Thứ Hai, 19/03/2018 20:30

Đâu là bí quyết tránh suy thoái của Australia?

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi hạn chế nhập cư, Australia vẫn giữ nguyên lập trường của mình, ngay cả khi Mỹ và châu Âu không chống đỡ nổi trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy (populism). Quốc gia này không còn lựa chọn nào khác nếu họ vẫn muốn tiếp tục có được một giai đoạn tăng trưởng kinh tế kỷ lục.

 

Một làn sóng người nhập cư – vốn khiến cho dân số Australia phình lên thêm 50% suốt 3 thập niên qua – đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cho phép các Chính phủ Autralia tự hào nói rằng họ đã tránh được suy thoái kể từ năm 1991 đến nay. Trong khi đó, những người theo chủ nghĩa dân túy lại đang đổ lỗi cho người nhập cư, cho rằng họ là nguyên nhân của sự quá tải trong cơ sở hạ tầng, giá nhà tăng và tăng trưởng lương thấp.

Cựu Thủ tướng Australia, Tony Abbott là một trong những người cho rằng lượng nhập cư đã “đủ rồi”. Ông muốn giảm lượng người nhập cư hàng năm từ 190,000 xuống còn 110,000 người, một động thái mà Chính phủ cho rằng có thể giúp tiết kiệm nguồn ngân sách khoảng 5 tỷ đô la Australia (3.9 tỷ USD) trong 4 năm. Pauline Hanson, Thượng nghị sĩ phản đối chủ nghĩa đa văn hóa, thậm chí còn đang kêu gọi dừng hẳn tình trạng nhập cư.

Tuy nhiên, việc đưa ra các hạn chế như thế ở Australia, một trong những quốc gia có dân số tăng trưởng nhanh nhất thế giới phát triển, có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế – vốn đang nằm dưới mức bình quân 10 năm.

“Chính sách nhập cư của Australia đã mang lại lợi thế cho họ so với những quốc gia phát triển khác trong việc tạo ra nhu cầu, lượng tiêu thụ và việc làm. Giải thích một cách hợp lý và rõ ràng vì sao nó có lợi và quan trọng để cho các cử tri không bị lung lay bởi suy nghĩ mang tính chủ nghĩa dân túy là thách thức cho các chính trị gia. Điều đó nói thì dễ hơn làm”, Su-Lin Ong, Trưởng Bộ phận Chiến lược thu nhập cố định và kinh tế Australia tại Ngân hàng Hoàng gia Canada, phân tích.

Quá đông đúc

Các Chính phủ từ Mỹ, Anh, cho đến châu Âu đều đã có những hành động cứng rắn đối với tình trạng nhập cư trong bối cảnh các cử tri đang ngày càng bị thu hút vào các đảng theo chủ nghĩa dân túy, đổ lỗi lên người nước ngoài cho sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội ngày càng lớn. Tuy vậy, Australia đã theo một lộ trình ngược lại: Họ chào đón gần 184,000 người nhập cư trong năm tài khóa 2017.

Năm ngoái, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Australia (RBA), Philip Lowe, đã nói rằng tăng trưởng dân số đang “tâng bốc” dữ liệu kinh tế. Thật vậy, khi xem xét kỹ kỷ lục GDP không bị phá vỡ suốt 1/4 thế kỷ vừa qua của Australia thì mọi chuyện có vẻ ảm đạm hơn: Tính trên cơ sở GDP trên đầu người, tăng trưởng sản lượng kinh tế ở mức 0 vào cuối năm ngoái và là mức yếu nhất kể từ quý 3 năm 2016.

Dân số ngày càng tăng làm giảm bớt khả năng quốc gia đó rơi vào một cuộc suy thoái – vốn được định nghĩa về mặt lý thuyết là hai quý suy giảm kinh tế liên tiếp, Gareth Aird, Chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Commonwealth của Australia, nói.

Ông Aird cho biết: “Vì thế nếu bạn có tăng trưởng dân số mạnh – cho dù điều đó có được thúc đẩy bởi tình trạng nhập cư hay không – thì khó bị thụt lùi về mặt sản lượng hơn. Nhưng nếu bạn nhìn vào nền kinh tế theo thu nhập bình quân đầu người, thì chúng ta đã có một số đợt suy thoái trong suốt quãng thời gian đó”.

