Nhà tù Nhật Bản: Nơi trú ngụ của những phụ nữ lớn tuổi
Mỗi xã hội già hóa đều phải đối mặt với các thách thức riêng của nó. Nhưng Nhật Bản, với dân số già nhất trên thế giới (27.3% dân số trên 64 tuổi, gần gấp đôi so với Mỹ), đang phải đối phó với một thách thức mà họ không thể lường trước được: Những tội phạm lớn tuổi.
Số lời phàn nàn và các vụ bắt giữ liên quan tới người già, nhất là phụ nữ lớn tuổi, ở Nhật Bản đang cao hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Cứ khoảng 5 người phụ nữ đi tù ở Nhật Bản thì lại có 1 người lớn tuổi. Tội của họ thường rất nhẹ, trong đó khoảng 9/10 phụ nữ lớn tuổi đều bị bắt vì tội trộm cắp.
Tại sao có quá nhiều người lớn tuổi vốn rất tuân theo luật lệ lại phải tìm tới con đường trộm cắp? Việc chăm nom người lớn tuổi ở Nhật Bản từng là trách nhiệm của gia đình và cộng đồng, nhưng mọi thứ đang dần thay đổi.
Trong giai đoạn 1980-2015, số lượng người lớn tuổi sống một mình tăng gấp 6 lần lên gần 6 triệu người. Và một cuộc khảo sát trong năm 2017, do Chính quyền Tokyo thực hiện, phát hiện ra rằng hơn 50% người lớn tuổi bị bắt vì trộm cắp đều sống một mình; 40% không có gia đình hoặc hiếm khi nói chuyện với họ hàng. Những người này thường cho biết họ không có ai để quay sang nhờ cậy mỗi khi cần sự giúp đỡ.
Thậm chí, người phụ nữ có nhà ở cũng cảm thấy lạc lõng. “Họ có thể có nhà ở, có thể có gia đình. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ có nơi để cảm thấy mình đang ở nhà”, bà Yumi Muranaka, Trưởng Cai ngục ở Nhà tù Nữ Iwakuni, cho hay. “Họ cảm thấy họ không được lắng nghe và thấu hiểu. Họ cảm thấy họ chỉ được xem là một người hoàn thành các công việc nhà”.
Người phụ nữ lớn tuổi cũng thường chịu gánh nặng về kinh tế – gần 50% những người trên 64 tuổi và sống một mình thường rơi vào cảnh nghèo hơn so với phần đông dân số, trong khi người đàn ông như thế chỉ có tỷ lệ 29%. “Chồng tôi đã mất từ năm ngoái”, một tù nhân cho hay. “Chúng tôi không có con, vì vậy tôi sống một mình. Tôi tới siêu thị để mua rau, và thấy gói thịt bò. Tôi muốn mua gói thịt ấy, nhưng tôi nghĩ nó sẽ đem lại gánh nặng về tài chính cho tôi. Vì thế tôi lấy cắp nó”.
Chính phủ và lĩnh vực tư nhân Nhật bản đều không thiết lập một chương trình phục hồi chức năng hiệu quả dành cho người cao tuổi, và chi phí để nuôi họ trong tù lại ngày càng gia tăng. Khoản chi phí liên quan đến chăm sóc người lớn tuổi đã đẩy tổng chi phí y tế hàng năm tại các cơ sở cải huấn vượt mức 6 tỷ Yên (tương đương hơn 50 triệu USD) trong năm 2015, tăng 80% so với thời điểm 10 năm trước. Các người lao động có chuyên môn được tuyển dụng để giúp đỡ những tù nhân lớn tuổi trong việc tắm rửa và vệ sinh trong suốt ngày, nhưng lúc về đêm, những nhiệm vụ đó đều do nhân viên bảo vệ xử lý.
Tại một số cơ sở, việc trở thành một nhân viên của trại cải huấn cũng gần giống với nhân viên chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Satomi Kezuka, một nhân viên kỳ cựu tại Nhà tủ Tochigi Women, cho hay bổn phận của cô giờ bao gồm cả việc đối phó với bệnh tiểu tiện không tự chủ (incontinence). “Họ cảm thấy xấu hổ và giấu đi quần lót của mình”, cô nói về những tù nhân lớn tuổi. “Tôi nói với họ mang nó lại chỗ tôi và tôi sẽ giặt nó”. Hơn 1/3 nhân viên nữ tại trại cải huấn đều nghỉ việc trong vòng 3 năm.
Trong năm 2016, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua một điều luật với mục tiêu đảm bảo rằng những người phụ nữ lớn tuổi hay tái phạm tội sẽ nhận được sự hỗ trợ từ hệ thống phúc lợi và dịch vụ xã hội của quốc gia. Kể từ đó, các văn phòng của công tố viên và nhà tù đều phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Chính phủ để giúp người lớn tuổi có được sự giúp đỡ mà họ cần. Tuy nhiên, việc những người phụ nữ lớn tuổi tìm thấy sự thoải mái trong nhà tù lại vượt khỏi tầm kiểm soát của hệ thống trên.
Bà F, 89 tuổi
Đã ăn cắp gạo, dâu, thuốc cảm
Bị bắt lần thứ hai, bị giam 1 năm rưỡi
Có một đứa con gái và một đứa cháu
“Tôi sống đơn độc dựa vào phúc lợi. Tôi từng sống với gia đình của con gái và sử dụng toàn bộ tiền tiết kiệm để chăm sóc một người con rể bạo lực và hay mắng nhiếc”.
Bà A, 67 tuổi
Đã trộm quần áo
Bị bắt lần đầu tiên, bị giam 2 năm và 3 tháng
Có một người chồng, hai đứa con trai và ba đứa cháu
“Tôi đã ăn trộm hơn 20 lần, tất cả đều là quần áo rẻ chứ không đắt tiền, phần lớn là quần áo bán trên đường phố. Điều này không phải là tôi cần tiền. Lần đầu tiên ăn cắp, tôi không bị bắt. Tôi biết được rằng tôi có thể có được thứ tôi muốn mà không phải trả tiền, điều này giúp tôi cảm thấy vui và thú vị”.
“Chồng tôi tỏ ra ủng hộ. Ông ấy viết thư cho tôi thường xuyên. Hai người con trai thì giận dữ – ba đứa cháu của tôi không hề biết tôi ở đây. Chúng nghĩ tôi đang trong bệnh viện”.
Bà T, 80 tuổi
Đã ăn cắp trứng cá tuyết, hạt giống, chảo chiên
Bị bắt lần thứ 4, bị giam hai năm rưỡi
Có một người chồng, một đứa con trai và một đứa con gái
“Khi còn trẻ, tôi không nghĩ về chuyện ăn cắp. Những gì tôi nghĩ tới là làm việc cật lực. Tôi làm việc trong nhà máy cao su trong 20 năm và sau đó là một nhân viên chăm sóc sức khỏe ở bệnh viện. Túi tiền luôn eo hẹp, nhưng chúng tôi vẫn phải gửi con tới trường đại học”.
“Chồng tôi lên cơn đột quỵ 6 năm trước và sau đó thì nằm liệt giường. Ông ấy cũng bị chứng suy giảm trí tuệ và thường xuyên bị ảo giác và hoang tưởng. Phải mất rất nhiều công sức để chăm sóc ông ấy cả về thể chất và cảm xúc vì tôi đã già. Tôi không thể nói về tình trạng căng thẳng của mình với bất cứ ai vì tôi cảm thấy xấu hổ”.
“Tôi bị bắt giam lần đầu tiên khi 70 tuổi. Thực ra lúc đó, tôi có đem theo tiền. Chỉ là khi tôi nghĩ về cuộc đời mình, tôi cảm thấy không muốn về nhà và cũng chẳng còn nơi nào để đi. Tìm tới nhà tù là cách duy nhất”.
“Cuộc đời tôi trở nên dễ dàng hơn khi ở trong tù. Tôi có thể là chính mình dù chỉ là tạm thời. Đứa con trai của tôi nói rằng tôi bị bênh và nên tới một bệnh viện thần kinh. Nhưng tôi không nghĩ tôi bị bệnh. Tôi nghĩ chính nỗi lo lắng đã dẫn tôi tới con đường trộm cắp”.
Bà N, 80 tuổi
Đã đánh cắp một cuốn sách bìa mềm, bánh croquettes và một cái quạt tay
Bị bắt lần thứ 3, bị giam 3 năm và 2 tháng
Có một người chồng, hai đứa con và sáu đứa cháu
“Tôi sống một mình qua từng ngày và cảm thấy rất cô đơn. Chồng tôi cho tôi rất nhiều tiền, và mọi người luôn nói rằng tôi rất may mắn, nhưng tiền đâu phải là thứ tôi muốn. Nó chẳng khiến tôi hạnh phúc chút nào”.
“Lần đầu tiên tôi trộm cắp là từ 13 năm về trước. Tôi lang thang vào một nhà sách ở thị trấn và trộm một cuốn tiểu thuyết bìa mềm. Tôi bị bắt rồi bị dẫn tới đồn cảnh sát và bị chất vấn bởi một viên cảnh sát rất dễ thương. Vị cảnh sát đó rất tử tế. Anh ấy lắng nghe mọi thứ tôi nói. Tôi cảm thấy bản thân được lắng nghe lần đầu tiên trong cuộc đời mình. Cuối cùng, anh ấy nhẹ nhàng chạm vai tôi và nói ‘tôi hiểu bà cô đơn nhưng đừng làm thế nữa’”.
“Bạn không biết là tôi vui như thế nào khi làm việc trong nhà máy lúc ở tù đâu. Một ngày nọ, khi được khen ngợi vì làm việc hiệu quả và tỉ mỉ, tôi lại có niềm vui nơi làm việc. Tôi hối tiếc vì chưa từng đi làm. Cuộc đời tôi có lẽ sẽ rất khác”
“Tôi tận hưởng cuộc sống trong tù nhiều hơn. Luôn luôn có người ở bên và tôi không còn cảm thấy cô đơn lúc trong tù. Khi tôi ra tù lần thứ 2, tôi tự hứa là mình sẽ không trở lại nữa. Nhưng khi đã ra ngoài, tôi không khỏi cảm thấy hoài niệm về khoảng thời gian trong tù”.
Bà K, 74 tuổi
Đã trộm Coca-Cola, nước ép cam
Bị bắt lần thứ 3, bản án không được tiết lộ
Có một người chồng và một đứa con gái
“Tôi sống nhờ vào phúc lợi, cuộc sống rất khó khăn. Khi được trả tự do, tôi sẽ phải xoay sở cuộc sống với chỉ 1,000 Yên/ngày (tương ứng 9 USD/ngày). Tôi chẳng có gì để mong đợi từ cuộc sống bên ngoài”.
Bà O, 78 tuổi
Đã trộm nước tăng lực, cà phê, trà, một quả xoài
Bị bắt lần thứ 3, bị giam 1 năm và 5 tháng
Có một đứa con gái và một đứa cháu
“Nhà tù giống như một ốc đảo đối với tôi – một nơi để thư giản và cảm thấy thoải mái. Tôi không hề có tự do ở đây, nhưng cũng chẳng có gì để lo lắng cả. Ở đây có nhiều người nói chuyện cùng. Họ cho chúng tôi ăn ba bữa ăn dinh dưỡng mỗi ngày”.
“Con gái tôi tới thăm mỗi tháng một lần. Con tôi nói ‘con không cảm thấy tiếc cho mẹ đâu. Mẹ thật thảm hại’. Tôi nghĩ con bé nói đúng”.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|