Bài cập nhật
Chứng khoán châu Á chìm trong sắc đỏ
Khép lại phiên giao dịch ngày thứ Hai (05/02), chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 592.45 điểm (tương ứng 2.55%) xuống còn 22,682.08 điểm.
Trên thị trường Hàn Quốc, chỉ số Kospi hạ 33.64 điểm (tương ứng 1.33%) xuống 2,491.75 điểm.
Bên cạnh đó, chỉ số ASX 200 của Australia lùi 95.20 điểm (tương ứng 1.56%) xuống 6,026.20 điểm và chỉ số Hang Seng của Hồng Kông mất 356.56 điểm (tương ứng 1.09%) còn 32,245.22 điểm.
Đi ngược lại với xu hướng là Shanghai Composite của Trung Quốc. Cụ thể, chỉ số này tăng nhẹ 25.3 điểm (tương ứng 0.73%) lên 3,487.38 điểm.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán châu Á
Nguồn: CNBC
|
"Tuần qua, giá cổ phiếu đã chịu sức ép giảm do kỳ vọng lãi suất Fed gia tăng. Những kỳ vọng này phản ánh qua tốc độ tăng tiền lương được đẩy nhanh của Mỹ", ông Shane Oliver, Trưởng Bộ phận Chiến lược đầu tư của AMP Capital, cho biết.
"Nhiều khả năng thị trường chứng khoán toàn cầu còn giảm điểm nữa khi các nhà đầu tư điều chỉnh để phản ánh khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất nhiều hơn so với dự kiến ở thời điểm hiện nay. Chúng tôi hiện cho rằng Fed có thể nâng lãi suất 4-5 lần trong năm nay, trong khi thị trường gần đây mới chỉ kỳ vọng lãi suất tăng 3 lần", ông Oliver phát biểu.
---------------------------
Tính tới lúc 11h sáng ngày thứ Hai (05/02) theo giờ Việt Nam, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 602.57 điểm (tương ứng 2.59%), trong khi Hang Seng của Hồng Kông lao dốc 580.11 điểm (tương ứng 1.78%).
Trên thị trường chứng khoán Hàn Quốc, chỉ số Kospi lùi 1.53%. Bên cạnh đó, ASX 200 của Australia hạ 1.57%.
Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm nhẹ 0.18%.
Diễn biến thị trường chứng khoán châu Á
Nguồn: CNBC
|
Hôm thứ Sáu (02/02), dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy nước Mỹ đã tạo thêm 200,000 việc làm trong tháng 1/2018, vượt qua dự báo từ các chuyên gia kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp nhất trong 17 năm là 4.1%. Chính thông tin trên đã đẩy lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lên cao hơn, qua đó gia tăng lo ngại rằng lãi suất có thể đang tăng quá nhanh.
Trong ngày thứ Sáu (02/02), thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh, đáng chú ý nhất là chỉ số Dow Jones lao dốc gần 666 điểm, qua đó đánh dấu phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 12/2008.
* Rớt thảm 666 điểm trong phiên, Dow Jones chứng kiến tuần tồi tệ nhất trong 2 năm
Một chuyên gia phân tích cho biết đà sụt giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ còn có khả năng tiếp tục và sẽ tác động đến hầu hết các thị trường chứng khoán khác.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD – thước đo diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác – dao động ở mức 89.263 vào lúc 8h13 sáng (giờ HK/SIN) sau khi rớt mốc 88.800 trong tuần trước.
----------------------------
Lúc 8h15 sáng ngày thứ Hai (05/02) theo giờ Việt Nam, thị trường chứng khoán châu Á khởi đầu tuần giao dịch mới bằng đà giảm mạnh (trong đó Nikkei 225 giảm hơn 2%), nối tiếp đà lao dốc trên Phố Wall hồi cuối tuần trước.
Khởi đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 2.16%, trong khi chỉ số Topix lùi 1.71%.
Bên cạnh đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc hạ 1.75%.
Diễn biến thị trường chứng khoán châu Á
Nguồn: CNBC
|
Tại thị trường Australia, chỉ số ASX 200 hạ 1.26%, trong đó hầu hết các lĩnh vực đều suy yếu. Cụ thể, nhóm cổ phiếu tài chính lùi 1.07%, trong khi lĩnh vực năng lượng và nguyên vật liệu giảm tương ứng 2.14% và 2.13%.
Cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất ở Australia đều suy yếu: Cổ phiếu ANZ hạ 1.2%, Commonwealth Bank lùi 0.89%, Westpac mất 1.23% và National Australia Bank giảm 1.12%.
Trên Phố Wall, hợp đồng tương lai chỉ số cũng giảm mạnh. Hợp đồng tương lai chỉ số Dow Jones lùi 223 điểm vào lúc 8h13 sáng ngày thứ Hai (giờ HK/SIN), sau khi tích tắc giảm hơn 250 điểm. Trong khi đó, hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng là 19 điểm và 38.75 điểm.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FiLi
|