Mỹ cân nhắc sử dụng luật khẩn cấp để ngăn chặn các khoản đầu tư công nghệ của Trung Quốc
Bộ Tài chính Mỹ đang cân nhắc sử dụng một điều luật khẩn cấp để ngăn chặn Trung Quốc đầu tư vào các công nghệ nhạy cảm, khi chính quyền Donald Trump muốn trừng phạt Trung Quốc vì đã vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng sử dụng một điều luật có tên là Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, ông Heath Tarbert, Trợ lý thuộc Văn phòng quốc tế của Chính phủ Mỹ, cho hay. Theo luật 1977, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tuyên bố một trường hợp khẩn cấp mang tính quốc gia để đối phó với mối đe dọa bất thường, qua đó cho phép ông ngăn chặn các giao dịch và tịch thu tài sản.
Ông Heath Tarbert, Trợ lý thuộc Văn phòng quốc tế của Chính phủ Mỹ
|
Ông Trump đang thúc giục chính quyền Mỹ tiến hành kiểm soát hành vi của Trung Quốc mà ông cho là hành vi thương mại không công bằng. Ông đã lên tiếng đe dọa áp thuế bổ sung tới 150 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc vì cho rằng Bắc Kinh đã đánh cắp sở hữu trí tuệ và buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ. Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp thuế 50 tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và cam kết sẽ hành động thêm nếu cần thiết.
Ông Trump đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cân nhắc áp đặt các giới hạn đầu tư lên các công ty Trung Quốc, sau khi chính quyền Mỹ đưa ra kết quả điều tra về các hành vi sở hữu trí tuệ của Trung Quốc trong tháng trước.
Ông Mnuchin vẫn còn thời gian cho tới ngày 21/05/2018 để đề xuất các động thái giải quyết mối lo ngại về các khoản đầu tư ở Mỹ “được chỉ đạo hoặc tạo điều kiện bởi Trung Quốc trong các ngành hoặc công nghệ quan trọng”, trích dẫn từ thông báo nội bộ trong ngày 22/03.
Cho đến nay, nhà đầu tư vẫn tập trung rất nhiều vào kế hoạch áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc của ông Trump, nhưng các giới hạn mới có thể làm giảm khoản đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ, qua đó cũng làm giảm khả năng huy động vốn của các công ty Mỹ.
Các thương vụ thâu tóm của công ty Trung Quốc ở Mỹ giảm từ 53 tỷ USD (năm 2016) xuống còn 31.8 tỷ USD trong năm 2017, dựa trên số liệu tổng hợp bởi Bloomberg. Ông Tarbert cho biết, Donald Trump chỉ đạo xem xét áp đặt giới hạn đầu tư chỉ với Trung Quốc.
Các quan chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ đang thực hiện kế hoạch để xác định các lĩnh vực công nghệ mà các công ty Trung Quốc sẽ bị cấm đầu tư, như thiết bị bán dẫn và mạng không dây 5G, dựa theo nguồn tin thân cận.
Ngoài ra, các quan chức trên cũng đang tìm cách để áp đặt các điều kiện khắc khe hơn lên các công ty Trung Quốc bằng cách sử dụng quy định để xem xét các giao dịch thâu tóm có nguy cơ đối với an ninh quốc gia.
Ông Tarbett cho hay Bộ Tài chính Mỹ cũng ủng hộ một dự luật lưỡng đảng, theo đó tăng cường thẩm quyền của hội đồng liên cơ quan, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) – hiện đang giữ vai trò xem xét những thương vụ thâu tóm của nhà đầu tư nước ngoài.
Trước đó, Nhà Trắng đã ngăn chặn thương vụ thâu tóm hãng sản xuất chip điện tử Qualcomm của Công ty sản xuất chip bán dẫn Broadcom trị giá 117 tỷ USD do lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia.
Trong sắc lệnh ban hành ngày 12/03/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng có "bằng chứng đáng tin cậy" về việc Broadcom và các chi nhánh công ty này có thể hành động đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ. Tổng thống Donald Trump yêu cầu Broadcom và Qualcomm ngay lập tức chấm dứt vĩnh viễn thương vụ trên.
Và mới đây, Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/04 tuyên bố cấm các công ty nước này bán linh kiện cho ZTE, một công ty sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc, trong vòng 7 năm.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|