Tăng trưởng dân số cũng đang gây lo lắng về tình trạng thất nghiệp. Dù 400,000 việc làm mới đã được tạo ra trong năm 2017, nhưng tỷ lệ thất nghiệp đã quanh quẩn ở mức khoảng 5.5% trong phần lớn thời gian năm ngoái. Điều đó phần lớn là do nhiều người hơn đang tìm việc: Tỷ lệ tham gia của lực lượng lao động ở gần với mức cao kỷ lục trong 7 năm. RBA hiện tỏ ra do dự trong việc nâng lãi suất, dù nó đang ở mức thấp kỷ lục. Họ chỉ muốn làm điều đó khi tỷ lệ thất nghiệp gần với 5% hơn – mức toàn dụng nhân công.

Cái được gọi là “hệ thống điểm đánh giá những người nhập cư tiềm năng” của Australia hiện xếp hạng công nhân có kỹ năng theo nhu cầu của họ, và họ cũng phải vượt qua được những đợt kiểm tra tính cách và sức khỏe. Những ai muốn trở thành công dân Australia phải vượt qua được một đợt sát hạch về hiến pháp, lịch sử và giá trị của quốc gia này bằng tiếng Anh. Ấn Độ là nguồn di dân có kỹ năng lớn nhất, khi chiếm 21% trong năm 2017, sau đó là Trung Quốc với 15% và Anh với 9%.

Những người ủng hộ

Trước khi trở thành Ngoại trưởng Anh, trong chiến dịch Brexit, Boris Johnson nói rằng quốc gia ông nên sử dụng “một hệ thống điểm theo phong cách Australia thật sự”. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã hoan nghênh quy trình này cho công tác kiểm tra ứng viên nhập cư khắt khe của họ.

Tuy nhiên, ngay cả với một hệ thống khắt khe như thế, những người phản đối trong nước nói rằng Australia đang cho phép quá nhiều người nhập cư vào. Dù 25 triệu người của Australia đang sinh sống trên một lục địa lớn hơn châu Âu đến 50%, nhưng khí hậu khô hạn làm cho phần lớn vùng đất này không thể sinh sống được. Một báo cáo theo đơn đặt hàng của Chính phủ trong tháng này cho biết 11.8 triệu người khác sẽ đến trong 30 năm tới, với đa số là tới 4 thành phố lớn nhất của Australia là Sydney, Melbourne, Brisbane và Perth.

Theo một cuộc khảo sát của viện Lowy được công bố hồi tháng 6, chỉ hơn phân nửa người Australia nghĩ rằng tổng số người nhập cư đang tới Australia mỗi năm hoặc là “vừa” hoặc là “quá thấp”. 4/10 người đã phát biểu rằng con số đó là quá cao.

Ở thời điểm hiện tại, Thủ tướng Malcolm Turnbull đang giữ nguyên quan điểm về vấn đề nhập cư.

Nhã Thanh (Theo Bloomberg)

FiLi

Các tin tức khác

>   45 tổ chức thương mại Mỹ kêu gọi ông Trump không đánh thuế hàng Trung Quốc (19/03/2018)

>   Singapore là thành phố đắt đỏ nhất thế giới vì chi phí xe (19/03/2018)

>   Alibaba sẽ đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada để củng cố vị thế ở Đông Nam Á (19/03/2018)

>   Những nguyên thủ tại nhiệm lâu nhất trên thế giới (19/03/2018)

>   Vladimir Putin giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga (19/03/2018)

>   Vụ sụp đổ đáng kinh ngạc của Bear Stearns và câu chuyện về vị CEO mê chơi bài Bridge (18/03/2018)

>   Chiến tranh thương mại sẽ tác động thế nào đến sự hồi phục kinh tế toàn cầu? (17/03/2018)

>   Lần đầu tiên sau 6 năm, thương mại toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế (17/03/2018)

>   EU sẽ áp thuế nặng 25% hàng loạt mặt hàng của Mỹ để trả đũa? (17/03/2018)

>   Grab lấn sang cả xe đạp (16/03/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật