Trung Quốc gỡ bỏ giới hạn về quyền sở hữu của các công ty sản xuất xe hơi nước ngoài
Trung Quốc đang thực hiện lời cam kết mở cửa thị trường xe khổng lồ của mình cho các công ty sản xuất xe hơi nước ngoài.
Cụ thể, Bắc Kinh sẽ loại bỏ ràng buộc đã có từ lâu về quyền sở hữu nước ngoài trong các công ty sản xuất xe điện, thuyền và máy bay trong năm nay, Chính phủ Trung Quốc tuyên bố trong ngày thứ Ba (17/04).
Tuyên bố trên chỉ là bước đầu tiên trong kế hoạch mà Trung Quốc đã cam kết là sẽ loại bỏ dần tất cả giới hạn về quyền sở hữu nước ngoài trong ngành xe hơi.
Việc nới lỏng quy định đối với các công ty sản xuất xe hơi diễn ra trong lúc căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Dù Trung Quốc cam kết mở cửa thị trường xe hơi trong quá khứ, mặt khác tuyên bố hôm thứ Ba có thể là một dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thứ hai đã chuẩn bị để đàm phán với Mỹ để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại.
Ủy ban cho biết giới hạn sở hữu về các phương tiện thương mại như xe buýt hoặc xe tải vận chuyển sẽ được gỡ bỏ vào năm 2020, còn xe chở khách sẽ được gỡ bỏ vào năm 2022.
Với quy định hiện tại, nếu các nhà sản xuất xe hơi nước ngoài muốn sản xuất và bán xe hơi ở Trung Quốc thì họ buộc phải thành lập liên doanh 50/50 với các công ty Trung Quốc.
Ford, General Motors (GM), Volkswagen, BMW, Fiat Chrysler, Renault và những công ty khác đã phải hợp tác với các nhà sản xuất ở Trung Quốc.
Trung Quốc là thị trường xe hơi lớn nhất trên thế giới và thành công ở quốc gia này là cực kỳ quan trọng với nhiều nhà sản xuất xe hơi. GM cho biết Trung Quốc đã là thị trường lớn nhất của họ trong 6 năm liền. Ngoài ra, Volkswagen cũng nhấn mạnh tới Trung Quốc, gọi đây là thị trường mang tính quyết định đối với thành công trong tương lai của hãng xe này. Họ đã bán hơn 4 triệu chiếc xe hơi ở Trung Quốc trong năm 2017, cao hơn nhiều so với ở các quốc gia khác.
Trong một tuyên bố vào ngày thứ Ba (17/04), Ford cho biết họ cảm thấy phấn khích vì việc nới lỏng quyền sở hữu của các công ty nước ngoài.
“Tuyên bố trên là một minh chứng rõ ràng về lời cảm kết mở cửa thị trường xe hơi của Chính phủ Trung Quốc”, Ford cho biết.
GM chia sẻ họ dự định tiếp tục phối hợp với các đối tác ở Trung Quốc. Các công ty khác không lập tức bình luận về vấn đề trên.
Tháng trước, chính quyền Donald Trump đã áp thuế nhập khẩu 25% lên thép và 10% lên nhôm nhằm thu hẹp khoản thâm hụt thương mại 375 tỷ USD với Trung Quốc. Chính động thái này đã kích hoạt thủ tục tranh chấp với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tỏ ra hoài nghi về các động thái bảo hộ của Donald Trump.
Vào ngày 03/04, Mỹ lại áp thuế lên 1,333 sản phẩm của Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Sau đó, Trung Quốc cũng đáp trả lại bằng việc áp thuế nhập khẩu lên 100 hàng hóa Mỹ và cũng trị giá 50 tỷ USD. Tuần trước, ông Trump còn chỉ đạo Đại diện Thương mại Mỹ cân nhắc áp thuế bổ sung 100 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc nhằm trừng phạt hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Việc trả đũa qua lại đã làm căng thẳng thương mại dâng cao trong tuần này. Bộ Thương mại Mỹ ngày 16/4 tuyên bố cấm các công ty nước này bán linh kiện cho ZTE, một công ty sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc, trong vòng 7 năm.
Đáp trả lại động thái trên, trong ngày thứ Ba (17/04), Trung Quốc cho biết họ đang áp một mức phí lớn lên lúa miến (Sorghum) nhập khẩu từ Mỹ, với lý do Mỹ đã bán phá giá mặt hàng này trên thị trường Trung Quốc. Lúa miến là một loại ngũ cốc sử dụng để nuôi gia súc và chế biến một loại rượu rất phổ biến với người Trung Quốc.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FiLi
|