TTCK toàn cầu kéo nhau giảm mạnh, chỉ là điều chỉnh?
Số lượng nhà đầu tư bắt đáy không nhiều trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang rơi vào tình trạng bán tháo, khởi đầu là thị trường chứng khoán Mỹ và sau đó lan rộng ra các khu vực khác.
Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương giảm 1.5% trong ngày thứ Hai (05/02), qua đó chuẩn bị ghi nhận chuỗi hai ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016, khi cổ phiếu trên thị trường Nhật Bản, Hồng Kông và Đài Loan đều lao dốc. Chỉ số đo lường tính biến động nhảy vọt, và hầu hết các đồng tiền nới rộng đà suy yếu sang ngày thứ Hai. Các hợp đồng tương lai cũng báo hiệu một ngày giao dịch không mấy khả quan đối với thị trường chứng khoán châu Âu.
Thị trường bắt đầu rơi vào trạng thái hoảng loạn. Mặc dù nhiều người đã dự đoán sẽ có một đợt điều chỉnh diễn ra, nhưng cũng không ngờ là giảm mạnh đến thế.
“Đà tăng gần đây của lợi suất trái phiếu cuối cùng đã phá vỡ trạng thái yên bình của thị trường cổ phiếu, qua đó đánh dấu một sự thay đổi rõ ràng trong tình hình hiện tại”, Patrik Schowitz, Chiến lược gia tại JPMorgan Asset Management, cho biết. “Nhà đầu tư đã trở nên tự mãn khi mức độ biến động thấp”.
Cơ hội mua vào
“Đây là thời điểm tốt để những nhà đầu tư, vốn đã tham gia vào thị trường từ năm ngoái, chốt lời”, Jonathan Ravelas, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường tại BDO Unibank, cho hay. “Đối với những ai đã bỏ lỡ đà tăng và đầu tư dài hạn thì đà bán tháo này đã mở ra một cơ hội mua vào vì các yếu tố cơ bản trên toàn cầu vẫn chưa thay đổi”.
“Đà sụt giảm của cổ phiếu trong ngày hôm nay không phải là do các yếu tố cơ bản”, Chu Yen-min, Chủ tịch của KGI Securities Investment Advisory, nhận định. “Đó là do sự nhảy vọt của lợi suất trái phiếu – một điều làm dấy lên lo ngại về lạm phát và lãi suất ngày càng tăng. Đây không phải là một sự chuyển biến hoàn toàn trong xu hướng mà chỉ là một sự điều chỉnh trong ngắn hạn. Các thị trường chứng khoán châu Á và Đài Loan có khả năng thể hiện xu hướng tăng trong 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù giao dịch biến động mạnh”.
Tăng trưởng vẫn đang tốt
“Dường như chẳng có dấu hiệu nào cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu chuẩn bị kết thúc cả”, Nicholas Smith, Chiến lược gia tại CLSA ở Tokyo, cho hay. “Mối lo ngại lớn nhất là thị trường Nhật Bản có mối tương quan quá cao với thị trường Mỹ”.
“Chúng tôi nhận thấy đà bán tháo hôm nay chỉ là đợt điều chỉnh vì lợi nhuận doanh nghiệp và triển vọng kinh tế vẫn khá tích cực”, Hao Hong, Chiến lược gia tại Bocom International Holdings, nói rõ.
Theo dõi đồng USD
“Thật là đáng lo ngại”, Louis Tse, Giám đốc quản lý tại VC Brokerage ở Hồng Kông, cho biết. “Đợt nâng lãi suất vào tháng 3/2018 gần như khá chắc chắn, và nếu đồng USD chuyển sang tăng mạnh thì nhiều khả năng lànguồn vốn sẽ tháo chạy ra khỏi thị trường châu Á”.
“Miễn là đồng bạc xanh không tăng mạnh như hồi năm 2014 và năm 2016 thì các yếu tố cơ bản ở châu Á vẫn còn rất tốt”, Frank Benzimra, Trưởng Bộ phận chiến lược cổ phiếu châu Á tại Societe Generale SA, cho hay.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FiLi
|