Thứ Tư, 08/06/2016 16:09

Xét xử 32 nguyên cán bộ hải quan

Hôm nay 8-6 Tòa án nhân dân TPHCM đã bắt đầu phiên xử 46 bị cáo về tội buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ… nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong số này có 32 bị cáo nguyên là cán bộ, công chức ngành hải quan. Cơ quan chức năng xác định các bị cáo này đã nhận tiền từ các doanh nghiệp để ký khống hồ sơ.

Các bị cáo tại phiên tòa khai mạc hôm nay, 8-6. Ảnh: Hoài Hương

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM xác định, Công ty cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn (Công ty CP TPCN Sài Gòn – có 51% vốn góp của Nhà nước) do ông Lê Dũng làm giám đốc đã có hành vi ký hợp đồng mua bán thuốc lá khống của Công ty TNHH Thương mại MTV Lâm Kim Ngọc. Số hàng này chịu thuế GTGT 10% sau đó đã được Công ty Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn ký bán cho hai công ty ở Campuchia, có thuế GTGT là 0% để xin hoàn thuế GTGT tại Cục thuế TPHCM.

Trên thực tế, ông Lê Dũng đã câu kết với Trần Thị Bích Tuyền, Giám đốc Công ty TNHH Đại Đắc Tài, và Lâm Tuấn Phát, Giám đốc Công CP Cảnh Phong, để thực hiện lập, ký các hợp đồng mua bán khống.

Bên cạnh đó, các bị cáo kể trên còn câu kết thực hiện hành vi xuất khẩu đi Campuchia 20 tấn gạo trị giá 190 triệu đồng qua cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3 nhưng khai báo là 3.000 thùng thuốc lá, trị giá 25,5 tỉ đồng. Hành vi này bị Cục Điều tra chống buôn lậu phát hiện.

Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM xác định, số tiền hoàn thuế mà các bị can chiếm đoạt của Nhà nước là gần 126 tỉ đồng, trong đó đã nhận hơn 80 tỉ đồng và vẫn còn 45,6 tỉ đồng chưa kịp rút ra. Ngoài ra, dựa vào các quyết định hoàn thuế, các bị cáo này còn chiếm đoạt hơn 12,2 tỉ đồng cho hàng thực phẩm khác nhưng cơ quan điều tra chưa làm rõ được và sẽ xử lý ở một vụ án khác.

Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM xác định, để thực hiện trót lọt các hành vi trên các bị cáo đã dùng gần 12,5 tỉ đồng để đưa hối lộ các cho bị cáo nguyên là cán bộ công chức hải quan; tong đó có ba cán bộ thuộc Cục Hải quan TPHCM và 30 cán bộ thuộc Cục Hải quan tỉnh An Giang.

Cụ thể, ở Cục Hải quan TPHCM, ông Nguyễn Tiến Lộc, nguyên công chức Hải quan Cảng Sài Gòn - Khu vực IV, TPHCM (ICD Transimex), theo khai báo của các bị cáo khác, đã nhận 20% tiền thuế GTGT của lô hàng xuất khẩu, tương đương 10,2 tỉ đồng, để vị công chức này không kiểm hóa lô hàng trên và ghi xác nhận khống hàng đã kiểm hoá, đúng khai báo.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Lộc không thừa nhận hành vi sai phạm và không thừa nhận đã nhận số tiền hơn 10,2 tỉ đồng trên mà cho rằng chỉ nhận tiền bồi dưỡng, mỗi lần không quá 1 triệu đồng.

Cơ quan chức năng xác định do không đủ cơ sở buộc tội nhận hối lộ nên bị cáo Nguyễn Tiến Lộc chỉ bị truy cứu tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Theo điều 281, Bộ Luật Hình sự, tội này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm. Khi hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì phạt tù từ 10 đến 15 năm.

Trường hợp của ông Lê Hà, công chức Hải quan Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn khu vực IV, được xác định là tiếp nhận hồ sơ, ký duyệt và trình cho lãnh đạo duyệt lệnh hình thức kiểm tra 10% hàng hóa của các tờ khai hải quan cho Công ty Công nghệ Thực phẩm Sài Gòn xuất khẩu 3.000 thùng thuốc lá dù công ty này chưa có giấy phép của Bộ Công Thương. Hành vi này được cơ quan điều tra xác định chưa đủ cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà chỉ là “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo điều 285, Bộ Luật Hình sự, ông Hà có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu hậu quả nghiêm trọng mới có thể bị phạt tù từ 3 đến 12 năm.

