Lần đầu tiên sau 6 năm, thương mại toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế
Trong năm 2017, khối lượng giao thương trên toàn cầu tăng trưởng nhanh hơn cả nền kinh tế thế giới lần đầu tiên trong 6 năm, khi nhu cầu về thiết bị bán dẫn ngày càng tăng đã góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng sâu rộng của ngành này. Điều này đã đánh dấu sự kết thúc của một giai đoạn mà trong đó thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm hơn nền kinh tế thế giới.
Văn phòng Phân tích Chính sách Kinh tế Hà Lan CPB (NBEPA) tìm ra rằng tổng khối lượng thương mại tăng trưởng 4.5% trong năm 2017, cao hơn 3% so với thời điểm năm 2016 và là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2011. Văn phòng này cho biết “năm 2017 hóa ra lại là một năm cực kỳ tốt đẹp đối với hoạt động thương mại thế giới”.
Trong khi đó, nền kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 3% trong năm 2017.
Khối lượng hàng hóa giao thương ở châu Á vọt 8.6%, chiếm phần lớn mức tăng của hoạt động thương mại toàn cầu. Trong năm 2017, hoạt động thương mại của một vài nền kinh tế phát triển cũng tăng trưởng nhanh hơn năm ngoái, trong đó Mỹ tăng trưởng từ 0.7% lên 4.1%, còn Nhật Bản chuyển từ mức âm sang tăng trưởng 3.1%.
Hoạt động xuất khẩu đang trên đà tăng, phần lớn là nhờ đà hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, tăng trưởng ở Trung Quốc, và nhu cầu cao hơn về thiết bị bán dẫn, dựa trên một báo cáo của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities.
“Thương mại ở các nền kinh tế phát triển phần lớn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, trong khi ngành thiết bị bán dẫn đã làm gia tăng khối lượng hàng hóa giao thương ở các nền kinh tế mới nổi trong năm 2018”, Hiroshi Miyazaki, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho hay.
Ngành thiết bị bán dẫn phụ thuộc vào một chuỗi cung ứng phức tạp trải dài trên toàn cầu. Nhiều công ty sản xuất chip Mỹ (theo kiểu fabless), như Qualcomm và Apple, thiết kế sản phẩm của họ tại quê nhà, sau đó thuê ngoài sản xuất ở Trung Quốc. Chưa hết, phần lớn thiết bị sản xuất và thử nghiệm chip đều xuất phát từ Nhật Bản, và sau đó, sản phẩm hoàn tất lại được sử dụng để lắp đặt vào các điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác ở Hàn Quốc và Đài Loan.
Fabless là cách gọi tắt của Fabless Manufacturing để chỉ những công ty chỉ có thể tự thiết kế ra mẫu chip theo ý của mình nhưng bản thân công ty này không thể hoặc không có điều kiện, dây chuyền để sản xuất ra chip thành phẩm.
Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tới Trung Quốc và châu Á nói chung đã phá kỷ lục về tổng trị giá hàng hóa trong suốt năm 2017.
Hoạt động thương mại tiếp tục tăng trưởng trong năm 2018. Số lượng container vận chuyển đã được xử lý hàng tháng trên toàn cầu tăng trưởng 1.9% trong tháng 1/2018, mức tăng mạnh nhất trong 14 tháng, dựa trên số liệu tổng hợp của DIW Berlin và các tổ chức khác của Đức. Số liệu trên cũng được dùng như là một chỉ báo về xu hướng thương mại toàn cầu.
Trong tháng 1/2018, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng ghi nhận rằng tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng khối lượng hàng hóa thương mại tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong năm 2017. Cơ quan này dự báo rằng khối lượng hàng hóa thương mại sẽ tăng trưởng nhanh hơn nền kinh tế toàn cầu cho đến năm 2019.
Dẫu vậy, ngành công nghiệp bán dẫn vẫn phải đối mặt với tình trạng bất ổn, khi doanh số bán điện thoại di động của Trung Quốc giảm sút và Apple cắt giảm sản xuất đời iPhone X. Giá của bộ nhớ NAND được sử dụng để lắp đặt vào điện thoại thông minh đã giảm mạnh, khi nhu cầu giảm. “Việc bán chip điện tử bắt đầu tăng từ năm 2014 do những nhu cầu gắn liền với ‘Internet vạn vật’ ('internet of things') và các thiết bị phụ tùng của xe hơi”, Takayuki Miyajima, Chuyên gia kinh tế cấp cao của Viện Nghiên cứu Mizuho, nhận định. “Nhu cầu còn tăng trưởng mạnh hơn khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu được cải thiện từ nửa cuối năm 2016”.
Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế có thể không còn hỗ trợ cho nhu cầu trong thời gian tới, ông Miyajima lên tiếng cảnh báo. “Điện thoại di động nói chung đã trở nên phổ biến ở các thành phố ở các nền kinh tế mới nổi”, ông nói.
Các chuyên gia phân tích khác thì tỏ ra lạc quan hơn. “Ngay cả khi nhu cầu liên quan tới điện thoại di động đã chạm tới đỉnh (và chuẩn bị giảm), chúng tôi vẫn có thể kỳ vọng vào nhu cầu khổng lồ về việc xử lý dữ liệu trong các lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo (AI), Internet vạn vật và xe hơi tự lái”, Chuyên gia phân tích tại Sony Financial Holdings, Hiroshi Watanabe, chia sẻ.
Hoạt động thương mại toàn cầu đã tụt lại phía sau nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, một phần là vì Trung Quốc bắt đầu sản xuất nhiều sản phẩm ở quê nhà và giảm bớt nhập khẩu, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nhận định. Hiện Bắc Kinh còn tập trung nhiều hơn vào những ngành công nghiệp trọng điểm theo như sáng kiến “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” (Made in China 2025), qua đó có thể tác động tiêu cực đến hoạt động thương mại toàn cầu.
“Trung Quốc xem sự phụ thuộc vào kim ngạch nhập khẩu thiết bị bán dẫn là một vấn đề an ninh quốc gia, và Chính phủ nước này đang cung cấp sự hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động sản xuất nội địa”, một chuyên gia phân tích tại Meiji Yasuda Life Insurance cho hay.
Ngoài ra, các chính sách mang đậm tính bảo hộ thương mại của Mỹ, như áp đặt thuế nhập khẩu lên thép và nhôm, cũng phủ màu u tối lên thương mại toàn cầu.
“Thương mại làm gia tăng năng suất của nền kinh tế toàn cầu bằng cách cho phép mỗi quốc gia tập trung vào lợi thế tương đối của mình”, Yasutoshi Nagai, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Daiwa Securities, cho hay.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia Review)
FiLi
|