Thứ Ba, 07/06/2016 13:03

VNM ETF tái cơ cấu danh mục: Liệu bất ngờ có xảy ra?

Rạng sáng ngày 11/06/2016 tới đây theo giờ Việt Nam, Vaneck Vectors Vietnam (VNM ETF) sẽ công bố danh mục mới. Đa số các chuyên gia đều chung quan điểm là danh mục của quỹ sẽ được bảo toàn. Liệu bất ngờ có xảy ra đối với các mã “ngấp nghé” tiêu chuẩn của quỹ?

Vì sao Market Vectors Vietnam ETF được đổi tên?

* Kết quả đảo danh mục quý 1/2016: VNM ETF thêm 2 loại 2, tổng tỷ trọng cp Việt Nam tăng lên gần 85%

Ông Nguyễn Hồng Điệp, Thành viên điều hành Môi giới Tư vấn - Khối KHCN thuộc CTCP Chứng khoán VNDirect (VND), dự báo sẽ không có mã nào bị loại ra khỏi danh mục VanEck Vectors Vietnam ETF trong kỳ này vì hiện tại số lượng cổ phiếu trong danh mục là 25 mã, mức tối thiểu theo qui định.

Ở chiều ngược lại, ông Điệp cũng cho biết sẽ không có mã nào được thêm mới trong kỳ đảo danh mục lần này, mặc dù cả 2 ứng viên là TTFHSG đều đạt điều kiện vốn hóa, nhưng không đạt điều kiện thanh khoản của kỳ xem xét và 2 kỳ liền kề, cụ thể giá trị giao dịch phải đạt tối thiểu 1 triệu USD/ngày.

Về tỷ trọng thì những mã như VIC, SSI, SBT, PVS, PVT sẽ bị bán từ 1-1.5 triệu đơn vị/mã. Còn ở chiều tăng thêm sẽ là những cái tên như STB, VCB, HAG. Nhìn chung, danh mục kỳ này sẽ không có biến động lớn.

Cũng theo nhận định của ông Điệp, kỳ đảo danh mục lần này của 2 quỹ ETF hầu như sẽ không gây tác động nào lên TTCK Việt Nam. Mối quan tâm lớn nhất của thị trường hiện nay là liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có nâng lãi suất hay không. Cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra vào ngày 14-15/06 tới sẽ ảnh hưởng khá lớn đến tâm lý thị trường. Khả năng Fed tăng lãi suất vẫn chỉ là 5/5.

Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp Fed có tăng lãi suất, thì cũng chỉ là 0.25%. Các tác động tiêu cực như hồi tháng 12/2015 ít có khả năng xảy ra. Còn về trong nước, việc ban hành Thông tư 06 sẽ tác động tốt đến dòng cổ phiếu bất động sản (BĐS) và Vật liệu Xây dựng. Ngoài ra, dòng Ngân hàng cũng sẽ hưởng lợi từ chính sách này.

Cùng chung với quan điểm trên, ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Phân tích Thị trường CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI) cho biết, xét về tổng thể, kỳ review quý 2 của VNM ETF không có xáo trộn nhiều nên sẽ không ảnh hưởng đến thị trường. Theo đó, MV Index Solutions (MVIS) sẽ giữ nguyên danh mục VNM ETF tại kỳ đảo danh mục lần này.

Tuy nhiên, BSI lưu ý về trường hợp nếu VNM ETF giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục ở mức 84.2% tương đương kỳ trước, thì quỹ sẽ rút ra khoảng 10 triệu USD trong kỳ cơ cấu này để mua bù ở các cổ phiếu nước ngoài có trong danh mục. Khả năng này không cao vì quỹ ETF VNM đang có xu hướng nâng dần tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục ở các kỳ review gần đây. Dù vậy, nếu điều này xảy ra sẽ có 1 lượng tiền rút ra và sẽ ảnh hưởng đến thị trường khi thanh khoản yếu và hiện tượng hụt cung ở phiên ATC ngày giao dịch cuối cùng có thể xảy ra.

Theo ông Khoa, các cổ phiếu tăng/giảm tỷ trọng đáng lưu ý gồm có: VIC giảm tỷ trọng 0.7%, bán ra 1.1 triệu cp, NT2 giảm tỷ trọng 0.5%, bán ra 1.2 triệu cp, FLC giảm tỷ trọng 0.2%, bán ra 2.3 triệu cp, ITA giảm tỷ trọng 0.1%, bán ra 2 triệu cp; VCB tăng tỷ trọng 0.3%, mua vào 0.6 triệu cp và SSI tăng tỷ trọng 0.3%, mua vào gần 1 triệu cp.

Danh mục thay đổi dự kiến của rổ VNM ETF

Tương tự, ông Trần Xuân Bách, Chuyên viên Phân tích và Chiến lược Thị trường CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVS) dự báo nhiều khả năng sẽ không có cổ phiếu nào được VNM ETF thêm vào danh mục trong đợt xem xét lần này do không đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đặt ra của quỹ. Đồng thời, cũng sẽ không có cổ phiếu nào bị loại ra khỏi danh mục trong đợt review lần này.

Ông Bách cho biết, hiện tại tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục của quỹ đang chiếm gần 87.1%. Theo đó, nhiều khả năng VNM ETF sẽ tiếp tục giữ nguyên tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam ở mức 84.19% nếu không có cổ phiếu nước ngoài nào được thêm mới. Trong trường hợp này, quỹ sẽ phải bán giảm tỷ trọng các cổ phiếu Việt Nam trong danh mục.

Dự báo danh mục dựa trên giá đóng cửa ngày 18/05/2016

Theo số liệu đóng cửa tại ngày chốt dữ liệu (27/05/2016), ông Huỳnh Ngọc Thương, Trưởng phòng Phân tích CTCP Chứng khoán Nhất Việt (VFS), dự báo MVIS sẽ giữ nguyên danh mục của VanEck Vectors Vietnam ETF.

Ông Thương cho biết, với danh mục hiện tại bao gồm 25 mã trong đó có 21 cổ phiếu Việt Nam và 4 cổ phiếu nước ngoài (offshore), nếu tại kỳ review này, số lượng cổ phiếu nước ngoài trong danh mục giảm thì quỹ phải bổ sung bằng cổ phiếu Việt Nam (những cổ phiếu chưa đủ điều kiện thêm vào) để đủ số lượng tối thiểu 25 mã. Trong trường hợp đó, tổng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong danh mục sẽ gia tăng. Ngược lại, nếu số lượng cổ phiếu nước ngoài tại kỳ review lần này tăng, tổng tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ giảm.

Dự báo khối lượng mua/bán từng cổ phiếu

Ông Thương lưu ý số liệu mua/bán dự kiến trên chỉ mang tính chất tham khảo. Biến động giá và giao dịch từ thời điểm dự báo đến thời điểm quỹ chốt số liệu tái cơ cấu danh mục (08/06/2016) có thể làm thay đổi kết quả dự báo trên. Theo ông, có thể có sai số lớn ở các mã STB, KDCHHS do số liệu free float dự báo sai lệch với số liệu của quỹ./.

Các tin tức khác

>   VHL: Andbanc Investments Sif-Vietnam Value And Income Portfolio đăng ký mua 500,000 CP (06/06/2016)

>   Hoàn tất thoái vốn khỏi HPG, Private Equity New Markets II thu về 685 tỷ đồng? (06/06/2016)

>   E1VFVN30: Mức sai lệch so với chỉ số tham chiếu tuần từ 27/5/2016 đến 3/6/2016 (06/06/2016)

>   VHL: Andbanc Investments Sif-Vietnam Value And Income Portfolio muốn gom 500,000 cp (06/06/2016)

>   GTN vào rổ FTSE Vietnam Index (03/06/2016)

>   Hai cá nhân bán 40% vốn CTCP Quản lý quỹ Hợp Lực Việt Nam (03/06/2016)

>   Tiếp diễn câu chuyện đầu tư của các quỹ tại HPG và DLG (03/06/2016)

>   PV2: Quản lý Quỹ PVI đã bán gần 12 triệu cp (02/06/2016)

>   Private Equity New Markets II K.S tiếp tục thoái hết 8 triệu cp HPG (02/06/2016)

>   FTSE đảo danh mục: Những dự báo trái chiều! (31/05/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật