TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét thưởng hơn 10.000 tỷ đồng
Chiều 7/6, Đoàn giám sát Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, tình hình thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2014 của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
|
Tại buổi làm việc, Ủy ban Nhân dân thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thưởng cho thành phố hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó thưởng vượt thu là hơn 899 tỷ đồng, bổ sung có mục tiêu từ nguồn thu vượt thu ngân sách Trung ương là 9.101 tỷ đồng.
Thành phố sẽ hoàn thành thu ngân sách năm 2016
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dự toán thu-chi ngân sách nhà nước năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho thành phố là 298.300 tỷ đồng, bao gồm thu nội địa là 177.600 tỷ đồng (tăng 10,25% so với thực hiện năm 2015), thu từ dầu thô là 32.000 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 102.500 tỷ đồng (tăng 9,12 so với thực hiện năm 2015).
Về thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2016, thành phố ước đạt 297.277 tỷ đồng, đạt 99,66% dự toán và tăng 6,94% so với cùng kỳ; nếu không tính thu từ dầu thô là 281.777 tỷ đồng, đạt 100,6% dự toán và tăng 10,5% cùng kỳ.
Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn thành phố tiếp tục giữ mức ổn định, một số ngành, lĩnh vực có sự phục hồi và phát triển tốt. Thuế tiêu thụ đặc biệt 6 tháng đầu năm tăng 25,2% so với cùng kỳ, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như bia, rượu, thuốc lá; thuế giá trị gia tăng cũng tăng 16,81%, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng 13,39%; thuế bảo vệ môi trường tăng 159,44%.
Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thắng, đối với nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính giao dự toán trong năm 2016 quá cao so với các địa phương khác; đồng thời dự toán thu năm 2016 tăng 9,1% so với số thu thực tế năm 2015 nên mặc dù Thành phố đã nỗ lực nhưng sẽ rất khó khăn trong hoàn thành nhiệm vụ thu được giao.
Theo ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, năm nay thành phố sẽ hoàn thành thu ngân sách. Trong khó khăn chung, các doanh nghiệp vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả để nộp thuế. Đây là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và hệ thống doanh nghiệp. Mặc dù Bộ Tài chính có giao thêm chỉ tiêu, nhưng thành phố sẽ có những khoản thu thêm như thuế sử dụng nhà đất tăng lên, tiền sử dụng đất…
Ngoài ra, lãnh đạo thành phố cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp; tạo điều kiện phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện và sở ngành, xác định trách nhiệm của người đứng đầu. Đây cũng là những cách để tăng thu cho ngân sách nhà nước.
Cần cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách cho thành phố
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hàng tháng, Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố đều kiểm điểm về tình hình điều hành phát triển kinh tế-xã hội và thu chi ngân sách. Qua 5 tháng đầu năm 2016, tình hình tương đối khả quan, các chỉ tiêu về phát triển công, nông nghiệp, dịch vụ, kim ngạch xuất nhập khẩu... đều gia tăng so với cùng kỳ, là cơ sở để tạo nguồn thu ngân sách.
Thành phố đề nghị có cơ chế tài chính đặc thù cho để tạo nguồn lực cho thành phố phát triển, trong đó có cơ chế đặc thù về phân cấp nguồn thu phù hợp với quy mô đô thị lớn như cấp lại cho thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu và thực hiện trong 10 năm; cho thành phố được phụ thu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh có lợi thế thương mại lớn, có ưu thế vị trí kinh doanh trên địa bàn.
Đại diện Đoàn giám sát cho rằng thành phố xứng đáng có một cơ chế đặc thù nhưng những kiến nghị vẫn còn mang tính vụn vặt, chưa xứng tầm. Những kiến nghị cụ thể về tài chính, ngân sách là tầm nhìn ngắn hạn mà cần chú trọng là phân cấp, phân quyền như thẩm quyền về huy động nguồn nhân lực, cơ chế về tài chính ngân sách.
Theo ông Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh là yết hầu quyết định phát triển kinh tế, ngân sách nhà nước. Trong 6 tháng tới, thành phố cần chỉ đạo để hỗ trợ doanh nghiệp, từ đó giúp kinh tế thành phố tăng trưởng cao hơn.
Để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển mạnh mẽ, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề xuất cần cho thành phố được thí điểm, phân cấp nhiều hơn trong thu chi, nhân sự. Nếu Thành phố Hồ Chí Minh được giải phóng toàn bộ năng lực con người, năng lực sản xuất thì tốc độ tăng trưởng không chỉ là một con số, mà phải hai con số. Do vậy, cần cơ chế đặc biệt so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Thành phố đang tập trung phối hợp các cơ quan Trung ương, chuyên gia nhằm xây dựng cơ chế để phát triển đầy đủ mọi mặt, chứ không chỉ về thu chi ngân sách. Việc xin cơ chế là để tạo môi trường kinh doanh tốt nhất, làm ra tiền nhiều hơn, ông Đinh La Thăng nói.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ngân sách Quốc hội, ủng hộ kiến nghị tìm cơ chế tài chính, ngân sách cho Thành phố Hồ Chí Minh một cách thấu đáo. Tuy nhiên, đó không phải là vấn đề “phân chia, cơ chế xin cho” mà cần một cơ chế tài chính bền vững hơn.
Theo ông Nguyễn Đức Hải, Thành phố Hồ Chí Minh luôn vì cả nước và ông tin tưởng đây vẫn là đầu tàu kinh tế, nguồn thu chủ lực của cả nước./.
Vũ Tiến Lực
vietnam+
|