Air Asia thực hiện kế hoạch bành trướng
Không chỉ thống trị hàng không giá rẻ ở Đông Nam Á, Air Asia đang thò tay sang những địa bàn khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Myanmar nhằm khai thác các đường bay nội địa ở những nước này.
Ông Tony Fernandes, người sáng lập và tổng giám đốc của Air Asia phát biểu trên The Nikkei Asian Review rằng ông đã nói chuyện với chủ tịch Wang Jian của tập đoàn HNA Group về chuyện sẽ mua lại một số tài sản của tập đoàn này, bên lề hội nghị đầu tư do ngân hàng Credit Suisse tổ chức đang diễn ra tại Hong Kong.
“Họ có nhiều hãng hàng không, cơ sở vật chất, họ là tay chơi lớn trong ngành này, nếu chúng tôi có thể làm việc chung với họ, học từ họ thì quá tốt, tại sao không nhỉ?”, ông Fernandes nói. HNA Group là tập đoàn Trung Quốc đang sở hữu các hãng hàng không Hong Kong Airlines, Hong Kong Express, Hainan Airlines, nhiều tài sản, dịch vụ, khách sạn ở nước ngoài, trong đó có cả công ty Swissport International, công ty cảng vận hàng không lớn nhất thế giới, đóng trụ sở tại Thụy Sĩ, có trên 65.000 nhân viên, hoạt động tại 279 sân bay ở 48 quốc gia.
HNA Group đang bị các nhà làm luật ở Trung Quốc gây sức ép phải bán bớt tài sản để giảm nợ. Chính quyền Trung Quốc đang thực thi các biện pháp thắt chặt tài chính để ngăn chặn bong bóng tài sản cũng như thắt chặt đầu tư ra nước ngoài đối với các doanh nghiệp.
Một mặt trận khác khiến ông Fernandes quan tâm là làm việc với các nhà làm luật Nhật Bản để Air Asia Japan có thể phát triển nhanh. Theo ông này, sự bảo thủ và thận trọng quá mức của phía Nhật Bản khiến Air Asia Japan không thể mở rộng địa bàn nhanh ở các tuyến bay nội địa Nhật Bản.
Năm 2011, Air Asia hợp tác với hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways (ANA Holdings) để mở Air Asia Japan nhưng dự án này bị đóng cửa năm 2013. Năm 2017, Air Asia Japan mở lại với chuyến bay đầu tiên Nagoya - Sapporo vào tháng 10, với Air Asia góp 49% cổ phần, các công ty Nhật Bản khác như Rakuten, Octave Japan Infrastructure, Noevir, Alpen giữ 51% còn lại.
Từ năm 2012 đến năm 2017, số lượt người Nhật Bản bay hàng không giá rẻ ở các tuyến nội địa tăng 3 lần, từ 3,5 triệu lên 10,5 triệu, theo bộ giao thông Nhật Bản. “Nhật Bản sẽ tổ chức Olympic 2020, lượng khách du lịch sẽ đổ đến với nước này rất đông. Nhật Bản mở cửa với thế giới, họ cần mang thế giới đến với họ, nhưng những nhà làm luật thì không nâng đỡ sự phát triển của ngành hàng không”, ông Fernandes nhận xét. Ý đồ mở rộng của Air Asia Japan ở Nhật Bản bao gồm cả việc được thực hiện các đường bay dài từ Nhật Bản tới châu Âu và Mỹ. Họ đang đàm phán với Airbus và Boeing để mua một số máy bay thân rộng, tầm bay dài.
Air Asia đã xúc tiến cho việc bành trướng sang các đường bay nội địa tại Myanmar và Việt Nam. Họ đã đàm phán để lập liên doanh hàng không giá rẻ trị giá 1.000 tỉ đồng (43,8 triệu đô la Mỹ) tại Việt Nam với công ty Gumin, hãng hàng không Hải Âu nhưng liên doanh này vẫn chưa thể hình thành do chưa cấp giấy phép.
Trong năm nay, Air Asia Ấn Độ và Air Asia Philippines dự kiến chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại các sở giao dịch chứng khoán địa phương. Hãng hàng không mẹ Air Asia Berhad đóng ở Malaysia đang ráo riết thực hiện kế hoạch lấn sân sang các lĩnh vực khác như bán lẻ, thanh toán, thương mại điện tử, đúng như tham vọng của ông Tony Fernandes: “Với nguồn dữ liệu khách hàng lớn, chúng tôi có thể bán nhiều thứ cho họ như Alibaba và Amazon đã làm. Tôi hy vọng mọi người không chỉ xem chúng tôi như một hãng hàng không, mà như một công ty kỹ thuật số cung cấp cho họ mọi dịch vụ”.
THÁI HÀ
TBKTSG
|