Phải chăng đà bán tháo trên TTCK Mỹ là khởi đầu cho thứ gì đó lớn hơn?
Hiện nay các chuyên viên giao dịch (trader) đang phải đối phó với một mối đe dọa mới và điều này đang tác động nặng nề hơn bất kỳ yếu tố nào trong vòng 2 năm nay: Đó là đà bán tháo trên thị trường trái phiếu.
Và giờ đây, đà nhảy vọt của lãi suất thị trường đang khiến những nhà đầu tư giá lên tự hỏi liệu đà tăng trên thị trường cổ phiếu có còn tiếp tục.
Nhìn lại diễn biến thị trường trong tuần qua, bạn có lẽ đang tự hỏi: Liệu điều này có khởi đầu cho một thứ gì đó to lớn hơn? Các lời cảnh báo về giá cổ phiếu đến từ những nhà đầu tư giá xuống (bear) đã xuất hiện từ rất lâu rồi nhưng chẳng ai lắng nghe cả. Trong bối cảnh S&P 500 tăng vọt gần 50% chỉ trong gần 2 năm, một số nhà đầu tư đã bắt đầu nhận thấy thời điểm kết thúc chính sách lãi suất thấp.
“Đây là thời điểm thay đổi về tính biến động trên thị trường”, Jeffrey Schulze, Chiến lược gia đầu tư tại Clearbridge Investments, cho biết. “Chúng tối đều rất may mắn khi trải qua một năm như 2017. Tuy nhiên, trong năm nay, xuất hiện rất nhiều yếu tố sẽ khiến tính biến động (volatility) đóng vai trò lớn hơn trên thị trường”.
“Tuy nhiên, đây chắc chắn không phải là thời điểm kết thúc của thị trường con bò”, ông Schulze cho biết. “Để chứng kiến thời điểm kết thúc thị trường con bò, thì trước hết kinh tế Mỹ phải bước sang giai đoạn suy thoái đã. Chúng tôi đã có một buổi họp bàn về kinh tế tại Clearbridge, có tới 12 biến kinh tế thường là chỉ báo tốt về giai đoạn suy thoái kinh tế. Trong số 12 biến đó, chỉ có một biến liên quan tới việc đưa ra lời cảnh báo”.
Khép lại phiên ngày thứ Sáu (02/02), S&P 500 giảm 2.1% xuống 2,762.13 điểm, qua đó nâng tổng mức lao dốc trong tuần lên 3.9% - tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 1/2016. Đáng chú ý hơn, Dow Jones rớt tới gần 666 điểm xuống 25,520.96 điểm và mất tổng cộng 1,095.75 điểm trong tuần qua. Trong khi đó, tính trong tuần qua, chỉ số Nasdaq 100 rớt 3.7% và chỉ số biến động Cboe Volatility Index nhảy vọt 56%.
Điểm đáng chú ý nhất của đợt bán tháo lần này là độ rộng (breadth). Mặc dù mấy đợt giảm trước trên thị trường chứng khoán Mỹ thường rất yếu khi một ngành giảm thì ngành khác lại tăng, nhưng ở đợt bán tháo này, tất cả các ngành đều lao dốc. 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 giảm mạnh trong tuần qua – một điều chưa từng có tiền lệ kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2017.
Chưa hết, làn sóng bán tháo còn lan rộng ra rất nhiều loại tài sản. Cụ thể, chứng quỹ ETF là SPDR S&P 500 ETF và iShares 20+ Year Treasury Bond ETF giảm mạnh và ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ tháng 1/2009.
Đợt bán tháo này đã tác động tiêu cực đến một trong những chiến lược phân bổ tài sản nổi tiếng nhất: Chiến lược phân bổ 60/40 của các quỹ tương hỗ. Tất cả 35 quỹ tương hỗ có tài sản ít nhất là 1 tỷ USD đều giảm trong tuần vừa qua, trung bình là 1.2%. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2016, dữ liệu từ Bloomberg cho thấy.
Một lo ngại lớn của nhà đầu tư là việc định thời điểm xảy ra đợt bán tháo trong mùa báo cáo tài chính – một sự kiện thường thúc đẩy thị trường chứng khoán trong 6 năm vừa qua. Thậm chí, trong lúc ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp của S&P 500 ngày càng tăng, điều này cũng chẳng thể cứu vớt thị trường chứng khoán Mỹ khỏi đà bán tháo.
Mới 3 ngày trước, S&P 500 vừa ghi nhận tháng 1 có thành quả tốt nhất kể từ năm 1997, các cổ phiếu từ Nvidia đến Boeing cho tới Vertex Pharmaceuticals đều tăng gần gấp đôi trong 12 tháng vừa qua. Chưa hết, chỉ số đo lường trạng thái biến động CBOE (VIX), thước đo tốt nhất về mức độ sợ hãi trên Phố Wall, chưa bao giờ ở mức thấp hơn so với thời điểm năm 2017. Đà sụt giảm hôm thứ Sáu (02/02) diễn ra trong bối cảnh Bộ Lao động Mỹ cho biết nền kinh tế tạo thêm 200,000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở đáy 17 năm.
“Các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn khá tốt. Mức lãi suất thị trường vẫn còn thấp. Thật sự thì chúng tôi rất bất ngờ vì phải sau một khoảng thời gian rất dài, thị trường chứng khoán Mỹ mới điều chỉnh 3-5%”, ông Evan Brown, Trưởng Bộ phận Phân bổ tài sản tại UBS Asset Management, cho hay.
Bên cạnh đó, nhiều yếu tố tưởng chừng là tốt cho nhà đầu tư cũng có thể được cho là yếu tố tác động tiêu cực. Mua cổ phiếu trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp thấp và niềm tin của người tiêu dùng cao như thế này chẳng phải là một vụ đặt cược tuyệt vời gì. 4 trong 5 lần đạt đỉnh trước đó của S&P 500 diễn ra trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp giảm khoảng 50-100 điểm cơ bản xuống dưới mức 4.5%, dữ liệu từ Credit Suisse Group AG cho thấy.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|