Thứ Ba, 07/06/2016 17:48

Huy động tối đa nguồn lực xã hội phát triển hạ tầng giao thông

Đánh giá nhu cầu phát triển hệ thống hạ tầng giao thông trong những năm tới là rất lớn, trong khi nguồn lực ngân sách có hạn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan cần khẩn trương hoàn thiện các cơ chế, chính sách để có thể huy động tối đa nguồn lực từ xã hội.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra yêu cầu này khi phát biểu kết luận Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015 do Bộ GTVT quản lý diễn ra sáng nay (7/6).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng thời gian qua, việc đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng giao thông, có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp hết sức quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

“Đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nói chung là xương sống, là nền tảng của mỗi quốc gia, trong đó kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra môi trường để huy động nguồn lực, tạo ra điểm nhấn, hạt nhân để thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, bảo đảm sự phát triển tốt hơn, hài hoà hơn”, Phó Thủ tướng nói.

Trong 5 năm qua, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong điều kiện hết sức khó khăn, Chính phủ đã tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nói chung, đặc biệt là hạ tầng GTVT. Cùng với vốn ngân sách, vốn ODA, Bộ GTVT đã xây dựng được cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, chủ yếu là theo hình thức BOT, BT. Qua đó, đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ các hình thức đầu tư, cải thiện nhanh chóng chất lượng hạ tầng giao thông, góp phần tích cực tạo môi trường đầu tư hấp dẫn.

Trong quá trình thực hiện hình thức đầu tư BOT, BT, các cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng đã không ngừng được hoàn thiện; công tác quản lý Nhà nước về giao thông có nhiều tiến bộ; công tác thiết kế, thi công được hoàn thiện; năng lực các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng cũng được nâng cao.

“Những kết quả nêu trên thể hiện nỗ lực, cố gắng của Bộ GTVT, các bộ, ngành có liên quan, các địa phương trong việc phát triển hạ tầng”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Cần sự tham gia của Nhà nước

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần nghiêm khắc nhìn nhận những hạn chế, yếu kém, thậm chí vi phạm để đề ra những biện pháp, giải pháp trong thời gian tới nhằm phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội bền vững hơn.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, còn không ít công trình chất lượng thấp, ảnh hưởng đến an toàn cho phương tiện, con người, gây bức xúc cho xã hội. Bên cạnh những nhà đầu tư uy tín, tâm huyết, trách nhiệm, đầu tư nghiêm túc, cũng có nhiều nhà đầu tư tính toán chưa chính xác, trình độ, năng lực còn hạn chế gây bức xúc cho xã hội.

“Có những công trình khối lượng thực tế thấp hơn nhiều so với dự toán ban đầu, gây bức xúc trong xã hội. Điều này làm tăng chi phí đầu vào sản phẩm, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam, của nền kinh tế. Tình trạng này cần phải được chấn chỉnh”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Ngoài ra, việc bố trí các trạm thu phí còn chưa hợp lý, dẫn đến sự bức xúc của người dân. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, chính việc phối hợp giữa các nhà đầu tư chưa tốt là nguyên nhân dẫn đến nhiều trạm thu phí, trạm thu phí bố trí không phù hợp.

Hội nghị đánh giá công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT và BT giai đoạn 2011-2015. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng, việc huy động  vốn đầu tư BOT, BT cho giao thông chỉ mới từ các doanh nghiệp trong nước, chưa thu hút được doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, vốn của những doanh nghiệp này lại yếu, dựa vào ngân hàng, do đó chưa đủ để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng GTVT trong những năm tiếp theo.

Theo Phó Thủ tướng, hình thức đầu tư BOT, BT là một dạng của hợp tác công-tư (PPP), tuy nhiên vai trò của Nhà nước còn hạn chế. Nếu có thêm sự tham gia của Nhà nước, chắc chắn việc huy động vốn sẽ tốt hơn, thời gian triển khai cũng nhanh hơn, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao hơn cho dự án.

“Hiện nay chưa có cơ chế để Nhà nước phối hợp với tư nhân. Thay vì Nhà nước đầu tư một con đường 1.000 tỷ đồng, nếu thực hiện theo PPP, Nhà nước có thể cùng tư nhân thực hiện được 4-5 con đường, cũng với khoản đầu tư 1.000 tỷ đồng”, Phó Thủ tướng phân tích.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng sự mất cân đối giữa các loại hình GTVT đang tạo ra áp lực rất lớn cho phát triển hạ tầng. Hiện tại mới chỉ thu hút đầu tư BOT, BT chủ yếu vào hệ thống đường bộ.

Để thực hiện được mục tiêu phát triển hạ tầng GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục rà soát các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, gắn với đề án tái cấu trúc ngành GTVT, hướng tới phát triển hài hoà các phương tiện, loại hình GTVT. Ngành GTVT cũng chủ trì đề xuất danh mục các dự án ưu tiên để thu hút đầu tư; quy hoạch, định hướng các trạm thu phí, khắc phục những hạn chế trong thời gian qua; tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến huy động các nguồn lực cho phát triển hạ tầng GTVT theo hình thức PPP.

Các bộ, ngành cũng cần tăng cường kiểm soát Nhà nước về đầu tư xây dựng, đặc biệt là xây dựng bằng hình thức BOT.

Xuân Tuyến

Chinhphu.vn

Các tin tức khác

>   Thai nghén bao lâu để ra đời sàn giao dịch riêng cho start-ups Việt Nam? (07/06/2016)

>   Giá lúa gạo tiếp tục giảm mạnh dù sản lượng thấp (07/06/2016)

>   “Bão” giá ôtô hạng sang sắp bắt đầu (07/06/2016)

>   Bài học nhìn từ vụ Viet Foods (07/06/2016)

>   Gỗ MDF của Việt Nam xuất sang Ấn Độ chịu thuế chống bán phá giá tới 63.99 USD/m3 (07/06/2016)

>   Trình Chính phủ miễn thuế cho 20 ôtô của doanh nghiệp Xuân Trường (07/06/2016)

>   FWD mua lại Great Eastern Life Việt Nam (07/06/2016)

>   Sẽ tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong tháng 8 (07/06/2016)

>   Tiền cho khởi nghiệp: Rót thế nào để không mạo hiểm? (07/06/2016)

>   Đại lý vỡ nợ, nông dân điêu đứng (07/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật