Thứ Ba, 26/04/2016 17:20

Ma trận lãi suất margin

Biểu phí dịch vụ tài chính là một trong những yếu tố có ảnh hưởng khá lớn đến quyết định lựa chọn công ty chứng khoán của nhà đầu tư. Cũng chính vì vậy, ma trận lãi suất margin lại càng trở nên đa dạng và nhiều chiều.

Bề nổi của tảng băng trôi

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, mức lãi suất giao dịch ký quỹ mà các công ty chứng khoán cung cấp có sự chênh lệch nhất định. Theo thống kê của người viết, mức lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ dao động từ 9.9 - 14%/năm theo thông báo trên website của các công ty chứng khoán.

Trong đó, KIS là công ty đưa ra mức lãi suất thấp nhất là 0.0275%/ngày tương ứng 9.9%/năm. Có lẽ mức lãi suất rất hấp dẫn này đã có tác động không nhỏ đến khả năng thu hút khách hàng của công ty. Hết quý 1/2016, KIS nằm trong top 10 CTCK có thị phần môi giới cao nhất trên cả hai sàn với thị phần là 4.2% trên sàn HOSE và 7.1% trên sàn HNX.

Một số CTCK khác lại đưa ra mức lãi suất khá cao, tầm 14-14.5/năm% như HCM hay VND. Khoảng cách chênh lệch giữa mức lãi suất thấp nhất và cao nhất (khoảng 5%/năm) khiến cho không ít nhà đầu tư băn khoăn khi lựa chọn công ty quản lý tài khoản chứng khoán cho mình.


Lãi suất margin được công bố trên website của một số CTCK

Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng trôi. Trên thực tế, có sự chênh lệch giữa thông tin công khai trên website với mức lãi suất thực mà khách hàng phải trả. Ngoài ra, còn có sự khác biệt rất lớn giữa lãi suất margin mà công ty chứng khoán đưa ra đối với các nhân viên môi giới, hoặc thậm chí giữa các khách hàng của cùng một môi giới.

Một số nhân viên môi giới cho biết mặc dù trên website công bố mức lãi suất giao dịch margin là 14%, nhưng nếu là khách hàng có tài khoản lớn, thì lập tức lãi suất margin sẽ được giảm xuống mức rất mềm, là 11-12% thậm chí với khách hàng quan trọng thì chỉ còn khoảng 9%. Việc giảm lãi suất margin không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào tài khoản của khách hàng có lớn hay không mà nhiều khi còn phụ thuộc vào môi giới hay khách hàng có chịu khó thỏa thuận, làm giá với công ty.

Nói chung, sẽ có nhiều yếu tố để phân hạng khách hàng, phân hạng môi giới từ đó lãi suất margin cũng chia thành nhiều tầng lớp khác nhau. Và lẽ dĩ nhiên, khách hàng được xem là khách VIP cũng nhận được nhiều chính sách hỗ trợ hơn, nhằm mục tiêu giữ chân khách hàng lại với công ty.

Việc áp dụng mức lãi suất cạnh tranh cũng được xem là yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng. Bởi thế mà một số công ty đã đưa ra các mức lãi suất margin khá linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Điển hình là trường hợp của CTCK Rồng Việt (VDS), sản phẩm dịch vụ tài chính mà VDS cung cấp được chia thành nhiều phân khúc khác nhau, cơ cấu sao cho phù hợp với từng đối tượng, bao gồm 3 loại là margin thông thường, margin linh hoạt và margin 9.9. Trong các sản phẩm này, margin 9.9 có mức lãi suất thấp nhất tương ứng 0.0275%/ngày, tuy nhiên kỳ hạn của hợp đồng vay chỉ có 15 ngày. Đối với sản phẩm margin linh hoạt thì kỳ hạn hợp đồng là 1 tháng và mức lãi suất thay đổi từ 0.03%/ngày đến 0.033%/ngày. Riêng sản phẩm margin thông thường thì cơ bản giống với sản phẩm margin của các CTCK khác với mức lãi suất 0.034%/ngày và kỳ hạn 3 tháng. 

