Kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại ở mức 2.3%
Tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm bớt trong quý 1/2018, khi người tiêu dùng không còn chi tiêu nhiều như trong quý trước, mặc dù các khoản đầu tư doanh nghiệp lớn đã bù đắp phần nào cho đà suy yếu của chi tiêu tiêu dùng và đà tăng của chi phí thù lao của người lao động trong bối cảnh thị trường việc làm Mỹ ngày càng thắt chặt.
Trong quý 1/2018, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ – giá trị của tất cả hàng hóa và dịch vụ sản xuất ở một quốc gia – tăng trưởng ở mức 2.3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng 2.9% trong quý 4/2017, Bộ Thương mại Mỹ công bố trong ngày thứ Sáu (27/04).
Mặc dù đây là mức tăng trưởng quý 1/2018 tốt nhất trong các quý 1 kể từ năm 2015, nhưng rõ ràng đã chấm dứt chuỗi 3 quý tăng trương trên hoặc gần 3% liên tiếp, và là lời nhắc nhở rằng quý 1/2018 vẫn còn bị tác động bởi sự thay đổi của số liệu kinh tế. Các chuyên gia phân tích kỳ vọng kinh tế Mỹ sẽ hồi phục nhờ tác động tích cực của các đợt cắt giảm thuế trong bối cảnh thị trường việc làm tăng trưởng mạnh, mặc dù các yếu tố tích cực như lạm phát và chi phí đi vay thấp dần dần biến mất và căng thẳng thương mại trỗi dậy.
“Câu hỏi lớn nhất ở đây là điều gì sẽ xảy ra trong quý 2/2018”, Jacob Oubina, Chuyên gia kinh tế Mỹ cấp cao tại RBC Capital Markets, cho hay. Việc hoàn thuế chậm trễ có thể đã làm giảm chi tiêu tiêu dùng, nhưng khoản này có thể tăng trong quý 2/2018 vì thu nhập gia tăng, ông cho hay. “Thị trường lao động dường như ngày càng tốt hơn, tiền lương cuối cùng cũng bắt đầu tăng và trên hết là nền kinh tế nhận được các tác động tích cực từ đợt cắt giảm thuế”.
Mức tăng trưởng GDP 2.3% vãn còn nhanh hơn so với những nhận định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về tiềm năng dài hạn của nền kinh tế Mỹ, và các quan chức Fed cho biết đà giảm tốc quý 1/2018 là do các yếu tố tạm thời. Nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất lần thứ hai vào tháng 6/2018.
Mục tiêu của Donald Trump
Dù vậy, những kết quả trên đã phần nào thể hiện sự khó khăn để đạt được mục tiêu tăng trưởng bền vững 3% của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dù rằng các đợt cắt giảm thuế doanh nghiệp và cá nhân đã có hiệu lực từ tháng 1/2018. Các số liệu thống kê khác trong ngày thứ Sáu (27/04) đã đưa ra một chỉ báo không tốt về sự tăng trưởng mạnh đồng bộ trên toàn cầu: Nền kinh tế châu Âu đã mất đà trong quý 1/2018 khi tăng trưởng đã giảm tốc từ Anh cho tới Pháp, một phần là do cơn bão mùa đông đã lan ra khắp khu vực này.
Chi tiêu tiêu dùng – động lực thúc đẩy chính của nền kinh tế – tăng 1.1%, khớp với ước tính trước đó và đánh dấu mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2013. Chi tiêu cho thiết bị kinh doanh và đầu tư khu dân cư cũng tăng chậm lại. Chi tiêu cho các cấu trúc không dành cho lưu trú và sở hữu trí tuệ lại tăng trưởng nhanh hơn trong quý 1/2018, qua đó giảm bớt phần nào đà giảm tốc chung.
Chi tiêu Chính phủ giảm tốc xuống còn 1.2%, thấp hơn mức tăng trưởng 3% quý trước. Thương mại đóng góp 0.2 điểm phần trăm vào tăng trưởng, còn hàng tồn kho đóng góp 0.43 điểm phần trăm, đảo chiều với quý trước đó. Thương mại và hàng tồn kho là hai trong số những thành phần biến động mạnh nhất trong các tính toán về GDP.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ còn cho thấy áp lực giá đang dần gia tăng. Chỉ số giá GDP tăng 2% trong quý 1/2018. Một thước đo về lạm phát – gắn liền với chi tiêu tiêu dùng và loại bỏ các chi phí thực phẩm và năng lượng hay biến động – tăng trưởng 2.5% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2011. Điều này góp phần cung cấp các dấu hiệu cho thấy mức tăng trưởng về giá đang dần gia tăng.
Đáng chú ý, số liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số phí tuyển dụng – bao gồm tiền lương và lợi ích – tăng trưởng 0.8% so với quý trước, vượt qua mức ước tính 0.7%. Tiền lương của khu vực tư nhân tăng trưởng 2.9% so với cùng năm trước.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|