Thứ Ba, 06/02/2018 11:17

Tài sản 500 người giàu nhất “bốc hơi” 114 tỷ USD trong một ngày

Chứng kiến mức giảm tài sản “thê thảm” nhất trong ngày thứ Hai là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett...

Tỷ phú Mỹ Warren Buffett - Ảnh: Bloomberg.

Cú giảm "kinh hoàng" của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch đầu tuần đã khiến tổng giá trị tài sản ròng của 500 người giàu nhất thế giới sụt 114 tỷ USD, trong bối cảnh nỗi lo lạm phát lấn át niềm lạc quan về chương trình cải tổ thuế của Tổng thống Donald Trump.

Theo dữ liệu từ xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới Bloomberg Billionaires Index, chứng kiến mức giảm tài sản "thê thảm" nhất trong ngày thứ Hai là nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, Chủ tịch tập đoàn Berkshire Hathaway. Tài sản của ông Buffett đã giảm 5,1 tỷ USD trong phiên giao dịch "đỏ lửa" ở PhốWall, khi chỉ số S&P 500 có thời điểm giảm tới 5%.

Berkshire chính là cổ đông lớn nhất của nhà băng hàng đầu Mỹ Wells Fargo. Phiên này, cổ phiếu Wells Fargo giảm 9,2%, dẫn đầu cú giảm của S&P 500.

Năm nay 87 tuổi, ông Buffett là một trong số 18 tỷ phú thuộc xếp hạng của Bloomberg có mức giảm tài sản trên 1 tỷ USD trong ngày thứ Hai. Mức giảm tài sản mạnh thứ nhì thuộc về nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg - người bị mất 3,6 tỷ USD tài sản.

Ngay cả CEO của "đế chế" thương mại điện tử Amazon.com, ông Jeff Bezos, người giàu nhất thế giới hiện nay, cũng không thể "miễn nhiễm" khỏi làn sóng mất mát tài sản. Tài sản của ông Bezos mất 3,3 tỷ USD trong phiên này, còn 116,4 tỷ USD, khi cổ phiếu Amazon giảm 2,8%.

Hai tỷ phú của Alphabet, hãng mẹ công cụ tìm kiếm Google, là ông Larry Page và ông Sergey Brin mất 2,3 tỷ USD mỗi người.

Cú giảm tài sản này của giới siêu giàu diễn ra sau khi cả nhóm 500 người đã mất 68,5 tỷ USD tài sản vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi thị trường chứng khoán toàn cầu bắt đầu ồ ạt giảm điểm.

Theo số liệu mà hãng tin CNBC đưa ra, chỉ trong 3 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 2, S&P 500 đã mất 1,6 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa. Mức điểm chốt phiên ngày thứ Hai của chỉ số này thấp hơn khoảng 6,2% so với mức khởi đầu tháng.

So với mức chốt của phiên 31/1, giá trị vốn hóa của các công ty niêm yết hàng đầu Mỹ gồm Alphabet, Wells Fargo, Berkshire Hathaway, Apple, Microsoft và Exxon Mobil đã đồng loạt giảm ít nhất 30 tỷ USD mỗi công ty. Trong đó, Alphabet đã mất hơn 75 tỷ USD giá trị vốn hóa.

Đến thời điểm này, S&P 500 đã mất sạch thành quả tăng giá từ đầu năm. Nguyên nhân chính khiến chứng khoán thế giới giảm điểm mạnh những ngày qua là những thông tin khả quan về kinh tế Mỹ và toàn cầu. Những thông tin này làm dấy lên những nhận định cho rằng lạm phát sẽ tăng nhanh và các ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sẽ đẩy nhanh việc tăng lãi suất hơn dự kiến.

Trước đó, chứng khoán thế giới đã tăng điểm mạnh trong tháng 1, khi giới đầu tư lạc quan về kế hoạch cải tổ thuế lớn nhất gần 3 thập niên mà Tổng thống Trump ký hồi cuối năm ngoái. Ngoài ra, niềm tin về lợi nhuận tăng của các công ty đại chúng cũng là chất xúc tác cho sự tăng điểm những ngày đầu năm của thị trường.

DIỆP VŨ

VNECONOMY

Các tin tức khác

>   Tại sao TTCK Mỹ lao dốc hơn 1,100 điểm? (06/02/2018)

>   Chứng khoán châu Á đỏ lửa, Hang Seng rớt hơn 1,600 điểm (06/02/2018)

>   Có lúc sụt 1,600 điểm, Dow Jones chứng kiến phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử (06/02/2018)

>   TTCK toàn cầu kéo nhau giảm mạnh, chỉ là điều chỉnh? (05/02/2018)

>   Cổ phiếu sòng bạc Macau sụt giảm vì tin Trung Quốc tính mở sòng bạc ở đảo Hải Nam (05/02/2018)

>   Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ (05/02/2018)

>   Phải chăng đà bán tháo trên TTCK Mỹ là khởi đầu cho thứ gì đó lớn hơn? (03/02/2018)

>   Rớt thảm 666 điểm trong phiên, Dow Jones chứng kiến tuần tồi tệ nhất trong 2 năm (03/02/2018)

>   Amazon công bố doanh thu khủng, Jeff Bezos “đút túi” 6.5 tỷ USD (02/02/2018)

>   Phố Wall trái chiều vì nhóm cổ phiếu công nghệ (02/02/2018)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật