Vì sao Mỹ khó tiến tới thỏa thuận với Trung Quốc về thương mại?
Các cố vấn hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt chân tới Bắc Kinh trong ngày thứ Năm (03/05) để đàm phán và giải quyết các mâu thuẫn về thương mại, qua đó ngăn cản một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin
|
Gần đây, Mỹ và Trung Quốc đe dọa áp thuế bổ sung lên hàng chục tỷ USD hàng hóa của nhau.
Phái đoàn của Mỹ, bao gồm Bộ trưởng Tài chính – Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ – Robert Lighthizer, hy vọng sẽ tạo ra bước tiến trong các cuộc đàm phán trong hai ngày thứ Năm (03/05) và thứ Sáu (04/05) để giảm bớt căng thẳng giữa hai bên.
“Tôi nghĩ chúng tôi có khả năng cao sẽ tiến tới thỏa thuận”, Donald Trump cho biết trong tuần trước khi ông thông báo về chuyến đi của phái đoàn Mỹ.
Tuy nhiên, chẳng ai đồng tình với ông Trump cả.
“Tôi không kỳ vọng họ sẽ tạo ra được thỏa thuận nào cả”, Michael Camunez, CEO của công ty tư vấn Monarch Global Strategies và từng là quan chức thương mại cấp cao dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cho hay.
Theo quan điểm ông Camunez, chính quyền Mỹ không hề đưa ra một lập trường thống nhất, khi trong nhóm đàm phán bao gồm người có quan điểm “diều hâu” về thương mại là ông Lighthizer và một người ủng hộ thương mại như ông Larry Kudlow – Cố vấn Kinh tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Chẳng thể nhận ra được chiến lược nào rõ ràng cả”, ông Camunez cho hay.
Kiểm soát kỳ vọng
Chính quyền Trung Quốc trước đó đã cố gắng giảm bớt kỳ vọng về các cuộc đàm phán thương mại trong tuần này.
Với quy mô và mức độ phức tạp của mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc, sẽ là không thực tế khi kỳ vọng tất cả mọi vấn đề có thể được giải quyết chỉ bằng một đợt tham vấn ý kiến, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hua Chunying, cho biết trong ngày thứ Tư (02/05).
“Miễn là Mỹ duy trì thái độ chân thành trong việc bảo vệ sự ổn định chung của mối quan hệ thương mại song phương, tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận tham vấn dựa trên cơ sở bình đẳng và hợp tác để cùng nhau có lợi (win-win) thì chúng tôi tin là các cuộc tham vấn sẽ mang tính xây dựng”, bà Chunying cho hay.
Chính quyền Donald Trump muốn Trung Quốc mua nhiều hàng hóa xuất khẩu của Mỹ hơn với hy vọng giảm bớt thâm hụt thương mại 375 tỷ USD của Mỹ với đối tác thương mại lớn nhất của họ – Trung Quốc. Ngoài ra, họ cũng buộc Bắc Kinh từ bỏ chính sách mà các nhà bình luận cho là hỗ trợ cho các công ty Trung Quốc trên thương trường quốc tế và gây áp lực lên các đối thủ nước ngoài để chuyển giao công nghệ quan trọng.
Tuy nhiên, điều tốt nhất mà Mỹ có thể hy vọng đạt được trong tuần này là lợi ích trong ngắn hạn, Derek Scissors, thành viên thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI) – một cơ quan nghiên cứu có trụ sở ở Washington, cho hay.
Điều này có thể bao gồm việc Trung Quốc đưa ra nhiều thông tin chi tiết hơn về kế hoạch mở cửa lĩnh vực sản xuất xe hơi và cam kết gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Ông Scissors cho hay một lời hứa đáng tin cậy từ Bắc Kinh để mua thêm 50 tỷ USD hàng hóa Mỹ mỗi năm sẽ được xem là một thắng lợi của phái đoàn đàm phán của ông Trump. Dù vậy, ông Scissors vẫn cho rằng trường hợp này khó mà xảy ra.
Trung Quốc khó mà gia tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, các chuyên gia cho hay.
Điều này là do không có quá nhiều hàng hóa từ phía Mỹ mà Trung Quốc cảm thấy cần thiết, ông Pauline Loong, người đứng đầu công ty nghiên cứu Asia Analytica ở Hồng Kông, cho hay.
Các doanh nghiệp Trung Quốc muốn các sản phẩm Mỹ có công nghệ cao. Tuy nhiên, chính quyền Donald Trump lại truyền tải một thông điệp mang tính cảnh báo hồi tháng trước bằng cách cấm công ty sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc, ZTE, mua các linh kiện từ các công ty Mỹ trong thời hạn 7 năm.
Thay vì mua thêm hàng hóa từ Mỹ với khối lượng lớn, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đề nghị cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn tới thị trường nước này, ông Loong cho hay.
Lời hứa hẹn của ông Tập Cận Bình là chưa đủ
Trong bài phát biểu tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, đã cam kết mở cửa nền kinh tế nước này đến các công ty và nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, phát biểu trước đám đông ở Michigan hôm thứ Bảy (28/04), ông Trump cho rằng chỉ hứa hẹn thôi là chưa đủ.
“Bắc Kinh vui lòng đề nghị các ý định tốt đẹp. Nhưng điều họ không muốn đưa ra là các thông tin cụ thể của ý định đó”, ông Loong nói rõ.
Cuối năm 2017, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ cho phép các công ty nước ngoài kiểm soát các ngân hàng Trung Quốc và các công ty đầu tư lần đầu tiên trong lịch sử. Theo lý thuyết, điều này sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư Mỹ thực hiện kinh doanh ở quốc gia này.
Tuy nhiên, Lyndon Chao – Giám đốc điều hành tại Asia Securities Industry & Financial Markets Association – cho biết nhiều công ty đầu tư nước ngoài có thể gặp khó khăn để đáp ứng điều kiện về lượng tài sản phải nắm giữ ở Trung Quốc.
Các công ty Mỹ – vốn đã hoạt động ở Trung Quốc – muốn chính quyền Donald Trump gây áp lực lên Bắc Kinh để buộc họ ngừng hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ, làm hàng nhái và buộc chuyển giao công nghệ cho các công ty Trung Quốc, Jacob Parker, Phó Chủ tịch của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ – Trung, cho hay.
Vấn đề sở hữu trí tuệ đã trở thành điểm gây tranh cãi khi Trung Quốc cố gắng chuyển biến nền kinh tế từ sản xuất các hàng hóa cấp thấp sang các ngành công nghệ cao hơn.
Ông Trump và các cố vấn kinh tế cấp cao đã nói rõ về các vấn đề trên, và cho rằng đây là những lý do quan trọng để áp đặt thuế quan. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Parker, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lo lắng rằng nỗi ám ảnh của chính quyền Mỹ về khoản thâm hụt thương mại có thể làm giảm xác suất thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện cho các công ty Mỹ.
Vũ Hạo (Theo CNNMoney)
FiLi
|