Thụy Điển là đồng tiền thanh toán hợp pháp và bắt buộc phải được chấp nhận trong việc thanh toán giao dịch”, bà Skingsley nhận định.

“Tuy nhiên, các phần khác trong đạo luật này đã tạo ra các trường hợp được miễn. Trong bối cảnh công nghệ đã phát triển ở mức độ hiện nay, thì hoàn toàn có thể sống ở Stockholm (ví dụ) mà không cần sử dụng tiền mặt”.

Để đối phó với xu hướng chuyển sang xã hội phi tiền mặt, Riksbank đã xem xét tới một phương án là tạo một đồng tiền kỹ thuật số có sự hậu thuẫn của Chính phủ có tên là Ekrona. Tuy nhiên, vẫn chưa biết được các thông tin chi tiết về công nghệ của đồng tiền kỹ thuật số này. Dự án hiện đã bước sang năm thứ hai.

“Khi công nghệ phát triển và mọi người thay đổi sở thích, chúng ta buộc phải nghĩ xa hơn và kỹ lưỡng về những gì lĩnh vực công cung cấp tới người dân về phương diện tiền tệ và làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho những người sống trong xã hội tiếp cận tới những dạng tiền tệ mà họ muốn”, bà Skingsley cho hay.

Tuy nhiên, Riksbank không hứng thú với ý tưởng phát hành tiền mật mã (cryptocurrencies). “Tiền mật mã cho tới nay vẫn là một phiên bản tiền tệ rất tồi”, bà Skingsley nhấn mạnh. Những đồng tiền kiểu như Bitcoin và Ethereum không phải là một phương tiện lưu trữ giá trị ổn định hay là một phương tiện trao đổi hiệu quả.

Nhiều cửa hàng, nhà hàng và chi nhánh ngân hàng từ chối thanh toán tiền mặt vì người tiêu dùng hiếm khi sử dụng chúng, trong đó các nhà bán lẻ đã tung ra các dấu hiệu cho thấy họ không chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt ở đất nước này. Dựa trên dữ liệu từ Riksbank, chỉ 20% các giao dịch ở các cửa hàng được thanh toán bằng tiền mặt, một con số rất thấp so với các quốc gia khác. Chẳng hạn như ở Anh, khoản thanh toán bằng tiền mặt chiếm tới 42% các giao dịch nhỏ lẻ, dựa trên số liệu của Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC).

Jacob de Geer, CEO của iZettle, ủng hộ ý tưởng phát hành một đồng tiền dạng kỹ thuật số có sự hậu thuẫn của Chính phủ.

“Tôi nghĩ đây thực sự là một ý tưởng hấp dẫn, trong đó các ngân hàng dưới sự kiểm soát của Chính phủ có thể phát hành tiền điện tử”, ông De Geer nói. “Tôi nghĩ đây là ý tưởng cấp tiến và là một cách rất thông minh để có thể kiểm soát dòng tiền tệ”.

Ông De Geer nói rõ doanh nghiệp của ông – vốn cung cấp đầu đọc thẻ di động và các thiết bị thanh toán kỹ thuật số khác cho các doanh nghiệp nhỏ - cũng hưởng lợi từ xu hướng trên.

Tuy nhiên, tiền mặt vẫn còn tồn tại trong cuộc sống của nhiều người, vị doanh nhân này cho biết, đồng thời nói thêm: “Tôi nghĩ vẫn có một vai trò nào đó dành cho tiền vật chất trong xã hội”.

Liệu Thụy Điển có phải là quốc gia đầu tiên trở thành xã hội phi tiền mặt hoàn toàn?

Thụy Điển chắc chắn sẽ là quốc gia đi đầu khi nói về xã hội phi tiền mặt, nhưng một số quốc gia khác cũng đang chứng kiến xu hướng tương tự.

Các quốc gia láng giềng như Na Uy và Đan Mạch được cho là đang bám sát theo sau Thụy Điển, và Anh cũng đang chuyển hướng sang các phương tiện thanh toán kỹ thuật số. Ở Anh xuất hiện làn sóng ngân hàng kỹ thuật số đang nổi lên.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FiLi

Các tin tức khác

>   Vì sao Mỹ khó tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại? (03/05/2018)

>   Trung Quốc đã ngừng mua đậu nành từ Mỹ vì xung đột thương mại? (03/05/2018)

>   EU khẳng định sẽ không đàm phán về thuế suất của Mỹ một cách rủi ro (03/05/2018)

>   Fed giữ nguyên lãi suất, nhưng nói rõ lạm phát đang bắt đầu gia tăng (03/05/2018)

>   Hãng thông tấn Trung Quốc: Đừng kỳ vọng Bắc Kinh sẽ đáp ứng mọi nhu cầu của Mỹ (02/05/2018)

>   Trung Quốc làm suy yếu đồng Nhân dân tệ trước thềm đàm phán thương mại với Mỹ (02/05/2018)

>   Mỹ gia hạn thời gian miễn thuế nhập khẩu thép và nhôm cho EU và các đồng minh khác (01/05/2018)

>   Vì sao tỉ phú Warren Buffett khen Trung Quốc nức nở? (01/05/2018)

>   Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại ở mức 2.3% (28/04/2018)

>   Chính quyền Donald Trump có thể nới rộng thời hạn miễn thuế nhập khẩu thép và nhôm? (28/04/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật