Giá lúa gạo tiếp tục giảm mạnh dù sản lượng thấp
Đà giảm mạnh của giá lúa gạo nội địa vẫn tiếp tục thời gian gần đây cho dù sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã sụt giảm mạnh do hạn hán.
Hạn hán khiến sản lượng lúa sụt giảm mạnh, nhưng vẫn chưa thể ngăn được đà giảm mạnh của giá lúa gạo nội địa. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL đang thu hoạch lúa. Ảnh: Trung Chánh
|
Báo cáo của Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy sản lượng lúa đông xuân 2015-2016 toàn vùng ĐBSCL sụt giảm đến 713.000 tấn so với vụ đông xuân năm ngoái.
Theo Cục Trồng trọt, sản lượng lúa sụt giảm mạnh được xác định là do hạn và xâm nhập mặn, đặc biệt là ở các tỉnh ven biển của ĐBSCL.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT, cho biết tổng diện tích xuống giống vụ lúa đông xuân 2015-2016 ở ĐBSCL đạt trên 1,5 triệu héc ta, tăng khoảng 10.000 héc ta so với vụ đông xuân năm trước đó, nhưng sản lượng lúa chỉ đạt trên 10,4 triệu tấn, giảm đến 713.000 tấn so với vụ đông xuân 2014-2015. Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ sức giữ giá lúa gạo nội địa duy trì ở mức cao như kỳ vọng của giới kinh doanh gạo.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hải, một thương lái chuyên kinh doanh lúa gạo tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, cho biết lúa IR 50404 tươi tại ĐBSCL hiện có giá chỉ còn 4.000-4.100 đồng/kg, giảm 500-600 đồng/kg so với mức giá cách nay khoảng nửa tháng, và giảm 1.000-1.200 đồng/kg so với mức giá cao nhất được ghi nhận trong năm 2016.
Trong khi đó, gạo nguyên liệu của giống IR 50404 hiện được các doanh nghiệp kinh doanh gạo mua vào chỉ 6.200-6.300 đồng/kg, giảm 400-500 đồng/kg so với mức giá cách nay nửa tháng và giảm trên 1.000 đồng/kg so với mức giá cao nhất được ghi nhận trong năm nay. “Đây cũng là mức giá thấp nhất ghi nhận được trong năm 2016”, ông Hải nói.
Do chất lượng thấp?
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), cho rằng mưa khiến ẩm độ lúa thu hoạch tăng cao và chất lượng gạo xấu là lý do chính khiến giá lúa gạo nội địa sụt giảm như hiện nay.
“Ví dụ, trước khi mưa, lúa tươi có ẩm độ chừng 21-22%, còn lúa tươi trên đồng bây giờ (sau khi có mưa) ẩm độ phải trên 30%, thì tính ra ẩm độ chênh lệch 10%, tức tương đương hơn 500 đồng/kg rồi. Vì vậy, trước đó giá lúa 4.700-4.800 đồng/kg, thì nay còn hơn 4.000 đồng/kg là đúng thôi”, ông giải thích.
Theo ông Tuấn, đó là chưa kể lúa, gạo vụ này chất lượng rất thấp nên giá giảm cũng là điều hiển nhiên do xuất khẩu rất khó.
Trong khi đó, một nguồn tin riêng cho TBKTSG Online biết, giá lúa gạo nội địa xu hướng giảm do nguồn cung thu hoạch trong vụ hè thu 2016 đang tăng lên, trong khi đó, chất lượng gạo vụ mới thấp và giao hàng qua biên giới Trung Quốc tiếp tục ngưng làm giá nội địa giảm.
Tuy nhiên, ông Tuấn của Thịnh Phát dự báo giá xuất khẩu gạo sắp tới của Việt Nam sẽ được cải thiện do được hưởng lợi từ việc các nước xuất khẩu như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan đang đẩy giá bán lên do tác động của hạn hán ở những quốc gia này làm nguồn cung sụt giảm. “Nhưng cái khó bây giờ là doanh nghiệp phải chấp nhận chịu đựng”, ông nói.
Giải thích cho điều này, theo ông Tuấn, lý do là Indonesia, Philippines và Malaysia dù thực tế có nhu cầu mua, nhưng thời điểm hiện tại họ vẫn đang chờ thêm những động thái mới nhất từ các nước xuất khẩu gạo, trong đó có việc tuyên bố xả kho của Thái Lan.
“Trong bối cảnh như vậy, thì doanh nghiệp trong nước phải tiếp tục chịu đựng, nhất là chịu đựng về áp lực chi phí tăng vì lãi vay ngân hàng và phí lưu kho”, ông cho biết.
Trung Chánh
TBKTSG
|