Mới gần đây, CTCK Kỹ Thương (TCBS) đưa ra chương trình ưu đãi vay margin với lãi suất 9.9%/năm bắt đầu từ ngày 05/11/2015 đến ngày 05/02/2016 và thời hạn hưởng lãi suất ưu đãi có thể lên tới 6 tháng, đến hết ngày 30/04/2016. Tổng giá trị gói vay của chương trình là 300 tỷ đồng. Đáng chú ý, hạn mức tối đa cho mỗi khách hàng của TCBS có thể đạt mức 36 tỷ đồng.

Chuyện giải chấp cổ phiếu, có phải CTCK muốn là bán?

Câu chuyện giải chấp khi giá cổ phiếu lao dốc luôn là điều khiến các nhà đầu tư lo lắng. Về phía các CTCK, để giữ vị thế an toàn cho mình, họ buộc phải bán giải chấp để thu hồi khoản vay trong trường hợp khách hàng không thực hiện các biện pháp nhằm nâng tỷ lệ ký quỹ lên mức an toàn.

Thế nhưng, khách hàng là thượng đế. Sự cạnh tranh để giành giật thị phần ngày càng gay gắt đã khiến một số CTCK có quy mô nhỏ phải tìm đủ mọi cách để tránh phật lòng khách hàng. Do đó, không phải cứ giá cổ phiếu rớt xuống ngưỡng giải chấp là những công ty này sẽ lập tức bán ra.

Ai dám bán? Bán rồi khách hàng bỏ đi thì công ty lấy đâu ra doanh thu?”, một môi giới chia sẻ.

Chính vì vậy, khi giá cổ phiếu rớt xuống nhưng chưa tới ngưỡng giải chấp, các CTCK đã có muôn hình vạn trạng động thái báo động cho khách hàng như gửi tin nhắn, email. Bên cạnh đó, khi gần chạm tới ngưỡng giải chấp, nhân viên môi giới sẽ tìm cách liên lạc bằng điện thoại hay gặp trực tiếp nhằm động viên tinh thần để khách hàng chủ động xử lý tài khoản của mình.

Sau khi tìm đủ mọi cách để nhận được sự đồng ý bán cổ phiếu, thì CTCK mới thực hiện bán ra. Thế nhưng, để đảm bảo lợi ích của khách hàng, môi giới phải theo sát thị trường để lệnh bán giải chấp có thể khớp lệnh ở mức giá cao nhất.

Xét về khía cạnh pháp lý, khi ký hợp đồng margin, nhà đầu tư đã cam kết rằng CTCK có quyền giải chấp khi tỷ lệ tài sản/nợ vay nằm dưới mức an toàn tối thiếu. Vì vậy, một số công ty dựa vào quy định này để đặt sẵn các “máy chém margin” tự động bán cổ phiếu ra khi giá cổ phiếu giảm đến ngưỡng force sell. Tuy nhiên, những công ty có thị phần thấp có lẽ phải dùng chính sách mềm mỏng, linh hoạt xử lý để làm vui lòng các thượng đế. Có như thế, doanh số giao dịch không giảm sút mà nguồn vốn công ty vẫn ở mức an toàn.

Trước những khó khăn trong việc quản lý giao dịch ký quỹ, đã có CTCK đề ra các chế tài xử lý trong trường hợp khách hàng vượt tỷ lệ nợ cho phép. Đó là trường hợp của CTCK TP Hồ Chí Minh (HSC), ngoài mức lãi suất margin công ty đề xuất là 0.04%/ngày tương ứng hơn 14%/năm, khi khách hàng để tỷ lệ nợ vượt mức cho phép sẽ phải chịu lãi suất gấp 1.5 lần so với mức bình thường. /.

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu bất chợt bị hủy niêm yết: UPCoM đã là cửa thoát? (14/04/2016)

>   Các chiến lược đầu tư điển hình với nhóm Momentum (15/03/2016)

>   Nghề môi giới chứng khoán có gì vui? (14/03/2016)

>   Phân hóa và sự dẫn dắt (09/03/2016)

>   Bí quyết đầu cơ “cổ phiếu nóng” (29/02/2016)

>   Những câu hỏi cần trả lời trước khi quyết định rút khỏi thị trường (08/02/2016)

>   Những dấu hiệu kinh điển của “thị trường con gấu” (07/02/2016)

>   9 bài học giúp bạn thành công như Sói già Phố Wall (09/02/2016)

>   Những thương vụ “lướt sóng” ấn tượng năm Ất Mùi (04/02/2016)

>   Tài chính hành vi: Những bước phát triển quan trọng (02/03/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật