Thứ Bảy, 24/03/2018 11:45

Ông Trump đánh thuế nhắm thẳng vào Trung Quốc, các nước khác bị ảnh hưởng gì?

Hoa Kỳ đã quyết định đánh thuế nhắm trực tiếp vào hàng hóa Trung Quốc nhằm giảm thâm hụt thương mại. Chính sách bảo hộ mới của nền kinh tế lớn nhất thế giới được cho không chỉ làm tổn thương đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, mà có thể gây ảnh hưởng tiêu cực lên các nền kinh tế khác về lâu dài.

* Donald Trump áp thuế tới 60 tỷ USD lên hàng hóa từ Trung Quốc

* Đáp trả lại việc Donald Trump áp thuế, Trung Quốc đề xuất chống lại 128 sản phẩm của Mỹ

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump

Từ lời nói đến hành động

Ngày 27/9/2016, trong cuộc tranh luận với đối thủ chạy đua vào Nhà Trắng là bà Hillary Clinton, ông Trump mở lời: "Các bạn hãy nhìn vào những gì Trung Quốc đang làm đối với các sản phẩm của chúng ta, họ đang làm giảm giá đồng tiền của họ và không có ai trong Chính phủ của chúng ta chống lại họ... Họ đang sử dụng nước ta như một con heo đất để xây dựng lại Trung Quốc, và nhiều quốc gia khác đang làm điều tương tự". Ông Trump cũng liên tiếp cáo buộc Trung Quốc tiến hành thương mại không công bằng và lấy đi việc làm từ Mỹ.

Ngày 4/12/2016, chưa đầy 1 tháng sau khi đắc cử tổng thống Mỹ, ông Trump tiếp tục cáo buộc Trung Quốc gian lận thương mại và quân sự hóa Biển Đông. Ông viết trên Twitter: "Trung Quốc đã hỏi chúng ta về chuyện phá giá đồng tiền của họ (khiến các công ty của chúng ta khó cạnh tranh), đánh thuế nặng nề lên hàng hóa của chúng ta ở đất nước họ (Mỹ không làm vậy) hoặc xây các tổ hợp quân sự khổng lồ ở Biển Đông hay chưa? Tôi không nghĩ vậy!".

Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bắt đầu được nhắc đến từ cuối năm 2016, khi ông Trump đe dọa áp mức thuế 45% lên đến 500 tỷ USD đối với các hàng hóa nhập khẩu mỗi năm từ Trung Quốc. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc khi tiêu thụ 16% tổng giá trị xuất khẩu của nước này.

Ngày 8/3/2018, Trump ký sắc lệnh áp thuế 10% đối với nhôm và 25% đối với thép nhập khẩu, nhưng lại miễn thuế cho Canada và Mexico. Mới đây nhất, Mỹ tiếp tục miễn thuế cho Liên minh châu Âu (EU), Argentina, Australia, Brazil và Hàn Quốc – những đồng minh thân cận. Như vậy, trong số 10 quốc gia xuất khẩu thép nhiều nhất vào Mỹ, chỉ còn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc là bị đánh thuế ở 2 sản phẩm này.

Chưa dừng lại ở đó, hôm qua, chính quyền ông Trump công bố kế hoạch đánh thuế một loạt mặt hàng từ Trung Quốc có tổng kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ lên tới 60 tỷ USD, với các sản phẩm từ giày dép đến các mặt hàng điện tử. Giá trị của hàng rào thuế quan dựa trên ước tính thiệt hại kinh tế của Hoa Kỳ từ hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Đây có thể xem là hành động thương mại đầu tiên nhắm thẳng vào Trung Quốc của chính quyền Trump.

Trả đũa thương mại

Từ lâu, Trung Quốc luôn bị Hoa Kỳ chỉ trích về các hành động thao túng tiền tệ, hỗ trợ không công bằng các doanh nghiệp xuất khẩu, gây ra tình trạng thâm hụt mậu dịch nặng nề của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Những lời chỉ trích mạnh mẽ hơn từ khi ông Trump ra tranh cử tổng thống và vấn đề Trung Quốc được ông Trump sử dụng như vũ khí hàng đầu trong suốt quá trình tranh cử.

Một số ý kiến cho rằng lệnh đánh thuế lên hàng hóa của Trung Quốc mới nhất của ông Trump là muốn chứng tỏ khả năng thực hiện lời hứa để tranh thủ sự ủng hộ của những cử tri trước đó đã bầu cho ông, nhất là khi cuộc bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm nay. Một thất bại trong cuộc bầu cử này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tái tranh cử nhiệm kỳ hai của ông.

Dù gì đi nữa, chính sách thuế trên sẽ ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Trung Quốc và nền kinh tế của nước này. Trung Quốc có thể dùng các biện pháp trả đũa, theo thông tin gần nhất là nước này đang có kế hoạch áp đặt 3 tỷ USD thuế đối ứng đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Hoa Kỳ, cụ thể Trung Quốc sẽ tăng 15% thuế đối với các mặt hàng thép, trái cây, rượu vang và các sản phẩm khác của Hoa Kỳ và 25% thuế cho thịt lợn và nhôm.

