Đàm phán thương mại tại Trung Quốc: Một khởi đầu tích cực
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, cho biết Mỹ và Trung Quốc đang có một cuộc thảo luận rất tốt, khi cuộc đàm phán bước sang ngày thứ 2.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin
|
Bộ trưởng Thương mại Mỹ, Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, và Cố vấn Nhà Trắng, Peter Navarro, từ chối bình luận với các phóng viên khi rời khách sạn. Vào cuối ngày thứ Năm (03/05), một quan chức Nhà Trắng cho biết không khí của buổi đàm phán “khá tích cực”, nhưng thử thách thực sự sẽ là khả năng thực hiện các lời cam kết mở cửa kinh tế của Trung Quốc.
Mỹ đã chuyển cho Trung Quốc một danh sách bao gồm những yêu cầu chi tiết của họ, ông Mark Calabria, Chuyên gia kinh tế dưới trướng Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence, cho biết trong suốt một sự kiện ở Washington. Mặc dù từ chối đưa ra các thông tin cụ thể hơn, nhưng ông cho biết Mỹ muốn Trung Quốc giảm bớt mức thuế đánh lên hàng hóa Mỹ, với mục tiêu thúc đẩy hoạt động xuất khẩu hàng hóa từ Mỹ tới Trung Quốc.
“Những gì tôi nghe được từ ngày đàm phán thứ nhất (họ đã đàm phán trong cả ngày 03/05) là khá tích cực”, ông Calabria cho biết. “Cái khó ở đây là phần lớn thời gian, chúng ta sẽ nghe những điều khá tích cực từ Trung Quốc nhưng liệu họ có thực sự làm theo đó hay không. Đó sẽ là phần khó khăn”.
Những nhận định của ông Calabria là những cập nhật công khai đầu tiên về quá trình đàm phán kéo dài 2 ngày giữa phái đoàn Mỹ và các quan chức ở Bắc Kinh. Những hãng tin lớn nhất của Trung Quốc đã được yêu cầu không công bố bất kỳ thông tin nào ngoài các thông cáo chính thức liên quan tới cuộc đàm phán, dựa trên nguồn tin thân cận.
Cuộc đàm phán thương mại này sẽ tập trung vào những lo ngại của Mỹ về nền kinh tế Trung Quốc, chính sách ép buộc chuyển giao công nghệ và khoản thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc. Góp phần gia tăng thêm sự xung đột, Mỹ vừa công bố dữ liệu trong ngày thứ Năm (03/05), trong đó cho thấy chênh lệch thương mại với Trung Quốc đã tăng 16% lên hơn 91 tỷ USD trong quý 1/2018.
Chính phủ Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ yêu cầu tiên quyết nào của Mỹ trong cuộc đàm phán, chẳng hạn như từ bỏ tham vọng sản xuất tiên tiến trong dài hạn hoặc giảm thâm hụt thương mại bớt 100 tỷ USD, một quan chức cấp cao thuộc chính quyền Trung Quốc cho biết vào cuối ngày thứ Tư (02/05).
Khép lại phiên ngày thứ Năm, chỉ số Dow Jones nhích 5.17 điểm (tương đương 0.02%) lên 23,930.15 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 mất 5.94 điểm (tương đương 0.23%) còn 2,629.73 điểm và chỉ số Nasdaq Composite lùi 12.75 điểm (tương đương 0.18%) xuống 7,088.15 điểm. Được biết, hồi đầu phiên, có lúc Dow Jones giảm hơn 350 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông rớt 1.3% vì lo ngại về căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.
Ít thông tin chi tiết
Không bên nào đưa ra thông tin chi tiết về các cuộc họp báo sắp tới, và các chuyên gia phân tích cũng không mấy lạc quan về các kết quả nào khác bên ngoài khả năng trì hoãn các biện pháp áp thuế trả đũa.
“Kỳ vọng của chúng tôi khá thấp. Vị thế đàm phán của Mỹ vẫn chưa rõ. Và cũng không rõ là các đại diện Mỹ có quan điểm thống nhất về mục tiêu hướng tới hay không”, Tom Orlik, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Bloomberg Economics, cho hay. “Phía Trung Quốc đã nhượng bộ và sẽ không gấp rút đưa ra thêm những bước nhượng bộ nào khác. Diễn biến trong vài tuần qua đã cho thấy rằng thị trường có thể chao đảo bởi cuộc đàm phán về thuế quan, vì thế chắc chắc là thị trường sẽ biến động trong vài ngày tới”.
Các cuộc đàm phán là một cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm của nhau sau khi kênh chính thức cho các cuộc đàm phán kinh tế cấp cao của Mỹ-Trung Quốc đã bị đình chỉ năm ngoái.
“Tôi tin rằng những gì chúng ta sẽ nghe được trong tuần này là những lời hứa hẹn và cam kết có vẻ rất tốt đẹp, nhưng chúng ta cần phải thật cẩn trọng để đảm bảo rằng các lời hứa và cam kết có vẻ tốt đẹp ấy trở thành sự thật. Và điều đó thì chỉ có thời gian mới trả lời được thôi”.
Ông Trump đã đe dọa áp thuế bổ sung tới 150 tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc để trừng phạt các hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ nếu các cuộc đàm phán không có tiến triển gì. Đáp trả lại lời đe dọa này, Trung Quốc cho biết sẽ trả đũa với các biện pháp tương tự lên hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang tìm cách để kiểm soát các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ nhằm cân bằng quy mô và bảo vệ các công nghệ nhạy cảm. Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế lên 3 tỷ USD hàng hóa Mỹ như thịt heo và rượu vang nhằm trả đũa lại lệnh áp thuế nhập khẩu lên thép và nhôm của Mỹ.
Vào đêm ngày thứ Tư (02/05), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết trên mạng xã hội Twitter rằng: “Nhóm quan chức thuộc chính quyền đang ở Trung Quốc và cố gắng thương lượng để tạo ra một sân chơi cân bằng về thương mại! Tôi trông chờ được gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình trong tương lai không xa”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|