Những thương vụ “lướt sóng” ấn tượng năm Ất Mùi
Đầu tư “lướt sóng” hay liên tục mua vào – bán ra cổ phiếu nhằm kiếm lời thông qua chênh lệch giá trong một thời gian ngắn không phải là điều lạ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt càng không phải điều “mới mẻ” với những nhà đầu tư tổ chức, những người có kinh nghiệm “chinh chiến” trên thị trường. Trong năm 2015 vừa qua đã có những thương vụ chớp nhoáng để lại ấn tượng “sâu sắc” đối với nhà đầu tư.
“Lướt sóng”, “đánh theo T+” không phải là thuật ngữ mới đối với những nhà đầu tư trên thị trường, càng không mới đối với những nhà đầu tư có kinh nghiệm. Đặc biệt khi thị trường chứng khoán hay một số cổ phiếu nhất định có biến động mạnh, đây là những phương pháp được rất nhiều nhà đầu tư (NĐT), bao gồm cả NĐT cá nhân hay tổ chức ưu chuộng, bởi khả năng sinh lời trong thời gian ngắn.
Tuấn Lộc và nghi ngờ “game” thâu tóm với CII
Một trong những thương vụ để lại ấn tượng nhiều nhất năm 2015 có lẽ là thương vụ lướt sóng cổ phiếu CII - CTCP ĐT Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM của CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc, bởi khi đó, việc “lướt sóng” là điều mà nhà đầu tư chưa từng nghĩ tới khi Tuấn Lộc gom cổ phiếu CII, thay vào đó là nghi vấn về ý định thâu tóm doanh nghiệp.
Câu chuyện về Tuấn Lộc và CII bắt đầu từ cuối tháng 6/2015, sau khi Tuấn Lộc công bố chính thức trở thành cổ đông lớn của CII khi mua 11.5 triệu cp, ứng với tỷ lệ 5.89%. Và chỉ trong vòng nửa tháng sau đó với 5 lần mua vào, Tuấn Lộc đã nâng tỷ lệ sở hữu tại CII lên gần 22 triệu cp, tương đương 12.5% và trở thành cổ đông lớn nhất của CII tại thời điểm đó. Khi đó, thị trường còn rộ lên nghi ngờ về ý định thâu tóm CII từ đơn vị này, chưa kể TGĐ Lê Quốc Bình cũng liên tục nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu.
Khi mà thị trường đang hứng khởi với “game” thâu tóm thì Tuấn Lộc đã bất ngờ bán ra nhanh chóng trong 3 ngày liên tiếp, từ 14 đến 16/07, tương ứng lần lượt bán 8.1 triệu, 3.7 triệu và 10.9 triệu cp CII, qua đó tỷ lệ sở hữu giảm từ 12.5% xuống 0.8%. Điểm đặc biệt là thời gian giao dịch vừa vặn với giới hạn chậm nhất 7 ngày sau giao dịch phải công bố thông tin.
Diễn biến giao dịch của cổ phiếu CII 1 năm gần đây
|
Việc gom cổ phiếu của Tuấn Lộc đã đưa giá cổ phiếu CII lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2015. Nhưng ngay sau khi kết quả giao dịch được công bố, nghi ngờ về “game” thâu tóm được thay bằng một thương vụ “lướt sóng” thì giá cổ phiếu CII bắt đầu “thoái trào”. Với những biến cố liên quan đến hoạt động kinh doanh gần đây, đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu CII chỉ còn giao dịch quanh ngưỡng 21,000 đồng/cp, giảm gần 20% so với mức đỉnh.
Theo mức giá đóng cửa của cổ phiếu CII tại những ngày giao dịch của Tuấn Lộc, mức lợi nhuận ước tính của đơn vị này thu về khoảng 70 tỷ đồng.
Lướt sóng “giỏi” như SHN
Khác với câu chuyện giữa CII và Tuấn Lộc, thương vụ “lướt sóng” của SHN lại nhắm vào các công ty chưa niêm yết và là một trong những thương vụ mang về khoản lợi nhuận cao nhất trong thời gian ngắn nhất.
Đầu tháng 11/2015, SHN công bố Nghị quyết HĐQT về việc mua gần 6.6 triệu cp của CTCP Sapa Hưng Yên do CTCP Sapa Việt Nam sở hữu với giá 15,000 đồng/cp. Sau đó 6 ngày, HĐQT SHN bất ngờ thông báo chuyển nhượng toàn bộ số cp mới mua này với cái giá “giật mình”, 42,000 đồng/cp, gấp 2.8 lần giá mua trước đó. Điều đặc biệt hơn cả là Sapa Hưng Yên chỉ mới được thành lập từ 30/09/2015. Vài ngày sau đó, vẫn với “công thức” trên, SHN thu về gần 80 tỷ lợi nhuận từ đầu tư cổ phiếu của CTCP Tân Hoàng Cầu.
Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, SHN đã thu về con số lợi nhuận khủng đến 250 tỷ đồng thông qua hai đợt lướt sóng trên, tương ứng với tỷ lệ sinh lời lên tới 3 con số. Và điều này cũng đủ để SHN trở thành “thiên tài” lướt sóng trong năm 2015.
Đáng chú ý hơn, nếu thương vụ của Tuấn Lộc khiến NĐT liên tưởng đến “game” thâu tóm, đẩy cả thanh khoản lẫn giá của cổ phiếu lên cao nhất từ đầu năm cũng chỉ mang về cho đơn vị này khoảng 70 tỷ đồng lợi nhuận thì SHN chỉ “nhẹ nhàng” bằng hai Nghị quyết mua – bán cũng thu về gấp nhiều lần con số này.
SAM và HFC Việt Nam: Kịch bản có đang lặp lại?
Sự xuất hiện của HFC tại CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (HOSE: SAM) bắt nguồn từ việc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT), cổ đông lớn nhất của SAM đăng ký thoái vốn hồi cuối tháng 8/2014. Khi đó, HFC nâng mức nắm giữ lên gần 25 triệu cp, tương đương hơn 19% cổ phần SAM.
Đến tháng 01/2015, HFC Việt Nam đã bắt đầu động thái “thoát hàng” khi liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu SAM. Đến ngày 16/06, HFC Việt Nam đã bán toàn bộ hơn 4 triệu cp còn lại và không còn nắm giữ cổ phiếu của SAM.
Câu chuyện thoái vốn khỏi khoản đầu tư này của HFC Việt Nam tưởng chứng đã đến hồi kết thì đến cuối tháng 7/2015, đơn vị này tiếp tục mua vào gần 5 triệu cp SAM. Trong khoảng thời gian từ cuối tháng 10 – cuối tháng 11/2015, HFC Việt Nam nâng sở hữu lên 14 triệu cp, tương đương 7.71% và tiếp tục đăng ký mua thêm 23 triệu cp cho đến hết năm 2015 (30/12/2015).
Kịch bản của đợt “gom hàng” cuối năm 2015 khá tương đồng so với khi VNPT thoái vốn vào cuối năm 2014, liệu kịch bản mua vào – bán ra ngay sau đó có tiếp tục lập lại? Do không biết chắc chắn thời điểm giao dịch cụ thể của HFC Việt Nam nên khó có thể ước tính mức lợi nhuận thu được nhưng nếu nhìn vào khoảng thời gian giao dịch thì dễ dàng thấy được vùng giá bán ra của HFC Việt Nam trong giai đoạn đầu năm và tháng 6/2015 cao hơn nhiều so với vùng giá 8,000 đồng/cp tại thời điểm HFC mua vào lần đầu (cuối tháng 8/2014).
Diễn biến giao dịch của cổ phiếu SAM trong năm 2015
Giai đoạn mà HFC Việt Nam thoái vốn khỏi SAM tại thời điểm đầu năm đang cao hơn so với giai đoạn HFC Việt Nam quay lại gom cổ phiếu SAM tại thời điểm cuối năm (Mũi tên màu xanh biểu thị vùng giá HFC Việt Nam mua vào và mũi tên màu đỏ biểu thị vùng giá HFC Việt Nam bán ra).
|
Những “cuộc chơi” thế hệ 9x
Tiếp tục câu chuyện về những thương vụ “lướt sóng” đình đám, nếu bỏ qua những NĐT cá nhân thì thật là thiếu sót cho bức tranh của năm 2015, đặc biệt là những vụ “lướt sóng” với những NĐT có tuổi đời còn rất trẻ.
Mới đây nhất là vị TGĐ sinh năm 1990 Lâm Văn Đỉnh của CTCP Đầu tư và Phát triển Phú Việt - tổ chức có liên quan đến CTCP Long Hậu (HOSE: LHG). NĐT trẻ tuổi này đã liên tục mua vào – bán ra 4 lần với khối lượng hàng trăm ngàn cp mỗi lần chỉ trong 4 phiên giao dịch, từ 2/12 – 7/12. Theo thị giá của cổ phiếu LHG lúc bấy giờ trong khoảng 15,100 – 15,400 đồng/cp, giá trị ước tính mỗi lần mua – bán cổ phiếu lên tới hàng chục tỷ đồng.
Một thương vụ của NĐT 9x khác cũng đình đám không kém là ông Lê Tuấn Anh, sinh năm 1994. Nhà đầu tư cá nhân mới 20 tuổi này đã trở thành cổ đông lớn của CTCP SCI (HNX: S99) kể từ 22/9 sau khi nhận chuyển nhượng xong gần 4.73 triệu cp (tỷ lệ 12.78%) từ VietinBank Capital. Tuy nhiên, mới làm cổ đông lớn được vỏn vẹn 2 ngày, ông Lê Tuấn Anh đã bán ra 2.9 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 4.94% và không còn là cổ đông lớn của S99. Ước tính theo thị giá của cổ phiếu S99, NĐT 9x này có thể đã bỏ túi khoảng 2 tỷ đồng./.
|