Các nước khác chớ vội mừng

Trước mắt, hàng hóa Trung Quốc bị hạn chế vào Mỹ có thể đổ sang các thị trường khác, khiến việc xuất khẩu của các nước vào các thị trường này sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi phải cạnh tranh quyết liệt với hàng Trung Quốc. Ngoài ra, những quốc gia gần Trung Quốc như các nước khu vực Đông Nam Á có thể phải đón nhận lượng hàng dư thừa khổng lồ này tràn ngập vào, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa.

Nếu chiến tranh thương mại thực sự xảy ra, Trung Quốc có thể sử dụng các biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa để hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu, do đó hàng hóa các quốc gia khác xuất khẩu vào Trung Quốc cũng sẽ bị cạnh tranh quyết liệt bởi những doanh nghiệp nội địa tại đại lục. Trung Quốc hiện tại là thị trường xuất khẩu lớn của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước tại khu vực Đông Nam Á. Các chuyên gia kinh tế tại Bloomberg ước tính cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu với các biện pháp trả đũa lẫn nhau có thể xóa sổ 470 tỷ USD khỏi nền kinh tế thế giới vào năm 2020.

Ngược lại, việc thâm nhập vào thị trường Mỹ với khoảng trống do Trung Quốc để lại không phải là điều dễ dàng, khi các hàng rào kỹ thuật của nền kinh tế lớn nhất thế giới khá nghiêm ngặt, không phải quốc gia nào cũng có thể đáp ứng. Đặc biệt là, việc ông Trump đánh thuế lên hàng Trung Quốc là nhằm giảm thâm hụt thương mại, lôi kéo hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp quay lại Mỹ nhằm khôi phục lại việc làm cho công dân nước này. Do đó, không dễ gì để chính quyền ông Trump thay hàng nhập khẩu từ Trung Quốc bằng hàng hóa của các nước khác, để chuyển thâm hụt từ nơi này sang nơi khác.

Một điều nguy hiểm nữa là sau khi bị đánh thuế, Trung Quốc có thể sử dụng các quốc gia khác như là nơi trung chuyển để nhập hàng vào Mỹ nhằm tránh các mức thuế suất cao đánh lên hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu phía Mỹ điều tra được thì có thể áp luôn mức thuế cao cho các sản phẩm từ những nước trung gian này, làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nội địa còn lại của những nước này. Đơn cử như tháng 12/2017, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã áp thuế trừng phạt lên một số sản phẩm thép từ Việt Nam bị cho là có xuất xứ Trung Quốc.

Rõ ràng, Trung Quốc khó có thể kìm hãm hoạt động sản xuất với quy mô khổng lồ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù chiến tranh thương mại có xảy ra. Do đó, những sản phẩm dư thừa không thể xuất vào thị trường này sẽ tìm đến những thị trường khác với thuế suất thấp hơn và các hàng rào kỹ thuật dễ dãi hơn, theo đó mức độ cạnh tranh cũng như mất cân bằng thương mại cũng sẽ dịch chuyển từ nước này sang nước khác. Và đây là mối nguy cho những quốc gia đặc biệt gần với nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.

Hàng hóa Trung Quốc bị hạn chế vào Mỹ có thể đổ sang các thị trường khác, khiến việc xuất khẩu của các nước vào các thị trường này sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi phải cạnh tranh quyết liệt với hàng Trung Quốc. Ngoài ra, những quốc gia gần Trung Quốc như các nước khu vực Đông Nam Á có thể phải đón nhận lượng hàng dư thừa khổng lồ này tràn ngập vào, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   Mỹ tạm thời miễn thuế nhôm, thép cho EU và đồng minh (23/03/2018)

>   Donald Trump áp thuế tới 60 tỷ USD lên hàng hóa từ Trung Quốc (23/03/2018)

>   Donald Trump chuẩn bị áp thuế 50 tỷ USD lên hàng hóa từ Trung Quốc? (22/03/2018)

>   Sân bay của Singapore là sân bay tốt nhất thế giới trong 6 năm liền (22/03/2018)

>   Nỗi lo chiến tranh thương mại khiến đồng USD sụt giá mạnh (22/03/2018)

>   EU đề xuất đánh thuế đặc biệt với Facebook, Google (22/03/2018)

>   Chủ tịch Fed: Chính sách thương mại của Donald Trump là mối lo ngại của các thành viên Fed (22/03/2018)

>   Toàn cảnh bê bối Facebook để lộ thông tin người dùng (21/03/2018)

>   Air Asia thực hiện kế hoạch bành trướng (21/03/2018)

>   Tổng thống Myanmar bất ngờ từ chức (21/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật