Thứ Ba, 05/01/2016 13:00

Những cổ phiếu khiến nhà đầu tư “ngậm đắng” trong năm qua

Bất ngờ báo lỗ nặng, Chủ tịch bị bắt, Tổng giám đốc viết tâm thư hay “được” ETF mua nhầm… là những biến cố “sốc” đã diễn ra trên thị trường chứng khoán trong năm 2015. Đi kèm với đó, giá cổ phiếu đã rơi mạnh khiến không ít nhà đầu tư phải ngậm trái đắng.

Ai tham gia đầu tư đều hiểu rằng, bên cạnh những phút giây thăng hoa khi thị trường chứng khoán (TTCK) đẩy chúng ta lên đến tột đỉnh vinh quang thì có lúc cũng sẵn sàng vùi người ta đến vô cùng của tuyệt vọng. Trên TTCK, giá một cổ phiếu thường được quyết định bởi quy luật cung – cầu. Song, vẫn luôn tồn tại những biến cố không lường trước được, có những cổ phiếu đã biến động vượt ra ngoài tầm kiểm soát của thị trường để vẽ nên một quỹ đạo riêng. Và năm 2015 là một năm với nhiều sự kiện xảy ra như thế.

Cổ phiếu vướng vòng lao lý

Đầu tiên phải nói đến cú “trượt chân” của gã khổng lồ OGC.

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 10/2014, nhưng mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng đã diễn ra sau đó, trong suốt năm 2015. Giá cổ phiếu OGC của Tập đoàn Đại dương bị hạ “nốc ao” với thông tin ông Hà Văn Thắm, Nguyên Chủ tịch HĐQT OGC, bị khởi tố. Nỗi đau mà nhà đầu tư nắm cổ phiếu OGC dai dẳng và vẫn kéo dài cho đến hôm nay.

Cổ phiếu OGC từ “ông lớn” trong rổ VN30, có giá quanh 10,000 đồng/cp đã trở thành một “cốc trà đá” đúng nghĩa khi rớt về mức thấp kỷ lục 2,200 đồng/cp (ngày 24/08). Liên quan đến vụ việc của ông Thắm, cổ phiếu OCH cũng chịu cảnh “chung thuyền” với mức giảm hơn 52%, từ mốc 25,000 đồng xuống còn quanh 11,000 đồng/cp.

Biến động giá cổ phiếu OGC trong 2 năm qua

Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/

Còn đối với JVC của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật, mọi chuyện bắt đầu từ tháng 6/2015. Khi câu chuyện Chủ tịch Lê Văn Hướng bị tạm giam được truyền miệng, đã có hành động bán bằng mọi giá và sau đó là chuỗi ngày lao dốc không phanh cùng với những luồng thông tin chính thức dần được công bố. Từ một cổ phiếu có giá trên 20,000 đồng, JVC nhanh chóng giảm về vùng 5,000 đồng/cp. Cũng phải lưu ý, trước khi có thông tin chính thức Chủ tịch Lê Văn Hướng bị tạm giam để phục vụ điều tra thì JVC được đánh giá là cổ phiếu cơ bản tốt được nhiều công ty chứng khoán khuyến nghị mua.

Biến động giá cổ phiếu JVC trong năm qua

Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/

Bên cạnh đó, năm 2015 cũng là một năm đáng buồn cho những nhà đầu tư nào mua cổ phiếu của ngành khoáng sản vì đa số đều chung cảnh “đổ đèo”. “Tai tiếng” nhất phải kể đế bộ ba KSSPTKBAM.

Vốn đã hình thành một xu hướng giảm kể từ khi niêm yết nhưng mức độ “sát thương” cao nhất bắt đầu từ khi Chủ tịch và Kế toán trưởng Khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) là ông Nguyễn Văn Dĩnh và bà Hà Thị Thu Huyền bị khởi tố. Theo đó, KSS rớt về giá dưới 1,000 đồng/cp, tương ứng giảm hơn 81% trong năm qua.

CTCP Luyện kim Phú Thịnh (HOSE: PTK) ngoài lý do có cá nhân trong ban lãnh đạo liên quan đến Chủ tịch KSS thì con dấu công ty bị cơ quan điều tra thu giữ do có trụ sở công ty cùng địa điểm với KSS nên cổ phiếu cũng bị ảnh hưởng khá mạnh, giảm xuống còn 900 đồng/cp.

Nhưng đáng buồn nhất phải kể đến cổ phiếu BAM của CTCP Khoáng Sản và Luyện Kim Bắc Á. Vừa mới niêm yết vào cuối năm 2014 với giá chào bán 16,900 đồng/cp và hai phiên giao dịch sau đó đạt đỉnh 20,300 đồng/cp. Cũng kể từ lúc đó, BAM bắt đầu với chuỗi giảm điểm liên tục để rồi sau biến cố có liên quan đến KSS, giá cổ phiếu này chỉ còn 1,400 đồng/cp.

Bức tâm thư gây nhiều tranh cãi

Cho đến thời điểm này, cổ phiếu CII của CTCP ĐT Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM ghi nhận mức tăng xấp xỉ 20%, từ quanh vùng giá 17,000 đồng để lên 21,000 đồng/cp. Tuy nhiên, có những thời điểm trong năm, CII đã biến động khá mạnh, từng đạt đỉnh hơn 26,000 đồng/cp đúng vào thời điểm CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc liên tục gom vào trở thành cổ đông lớn. Và cũng chính từ đỉnh này, Tuấn Lộc bất ngờ bán sạch gần 23 triệu cp để thu về con số lãi khoảng 70 tỷ đồng sau 1 tháng nắm giữ, điều này đã khiến cổ phiếu CII bắt đầu lao dốc.

Sau đó không lâu, ông Lê Quốc Bình – TGĐ CII cũng đã bán gần 21 triệu cp CII để giải quyết nhu cầu cá nhân cũng như giảm tỷ lệ vay và margin. Song, chính việc liên tiếp thoái vốn và chỉ còn nắm giữ một con số rất ít cổ phần của công ty khiến vị CEO phải đối diện với khá nhiều sự lên án, oán trách, phê phán từ cộng đồng nhà đầu tư và cổ đông. Giữa bối cảnh này, trên trang mạng xã hội của doanh nghiệp, một bức tâm thư được ký tên ông Lê Quốc Bình đã được đăng tải với nội dung rất chân thành: "Mua vào cổ phiếu cũng bị chửi, bán ra cũng bị chửi, viết thư gởi cổ đông để cổ đông yên tâm với hoạt động của CII cũng bị chửi, kiểu gì cũng bị chửi, nhục vô cùng".

Cũng phải nói thêm là trong tháng 9/2015, tức thời gian ông Bình đăng ký bán cổ phiếu, giao dịch của mã CII rất khác lạ. Bằng chứng là ngày 11/09, CII khớp lệnh khủng 23.8 triệu cổ phiếu, trong phiên có tổng khối lượng đặt mua 49.4 triệu cổ phiếu chủ yếu ở 3 mức giá 23,800 đồng, 23,900 đồng và 24,000 đồng, tương ứng với khối lượng đặt mua lần lượt là 13.3 triệu, 11.55 triệu và hơn 11 triệu đơn vị. Lực cầu mạnh là vậy nhưng CII vẫn kết thúc ở mức giá tham chiếu chứ không tăng điểm.

Chưa dừng lại ở đó, hoạt động kinh doanh của CII cũng có một biến cố bất ngờ sau đó, đó là việc nhiều dự án của Công ty đã bị thanh tra. Và theo thông báo phát đi từ CII thì biến cố này cùng với khả năng Goldman Sachs chưa thực hiện chuyển đổi trái phiếu trong năm 2015 có thể khiến CII phải trích lập dự phòng tài chính (hoặc tương tự) trên 110 tỷ đồng trong quý 4/2015, dẫn đến có thể lỗ lớn trong quý cuối năm 2015.

Bất ngờ lỗ lớn hay cú “thoát xác” thần kỳ

Nếu xét trên yếu tố hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng mạnh lên giá cổ phiếu thì trong năm 2015 không thể bỏ qua mã AVF của CTCP Việt An. Ba quý đầu năm 2014 chỉ là một dấu hiệu cho thấy sự thụt lùi trong kết quả kinh doanh thì quý 4/2014 thực sự là cú sốc quá lớn cho nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này.

Theo đó, việc quý 4/2014 lỗ nặng 736 tỷ đồng đã chính thức đưa AVF đến với án hủy niêm yết có hiệu lực từ 10/06/2015. AVF cũng đã có giải trình sơ bộ về kết quả lỗ này là do bị áp thuế chống bán phá giá và định giá lại hàng tồn kho, chi phí dở dang vùng nuôi… nhưng có vẻ như nguyên nhân đó chưa đủ cơ sở để khiến một doanh nghiệp lỗ nặng đến như vậy (mức lỗ lớn nhất trên sàn niêm yết trong năm 2014). Hệ quả là cổ phiếu AVF vốn đã giảm từ năm 2014, rớt càng mạnh trong năm 2015 về mốc 700 đồng/cp (hiện dang giao dịch trên UPCoM).

Ngược lại, cổ phiếu SHN của CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội lại thể hiện một cú “thoát xác” thần kỳ. Sau khi lỗ nặng vào các năm 2010, 2011 và 2014, SHN gần như “thay da đổi thịt” bắt đầu từ quý 2 quý năm 2015 với mức lợi nhuận trước thuế 11 tháng đầu năm đạt 329.6 tỷ đồng, thực hiện được 94% kế hoạch năm (350 tỷ đồng) và hoàn thành mục tiêu xóa lỗ lũy kế 2015.

Kết quả ấn tượng đó của SHN bắt đầu có được từ khi có sự xuất hiện của một ông lớn khá nổi tiếng trên thị trường là Geleximco. Sự có mặt của Geleximco ở vị thế vừa là cổ đông lớn vừa có đại diện nắm giữ các chức vụ quan trọng trong ban lãnh đạo cao cấp SHN đã mang lại sự đảm bảo lợi nhuận hàng tháng 50-60 tỷ đồng cho SHN. Đây quả là một con số đáng mơ ước của những doanh nghiệp niêm yết hiện nay.

Mặc dù, lợi nhuận khủng của SHN vẫn còn là mối hoài nghi (doanh thu đến từ ký hợp đồng dịch vụ với CTCP Ngôi sao An Bình – công ty con của Geleximco) nhưng không thể phủ nhận kể từ khi cái tên Geleximco xuất hiện thì giá cổ phiếu SHN thay đổi một cách chóng mặt. Trước khi Geleximco đến, SHN chủ yếu giao dịch dưới 5,000 đồng/cp nhưng sau đó, SHN trở thành một trong những cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2015 với con số ấn tượng 200% (nếu tính mức cao nhất ngày 18/06 là 22,200 đồng/cp thì tăng 455%). Điều này đã biến SHN trở thành một cổ phiếu siêu nóng trong năm 2015.

Biến động giá cổ phiếu SHN từ năm 2012

Nguồn: http://ptkt.vietstock.vn/

“Được” quỹ ngoại mua nhầm

Ngoài ra, trong năm 2015 cũng chứng kiến việc chưa có tiền lệ diễn ra, tại kỳ review danh mục lần thứ 3 vào tháng 9, sự cố cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam bị loại ra khỏi danh mục của VNM ETF sau 3 ngày công bố thêm vào. Sau đó không lâu đến lượt FTSE rút BID khỏi FTSE Vietnam Index. Điều này không chỉ làm cho toàn thị trường bất ngờ mà riêng với nhà đầu tư cùng tham gia mua vào sau đợt công bố danh mục của ETFs đã chịu cú sốc rất lớn. Cổ phiếu BID đạt mức cao nhất từ khi niêm yết 28,500 đồng/cp vào ngày 15/09 (tức vài ngày sau khi quỹ ETFs đưa vào danh mục) đã lao dốc gần 30% cho đến hiện nay, xuống 20,700 đồng/cp.

Cũng phải nói thêm là BID cũng giống như CII, là một cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2015, đạt gần 77%, tăng từ vùng giá 11,700 đồng/cp.

Những quyết định “ấn tượng”

Trong năm 2015 cũng có những quyết định của doanh nghiệp tạo ra dấu ấn riêng biệt trên thị trường. Chẳng hạn, quyết định chuyển sàn niêm yết từ HNX sang HOSE trong tháng 8 vừa qua của FIT. Vấn đề của FIT nằm ở chỗ là giá cổ phiếu giao dịch tham chiếu trong phiên đầu tại sàn mới (15,000 đồng/cp) chênh lệch quá nhiều so với giá đóng cửa (12,500 đồng/cp) tại phiên cuối của sàn cũ.

Điều này tạo ra một khoảng lợi nhuận “trời cho” đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu này và đây cũng là rủi ro lớn của cổ phiếu FIT. Ngay sau khi bước chân lên sàn mới HOSE, nhà đầu tư nhanh chóng chốt lời mạnh FIT khiến cổ phiếu nằm sàn và rơi liền 20%. Hai phiên sau đó, FIT tiếp tục giảm sàn với dư bán sàn qua từng phiên đều tăng cao hơn, nâng mức giảm qua 3 phiên của FIT lên mức gần 33%.

Cũng gây tiếng vang không kém, chủ trương dùng cổ phiếu công ty con để chia cổ tức cho cổ đông công ty mẹ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) khiến cho dư luận “mổ xẻ” rất nhiều. Và “ngài thị trường” khi đó cũng có những phản ứng dành riêng cho cổ phiếu HAG, bật tăng mạnh đúng 1 phiên với thanh khoản tăng vọt rồi sau đó là quay lại với chuỗi giảm điểm liên tục. Thống kế trong năm 2015, HAG đã giảm hơn 50%, từ giá 22,200 đồng xuống còn 10,400 đồng/cp./.

Các tin tức khác

>   Những kinh nghiệm đầu tư điển hình trong năm 2015 (03/01/2016)

>   Các kênh đầu tư tốt và tệ nhất thế giới 2015 (24/12/2015)

>   Mảnh bằng MBA có quan trọng trong việc tạo dựng sự nghiệp ở Phố Wall? (22/12/2015)

>   Một năm đáng quên của tỷ phú Warren Buffett (22/12/2015)

>   “Ngài thị trường” nghĩ gì về chủ trương “chưa có tiền lệ” của HAG? (11/12/2015)

>   Ông chủ Facebook hiến tặng 99% tài sản là “khôn”? (04/12/2015)

>   Làm thế nào hạn chế tác động tiêu cực của “đội lái” lên giá cổ phiếu? (01/12/2015)

>   Curtis Macnguyen – Chân dung một nhà quản lý quỹ theo phong cách truyền thống (28/11/2015)

>   Sếp phó cùng thuộc cấp bán khống chứng khoán kiếm tiền tỷ (11/11/2015)

>   Khi công đoàn là những “đại gia” chứng khoán (04/11/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật