Trung Quốc sẵn sàng đàm phán để giải quyết bất đồng thương mại với Mỹ
Trong ngày Hai (26/03), Thủ Tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường, cho biết Mỹ và Trung Quốc nên tiếp tục đàm phán, đồng thời nhấn mạnh cam kết nới lỏng khả năng tiếp cận thị trường Trung Quốc đối với các doanh nghiệp Mỹ, khi Trung Quốc cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến thương mại.
Ông Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẽ đối xử với cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước như nhau, sẽ không buộc công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ, và sẽ củng cố các quyền sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường
|
Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steven Mnuchin, và Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, đã trình bày về những đòi hỏi của Mỹ dành cho Trung Quốc trong một lá thư gửi tới Phó Thủ tướng Trung Quốc, Liu He, hồi cuối tuần trước, tờ The Wall Street Journal trích dẫn lại nguồn thông tin thân cận.
Danh sách yêu cầu này bao gồm việc giảm bớt hàng rào thuế quan áp trên ngành xe hơi Mỹ, người Trung Quốc mua thiết bị bán dẫn từ Mỹ nhiều hơn, và các công ty Mỹ có khả năng tiếp cận tới lĩnh vực tài chính Trung Quốc. Bên cạnh đó, thông tin này còn cho biết ông Mnuchin đang cân nhắc đi tới Bắc Kinh để thương lượng.
Hồi chuông báo động về khả năng xảy ra cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất trên thế giới đã đẩy thị trường tài chính rơi vào trạng thái hỗn loạn, khi nhà đầu tư dự đoán trước về các hậu quả khôn lường từ cuộc chiến tranh thương mại này nếu nó xảy ra.
“Về tình trạng mất cân bằng thương mại, Trung Quốc và Mỹ nên nhìn sự việc với thái độ thực dụng và hợp lý, thúc đẩy sự cân bằng thông qua việc mở rộng thương mại và đàm phán với nhau để giải quyết những mâu thuẫn và chênh lệch thương mại giữa hai quốc gia”, ông Lý Khắc Cường cho biết.
Trung Quốc đã đề nghị mua thiết bị bán dẫn Mỹ nhiều hơn, tờ Financial Times ghi nhận. Trong năm 2017, Trung Quốc ghi nhận lượng thiết bị bán dẫn trị giá 2.6 tỷ USD từ Mỹ.
Các quan chức Trung Quốc cũng đang phối hợp với nhau để hoàn tất các quy định trước tháng 5/2018 (thay vì cuối tháng 6/2018) để cho phép các tập đoàn đầu tư tài chính nước ngoài có thể mua lượng cổ phần lớn (đủ để kiểm soát) ở các công ty chứng khoán Trung Quốc, tờ Financial Times cho hay.
Nỗi lo sợ về khả năng xảy ra chiến tranh thương mại ngày càng dâng cao trong tháng này sau khi ông Trump áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu và sau đó trong ngày thứ Năm (22/03), Tổng thống Mỹ lại tuyên bố áp thuế lên tới 60 tỷ USD lên hàng hóa từ Trung Quốc.
Một ngày sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế lên Trung Quốc, Bắc Kinh đã đề xuất danh sách 128 sản phẩm Mỹ (với giá trị nhập khẩu chỉ 3 tỷ USD) có khả năng là những mục tiêu trả đũa.
Alex Wolf, Chuyên gia kinh tế cấp cao khu vực các thị trường mới nổi tại Aberdeen Standard Investments, cho biết Trung Quốc gia thể nhắm tới các tập đoàn đa quốc gia Mỹ có phần lớn doanh thu từ Trung Quốc.
“Điều này sẽ đẩy nhiều công ty Mỹ như Apple, Microsoft, Starbucks, GM, Nike,… rơi vào thế khó”, ông Wolf cho biết.
Trung Quốc có thể gia tăng gánh nặng quy định lên các công ty Mỹ thông qua các đợt điều tra và quy định mới; cấm đi lại; ngừng cung cấp giấy phép xuất khẩu một số hàng hóa trung gian thiết yếu; gia tăng gánh nặng thuế lên các công ty đa quốc gia Mỹ ở Trung Quốc; hoặc ngăn chặn các công ty Mỹ khỏi thị trường thu mua của Chính phủ, ông Wolf nói thêm.
Hàng rào thuế quan của Mỹ được thiết kế để trừng phạt Trung Quốc vì những hành vi thương mại mà chính quyền Donald Trump cho là liên quan tới ăn cắp sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ. Họ sẽ chủ yếu nhắm tới một số sản phẩm nhất định trong lĩnh vực công nghệ - những gì mà Trung Quốc đang có lợi thế so với Mỹ.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|