Thai nghén bao lâu để ra đời sàn giao dịch riêng cho start-ups Việt Nam?
Để phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp (start-ups), Việt Nam đang hướng đến việc lập sàn giao dịch chứng khoán dành cho các đơn vị này. Tuy nhiên để lập ra một sàn giao dịch mới bên cạnh các sàn giao dịch hiện tại (HNX, HOSE, UPCoM) là một vấn đề nan giải mà các cơ quan liên quan cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Doanh nghiệp khởi nghiệp (start-ups) với những sáng tạo đột phá về công nghệ là một trong những nhân tố then chốt kỳ vọng giúp nhiều quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ dựa vào lượng sang chất.
Hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp”
|
Cần quỹ đầu tư mạo hiểm Chính phủ mồi
Phát biểu tại hội thảo “Phát triển thị trường vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp”, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ rất quan tâm và mong muốn tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp tốt hỗ trợ các start-ups huy động vốn, đặc biệt là giai đoạn ươm mầm và tăng tốc.
Khởi nghiệp là hoạt động rất rủi ro và thông thường chỉ các quỹ đầu tư mạo hiểm mới dám tham gia. Ở Israel cách đây 20 năm chỉ có quỹ đầu tư mạo hiểm Chính phủ và hiện nay chủ yếu là quỹ đầu tư tư nhân, đồng thời đầu tư vào start-ups còn trở thành một trào lưu. Còn ở Hàn Quốc, vẫn còn tồn tại quỹ đầu tư mạo hiểm của Chính phủ chuyên tài trợ cho các start-ups và những người phê duyệt đầu tư sẽ được miễn trách nhiệm hình sự khi thất bại.
Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có nên có một quỹ đầu tư của Chính phủ chuyên đầu tư mạo hiểm mồi?
Mặt khác, ông Huệ cũng nhấn mạnh cần có một thể chế hoạt động đối với quỹ đầu tư mạo hiểm Chính phủ để tạo ra hiệu quả, tránh làm theo trào lưu và thu hút các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân cũng như nước ngoài. Việt Nam đi sau nên cần học hỏi kinh nghiệm các nước.
Ra đời một sàn giao dịch cho start-ups cần bao nhiêu năm?
Bà Thạch Lê Anh, Tổng giám đốc dự án thung lũng Silicon Việt Nam đưa ra một số giải pháp để phát triển thị trường vốn cho start-ups như Chính phủ cần tham gia đầu tư trực tiếp vào start-ups, đặc biệt là giai đoạn đầu; tạo hành lang pháp lý và cơ chế chính sách khuyến khích; xây dựng sàn giao dịch để người mua và bán gặp nhau, tạo khả năng thoái vốn.
Đối với việc cho ra đời một sàn giao dịch cho start-ups, vài quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Đài Loan đã phát triển sàn giao dịch chứng khoán dành cho các start-ups giúp các doanh nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội. Đặc biệt là mô hình sàn giao dịch KONEX của Hàn Quốc dành cho các start-ups đã thành công sau hơn 2 năm vận hành từ cuối năm 2013 đến 2015 với quy mô vốn hoá tăng hơn 8 lần (xấp xỉ 4.1 tỷ USD) và có 88 doanh nghiệp niêm yết so với 21 doanh nghiệp lúc ban đầu, trong đó đã có không ít cổ phiếu được chuyển lên sàn giao dịch chính thức.
Ông Huệ cho biết, qua trao đổi với ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch HOSE thì cần ít nhất 5 năm chuẩn bị để cho ra đời một sàn giao dịch nhưng Chính phủ kỳ vọng sẽ thực hiện được trong vòng 2 - 3 năm. Mục tiêu của Chính phủ đến 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có mã số thuế, gấp đôi hiện nay (hiện nay số doanh nghiệp lập ra và có hoạt động là 528,000 đơn vị).
Chia sẻ tại buổi lễ ký kết Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Việt Nam (NFSC) và Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC) diễn ra cùng thời điểm, ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch cho biết hiện tại chỉ là khởi điểm tư duy cho việc thành lập sàn giao dịch cho start-ups, sau đó NFSC sẽ cùng với UBCK và các cơ quan quản lý quốc gia bàn phương án cụ thể, song song quá trình đó là học hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chia sẻ một ý tưởng sau khi hợp nhất hai Sở thì Tp. Hồ Chí Minh sẽ là thị trường giao dịch cổ phiếu, khi đó UPCoM sẽ chuyển vào vận hành tại đây. Sàn giao dịch dành cho start-ups sẽ là một bộ phận của UPCoM tận dụng cơ sở vật chất, nền tảng công nghệ hiện có. Thị trường UPCoM đã vận hành từ lâu, tương đối có kinh nghiệm phục vụ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, sau khi được hỗ trợ bởi các chính sách thì quy mô đã tăng trưởng mạnh mẽ gấp đôi.
Tuy nhiên, ông Bằng cho rằng vấn đề quan trọng vẫn là cơ sở pháp lý, hiện Chính phủ đang xây dựng Luật dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng ngay Luật này hoặc cần một Nghị định Chính phủ riêng như Hàn Quốc để tạo điều kiện cho việc đầu tư khởi nghiệp cũng như những ưu đãi để thu hút. Đồng thời, cần một quỹ Chính phủ bỏ vốn mồi để thu hút các quỹ, thông qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp sẽ tạo ra hiệu quả hơn./.
|