Cuộc gặp thượng đỉnh Hàn-Triều có ý nghĩa như thế nào?
Những lợi ích liên quan đến cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in là không thể cao hơn...
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) bắt tay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại giới tuyến quân sự giữa hai miền Triều Tiên sáng 27/4 - Ảnh: Bloomberg.
|
Ông Kim Jong Un sáng 27/4 đã đặt một cột mốc trong lịch sử khi trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đặt chân lên đất Hàn Quốc kể từ khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt làm hai miền cách đây gần 7 thập kỷ. Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, ông Kim Jong Un dự kiến sẽ bàn về phi hạt nhân hóa.
Theo tin từ Bloomberg, vào lúc 9h30 sáng theo giờ địa phương, ông Kim Jong Un được chào đón bởi ông Moon Jae-in tại ngôi làng đình chiến Bàn Môn Điếm. Hai nhà lãnh đạo mỉm cười thân mật và bắt tay nhau trước khi ông Kim Jong Un bước chân qua giới tuyến quân sự giữa hai miền, đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc.
Đây là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 và là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ năm 2007. Cuộc gặp này có ý nghĩa lịch sử, bởi được cho là giữ vai trò quyết định liệu ông Kim Jong Un có thể đạt một thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Tuyên bố hòa bình có thể được ký
Những lợi ích không thể cao hơn, Bloomberg nhận xét. Bình Nhưỡng được cho là đã hoặc gần phát triển được tên lửa có khả năng mang bom hạt nhân tấn công vào bất kỳ đâu trên đại lục Mỹ. Kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng ước tính hiện có khoảng 60 quả bom. Từ khi lên cầm quyền, ông Trump đã siết chặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên và cảnh báo có thể hành động quân sự nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa Mỹ.
"Cuộc gặp thượng đỉnh này chỉ tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa và các chính sách để đạt được hòa bình lâu dài", ông Im Jong-seok, Chánh thư ký phủ Tổng thống Hàn Quốc, đồng thời là người chịu trách nhiệm về chuẩn bị cho cuộc gặp, nói với giới truyền thông hôm thứ Năm. "Rất khó để đoán trước" hai bên sẽ đạt được sự nhất trí như thế nào, ông Im nói.
Ảnh: AP
|
Trước cuộc gặp, truyền thông quốc tế nhận định rằng hai nhà lãnh đạo có thể ký một tuyên bố hòa bình để thay thế cho thỏa thuận ngừng bắn 1953. Với thỏa thuận ngừng bắn này, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh nếu xét trên phương diện kỹ thuật.
Ngoài ra, ông Kim Jong Un và ông Moon Jae-in có thể sẽ nhất trí về rút bớt binh sỹ và vũ khí khỏi khu phi quân sự (DMZ) giữa hai miền. Hai nhà lãnh đạo cũng có thể đi đến một cơ chế đàm phán tương lai về thanh tra hạt nhân và nới trừng phạt, hai vấn đề được coi là nguyên nhân chính dẫn tới những cuộc đàm phán trước đây đổ vỡ.
Theo lịch trình cuộc gặp được phía Hàn Quốc công bố, hai nhà lãnh đạo sẽ có nhiều khoảnh khắc để chụp ảnh chung: những cái bắt tay, cùng nhau ký sổ lưu niệm, trồng cây lưu niệm. Dự kiến, thỏa thuận giữa hai bên sẽ được ký trước bữa tối chung của hai ông. Ngoài ra, hai ông cũng có thể cùng xuất hiện tại một cuộc họp báo.
"Ông Kim Jong Un sẽ thảo luận cởi mở với ông Moon Jae-in về tất cả mọi vấn đề nhằm cải thiện quan hệ liên Triều và đạt tới hòa bình, thịnh vượng và thống nhất cho bán đảo Triều Tiên", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA viết trong một bản tin vào ngày thứ Sáu.
Nhằm tạo bầu không khí hòa bình cho cuộc gặp này, vào tuần trước, ông Kim Jong Un đã hứa sẽ dừng ngay lập tức các vụ thử tên lửa và hạt nhân, đồng thời từ bỏ một cơ sở thử hạt nhân hàng đầu của Triều Tiên.
Vấn đề kinh tế
Ông Trump đã đánh giá cao lời hứa này của ông Kim Jong Un, gọi đây là một "tiến bộ lớn", thậm chí tuần này Tổng thống Mỹ còn gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là một người "rất đáng kính". Sự chuyển biến thái độ này khác xa so với những gì diễn ra trong năm ngoái, khi ông Trump gọi ông Kim Jong Un là "gã tên lửa" và cảnh báo tấn công quân sự đối với Triều Tiên.
Ông Gary Samore, Giám đốc phụ trách nghiên cứu tại Trung tâm Belfer về Khoa học và Quan hệ quốc tế, Đại học Harvard, nói rằng mối đe dọa hạt nhân trực tiếp từ Triều Tiên đối với an ninh Mỹ khiến hạt nhân là vấn đề quan trọng nhất đối với Washington.
Ảnh: Reuters.
|
"Có thể Triều Tiên không thực sự muốn từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng họ có thể chấp nhận giới hạn nào đó đối với vũ khí hạt nhân của họ để đổi lấy những lợi ích kinh tế", ông Samore nói trong một cuộc trao đổi với Bloomberg. "Trước đây, họ từng chấp nhận những giới hạn tạm thời đối với chương trình hạt nhân của họ để đổi lấy những lợi ích cụ thể. Tất cả những thỏa thuận đó rốt cục lại sụp đổ vì Triều Tiên không tuân thủ".
Vũ khí hạt nhân đã trở thành một đặc trưng trong nhận diện của Triều Tiên, với địa vị "quốc gia hạt nhân" đã được đưa vào Hiến pháp của nước này. Bởi vậy, việc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân sẽ không chỉ là một lựa chọn chiến thuật, mà sẽ cho thấy sự thay đổi căn bản trong cách thức mà gia tộc họ Kim duy trì quyền lực.
Tuy vậy, bất kỳ tiến bộ nào trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đều có thể diễn ra chậm chạp và khó khăn, và sẽ phải có sự tham gia của các thanh sát viên quốc tế. Những nỗ lực trước đây dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Il, người cha đã quá cố của ông Kim Jong Un, đều đã thất bại, với Triều Tiên và Mỹ đổ lỗi lẫn nhau không tuân thủ thỏa thuận.
Theo giáo sư Ri Pyong Hwi thuộc Đại học Hàn Quốc, viện trợ kinh tế sẽ là một vấn đề chủ chốt trong cuộc đàm phán.
"Ngoại giao, thống nhất, và kinh tế đang dần dần và lặng lẽ trở thành những vấn đề ưu tiên hàng đầu của Triều Tiên, bên cạnh phát triển vũ khí hạt nhân", ông Ri nhận xét. "Nếu Mỹ muốn Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì họ cũng cần phải đưa ra đề xuất về một hiệp ước hòa bình và bình thường hóa quan hệ Mỹ-Triều".
vneconomy
|