Đã chịu lãi suất trên 15% thì được miễn phạt chậm nộp thuế
Vay tổ chức tín dụng lãi suất cao trên 15% dẫn đến sản xuất kinh doanh không hiệu quả..., doanh nghiệp không đóng thuế đúng quy định và bị phạt chậm nộp có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp.
Gặp các trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp có quyền đề nghị miễn tiền phạt chậm nộp thuế. Ảnh minh họa: Minh Tâm
|
Tương tự, trong trường hợp gặp tác động của cơ quan hành chính nhà nước, chẳng hạn như chính sách chưa rõ ràng, chậm trả lời, doanh nghiệp gặp khó khăn, không thể đóng thuế đúng quy định cũng có thể đề nghị miễn tiền chậm nộp.
Đây là những điểm đáng chú ý đang được Bộ Tài chính đề xuất trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định.
Các trường hợp kể trên được gọi là bất khả kháng (tức những tác động không phải do người nộp thuế tự gây ra mà chịu tác động ngoài ý muốn).
Bên cạnh các trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo cũng được quyền tương tự.
Mức miễn tiền chậm nộp tối đa không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại do các nguyên nhân thiên tai, hỏa hoạn…; chi phí khám, chữa bệnh đối với trường hợp cá nhân bị bệnh hiểm nghèo.
Cũng theo dự thảo mà Bộ Tài chính đang trình Chính phủ, đối tượng đóng tiền phạt chậm nộp mức 0,03%/ngày không chỉ là doanh nghiệp đóng chậm thuế do khai sai, khai thiếu hoặc đóng chậm hơn quy định còn có cả ngân hàng thương mại hay kho bạc, cơ quan thuế.
Đó là khi ngân hàng, tổ chức dịch vụ, Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế… đã thu tiền thuế và tiền phạt chậm nộp của doanh nghiệp nhưng lại chậm nộp vào ngân sách nhà nước. Lúc này, tiền phạt chậm nộp sẽ được tính trên tổng số tiền thuế đã thu nhưng chưa nộp ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định các khoản nợ tiền thuế phát sinh trước ngày 1-7-2016 mà doanh nghiệp chưa nộp vào ngân sách nhà nước, kể cả khoản tiền nợ thuế được truy thu qua kết quả thanh tra, kiểm tra thì cũng được chuyển sang áp dụng mức tính tiền chậm nộp theo tỷ lệ 0,03%/ngày (mức hiện hành là mức 0,05%/ngày).
Ngoài ra, doanh nghiệp cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng nguồn vốn ngân sách nhưng chưa được thanh toán nên không nộp kịp thời các khoản thuế dẫn đến nợ thuế thì không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế còn nợ.
Tuy nhiên, số tiền chậm nộp thuế mà doanh nghiệp được miễn trừ chỉ giới hạn trong phạm vi không vượt quá số tiền ngân sách chưa thanh toán và phát sinh trong thời gian trên.
Minh Tâm
TBKTSG
|