Môi giới chứng khoán: Nếu đêm chưa mơ về bảng điện, hãy đi tìm nghề khác
Trên một bãi biển tuyệt đẹp bên bờ Đại Tây Dương, có rất nhiều chiếc du thuyền đậu san sát. Có du khách hỏi người dân địa phương: “Du thuyền của ai thế nhỉ?”. Họ trả lời là du thuyền của mấy tay môi giới chứng khoán.
Người du khách rất ngạc nhiên nói: “Tôi tưởng du thuyền này phải của mấy ông chủ nhà băng, chủ các công xưởng hay chủ các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán chứ”. Dân địa phương cười và đáp rằng: “Các ông chủ nhà băng thì bận đối phó với stress test, các ông chủ nhà máy thì lo sản xuất, các ông chủ công ty niêm yết thì chỉ ôm giấy, làm gì có tiền. Chỉ có môi giới là có tiền mua du thuyền mà thôi”.
Có thực là nghề môi giới chứng khoán (MGCK) giàu sang như vậy hay không? Chúng ta hãy cùng theo dõi những chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Điệp – Thành viên điều hành Khối Môi giới và Tư vấn – CTCK VNDIRECT (VND).
Ông Nguyễn Hồng Điệp – Thành viên điều hành Khối Môi giới và Tư vấn – CTCK VNDIRECT (VND)
Môi giới chứng khoán – thuở sơ khai
TTCK Việt Nam thực sự sôi động từ năm 2006 sau sự kiện Việt Nam gia nhập tổ chức WTO. Nhiều người biết đến và bắt đầu lao vào tìm kiếm cơ hội đổi đời từ đầu tư chứng khoán. Để phục vụ nhu cầu này, một nghề mới bắt đầu xuất hiện và được gọi là “cò chứng khoán”.
Trong thời gian đầu, những người làm nghề này chỉ đơn thuần tìm kiếm những hàng hóa (đa phần là cổ phiếu OTC) rồi mua đi bán lại hoặc giới thiệu ăn chênh lệch. Các “cò chứng khoán” hầu như không có khái niệm gì về tài chính, về doanh nghiệp. Họ chỉ đơn thuần làm theo đơn đặt hàng. Có thể kể đến những tay cò nổi tiếng trong giới như vợ chồng M-Đ, cò H “dầu khí”, cò T “nông nghiệp”, cò S “bê đê”. Nhiều người trong số họ sau này đều phất lên nhanh chóng, nhưng mỗi người cũng có những số phận ly kỳ riêng.
Cùng với sự phát triển mang tính tự phát của giới cò tự do này, các công ty chứng khoán (CTCK) cũng mọc lên như nấm. Ban đầu chỉ một vài công ty sau đó đỉnh điểm có tới 104 CTCK. Các CTCK tập hợp các cò tự do lại, gọi là “họp chợ” để khách hàng mở tài khoản tại nơi đó, khi giao dịch thì phải nộp phí. Vì hầu hết là giao dịch OTC, nên mỗi chợ thu phí một kiểu.
Sự phát triển của lớp cò tự do này cũng dần đi đến thoái trào bởi các CTCK bắt đầu nhận ra miếng bánh béo bở từ mảng này. Trước đó, các CTCK chỉ có nhân viên giao dịch thực hiện lệnh mua bán của NĐT và vài nhân viên phân tích tổng hợp, thì sau này bắt đầu xuất hiện lớp nhân viên môi giới đầu tiên. Họ là những người có mối quan hệ với vài ông chủ các doanh nghiệp hay đại gia “tay to”. Họ hô hào để tập hợp các NĐT theo mình và luôn có những “minh chủ” đỡ đầu. Nếu ngoài Bắc nổi danh với H “YK” thì trong Nam có H “GMC”. Những môi giới xuất sắc nhất thời kỳ này có thể kể đến C “phòng nhì”, C “NM”, T “trọc”, B “ĐN”. Những người này về sau đều thành danh, có những người vươn lên nắm những trọng trách cao nhất tại một số CTCK.
Những góc khuất của nghề môi giới
Sau giai đoạn sơ khai với lớp môi giới gạo cội có kiến thức và quan hệ vững vàng thì đến giai đoạn thị trường bùng nổ, nghề MGCK có một sức hút mạnh mẽ kèm theo sự thay đổi lớn nhận thức của người làm nghề. Những trận đánh “kinh thiên động địa” với PVA lên 120,000 đồng/cp, KSS lên 90,000 đồng/p, AAA lên 95,000 đồng/cp, DVD lên 60,000 đồng/cp… luôn gắn với những môi giới đình đám như A KE, N Thăng Long, N SB.
Nhiều môi giới giàu lên nhanh chóng và rồi nghề MGCK lên hương.
Khi đó họ kháo nhau rằng chỉ cần chơi với một mối “đội lái” nào đó, đi hô hào khắp nơi là có thể kiếm hoa hồng bộn tiền. Các MGCK ngày đặt lệnh, tối đi nhậu, có một cuộc sống vô cùng dư giả. Lúc này mấy mớ kiến thức ở trường Đại học vứt xó, chủ yếu phải “chém” cho giỏi, “nổ” cho vang. Nhận thức về nghề môi giới thay đổi hoàn toàn. Còn NĐT thì bị lùa vào vòng xoáy của cuộc chơi không khác gì con bạc trong casino.
“Bạo phát bạo tàn”, cái gì lên nhanh quá cũng không bền. Sau phong trào “nhà nhà là tàu, người người là lái”, đến giai đoạn mất phanh của thị trường. Một loạt cổ phiếu lao dốc đến mức kinh hoàng khiến lớp môi giới “hô hào” ngã gục. Nhiều môi giới phải bỏ nghề, thậm chí vướng vòng lao lý. Có những môi giới còn rơi vào cảnh trắng tay ê chề, nợ nần chồng chất…
Đúng là chỉ khi thủy triều rút, mới biết ai không mặc quần. Môi giới lúc này mới bộc lộ đầy đủ những yếu kém của mình về kiến thức và bản lĩnh. Khiến NĐT mất lòng tin vào đội ngũ môi giới nghiêm trọng.
Những bài học này đã mang lại sự cảnh tỉnh cần thiết cho các thành viên thị trường. Các CTCK đã chăm chút hơn về quản lý chất lượng môi giới. Bản thân các môi giới cũng đã có những định hướng mới, phù hợp hơn với nghề nghiệp.
Tương lai xán lạn
Rất nhiều bạn sinh viên mới tốt nghiệp khi được hỏi về định hướng nghề nghiệp đã không ngần ngại chia sẻ rằng thời gian làm nghề MGCK chỉ là tạm thời để bước những nấc thang tiếp theo trên con đường tài chính. Sau này các bạn muốn được trở thành các chuyên viên phân tích hay quản lý quỹ.
Quan điểm này có thực sự đúng hay không?
Việc tranh luận đúng hay sai không có nhiều ý nghĩa bởi một người MGCK đích thực phải có sự hiểu biết phân tích tài chính ngang tầm một chuyên viên phân tích, có được đầu óc quản lý của một "banker", có một khả năng "sales" của một MC. Và quan trọng hơn hết, họ phải có được sự tận tâm từ trái tim, sự chính trực vô song, sự tỉnh táo cao độ. Để có thể làm được tất cả những điều đó trong một con người quả là rất khó.
Vậy phải làm gì để có thể trở thành người môi giới đúng nghĩa?
Không có con đường nào bằng phẳng mà có thể mang lại thành công. Chỉ có thể rèn luyện liên lục, học hỏi không ngừng nghỉ mới hy vọng thành đạt. Trước khi có ý định trở thành người MGCK, bạn hãy tự soi lại bản thân xem mức độ đam mê đến đâu? Nếu đêm chưa mơ về bảng điện, hãy đi tìm nghề khác.
Có đam mê là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải trau dồi tri thức. Chứ không nên dựa vào vũ khí duy nhất là “dẻo mồm” hay quan hệ rộng mà nghĩ bản thân có thể thành công với nghề. Việc trau dồi tri thức cũng phải liên tục, dù bạn là một MGCK đã có bằng thạc sĩ, thậm chí là tiến sĩ. Bạn vẫn cần bổ sung những khóa học phục vụ nghề nghiệp như CMT, CFA... Chỉ khi có đầy đủ kiến thức, bạn mới có khả năng mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng.
Ngoài ra, bản thân các môi giới phải tự biết tôn trọng nghề nghiệp của mình. Hãy đừng làm nó “rẻ tiền” đi. Việc cạnh tranh bằng cách hạ giá phí bằng mọi cách là rất sai lầm. Hiệu quả đầu tư của khách hàng luôn là thước đo giá trị cao nhất. Muốn có được điều này, chỉ có chất lượng tri thức mới có thể mang lại được.
Các môi giới mới vào nghề cùng phải đối mặt với định kiến xã hội bởi họ sẽ bị gán với với tên“cò chứng khoán”. Thực sự đâu đó có những “con sâu làm rầu nồi canh”, vẫn có những môi giới đặt lợi ích cá nhân lên cao làm ảnh hưởng đến cái nhìn của xã hội đối với nghề. Nhưng những người như thế sẽ bị đào thải tự nhiên.
Các CTCK cũng phải có định hướng phát triển nghề nghiệp mới. Nếu trước đây quan hệ giữa môi giới và Công ty là quan hệ cộng sinh, thì nay phải biến thành quan hệ tập thể. CTCK nào muốn thành công, phải chú trọng đào tạo con người, phải coi nhân viên môi giới là một phần thân thể mình. Chỉ khi đó, sự gắn kết mới bền chặt.
Con đường thành công của nghề MGCK rất chông gai. Nhưng một khi đã có đam mê và định hướng đúng, chắc chắn sẽ mang lại những thành quả vang dội cho các bạn.
Năm 2016 hứa hẹn có rất nhiều thách thức, nhưng đây chính là cơ hội để các bạn có thể trưởng thành, có thể làm lên nghiệp lớn./.
|