Còn ông Đinh Văn Trí, công chức Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn – khu vực IV (người được tuyển dụng vào ngành từ năm 1989), đã thừa nhận không mở container và mở từng kiện hàng theo tỉ lệ được phê duyệt, chỉ xem bên ngoài, nhưng đã ký xác nhận đã kiểm hóa theo yêu cầu của công chức làm cùng và đã được mời đi ăn uống và bồi dưỡng 1 triệu đồng.

Trong khi đó, 29 cán bộ công chức thuộc Cục Hải quan An Giang bị truy tố hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong đó, cơ quan chức năng xác định, với vị trí là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang, ông Nguyễn Văn Biên đã móc nối và nhận tiền từ các đối tượng, sau đó chỉ đạo cho nhiều cấp dưới xác nhận khống vào 92 tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu của Công ty Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn qua Campuchia để nhận tiền với tỷ lệ 0,3% giá trị hàng hoá ghi trên tờ khai, tương đương hơn 1,1 tỉ đồng.

Sau đó, ông này đưa 5%, tức hơn 55 triệu đồng vào bếp ăn tập thể và chi phí tiếp khách, phần còn lại chia làm 8 phần, trong đó mình nhận nhiều nhất, 23%, các cán bộ cấp phó và đội trưởng nhận 11%, phần còn lại chia đều cho cán bộ công chức trực kiểm hóa và giám sát. Trong quá trình điều tra, gia đình ông Nguyễn Văn Biên đã nộp 10 triệu đồng vào tài khoản của Cơ quan điều tra để khắc phục một phần hậu quả.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phi Công, Phó chi cục trưởng, được chia 116,7 triêu đồng khi tham gia vào “đường dây” trên đã được gia đình nộp lại 118 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả.

Hay ông Thái Thanh Nguồn, Phó chi cục trưởng, người được chia số tiền 116,7 triệu đồng, và gia đình đã nộp lại 50 triệu đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Lâm, Đội trưởng Đội nghiệp vụ, được chia hơn 23 triệu đồng; ông Nguyễn Văn Thanh, Đội trưởng Đội tổng hợp, được chia hơn 4,1 triệu đồng và gia đình đã nộp 4,3 triệu đồng; ông Lê Khương Toàn, công chức được chia 20,4 triệu đồng và gia đình đã nộp 40 triệu đồng để khắc phục hậu quả (ông Toàn đang bị Cơ quan An ninh điều tra của Bộ Công an khởi tố trong một vụ án khác); nguyên công chức Trương Quang Tín được chia gần 25 triệu đồng và gia đình đã nộp 34,1 triệu đồng; nguyên công chức Phạm Tấn Tài được chia 24,3 triệu đồng...

Dự kiến phiên tòa này sẽ kéo dài 20 ngày.

Cục Thuế TPHCM làm đúng

Kết luận điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân TPHCM cũng xác định, Cục Thuế TPHCM tiếp nhận giải quyết năm bộ hồ sơ xin hoàn thuế của Công ty Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn đúng thủ tục, đúng đối tượng và là trường hợp được giải quyết xét hoàn thuế.

Các bộ phận nghiệp vụ của Cơ quan thuế tham gia vào các bước giải quyết hồ sơ hoàn thuế đã thực hiện đúng chính sách hoàn thuế GTGT và đúng quy trình xét hoàn thuế.


Minh Tâm

tbktsg

Các tin tức khác

>   Nợ công vẫn đang là vấn đề cấp bách (08/06/2016)

>   TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét thưởng hơn 10.000 tỷ đồng (08/06/2016)

>   Trình Chính phủ miễn thuế cho 20 ôtô của doanh nghiệp Xuân Trường (07/06/2016)

>   5 tháng đầu năm: Bội chi ngân sách hơn 70,000 tỷ đồng (07/06/2016)

>   Cơ quan thuế phải trả lại tiền thu sai (07/06/2016)

>   Giảm 3,3%, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu tiếp tục "hụt hơi" (06/06/2016)

>   Chính phủ lên kế hoạch vay 254,000 tỷ đồng để bù đắp bội chi trong năm 2016 (06/06/2016)

>   Thuế nhập khẩu 19 dòng linh kiện, phụ tùng ôtô có thể tăng kịch trần (06/06/2016)

>   Được tuyên dương nộp thuế tốt: Vẫn bị kiểm tra trước khi hoàn thuế! (04/06/2016)

>   Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách 2017 (03/06/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật