Thứ Tư, 04/11/2015 13:32

Khi công đoàn là những “đại gia” chứng khoán

Mới đây, công đoàn CTCP Cảng Hải Phòng (HNX: PHP) đã thông qua việc sẽ mua lại 15% cổ phần của PHP từ Vinalines, tương đương với số tiền bỏ ra xấp xỉ 1,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, công đoàn PHP không phải trường hợp “đại gia” ngàn tỷ duy nhất trên sàn chứng khoán.

Những công đoàn “đại gia”

Cuối tháng 09/2015, CTCP Cảng Hải Phòng (PHP) tổ chức Hội nghị Đại biểu người lao động bất thường năm 2015 và thông qua đề xuất của người lao động với đại diện là công đoàn được tham gia mua cổ phần của PHP tối thiểu 15% vốn do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đang nắm giữ khi thoái vốn Nhà nước.

Được biết, Vinalines hiện đang nắm giữ gần 95% cổ phần tại Cảng Hải Phòng và đang có ý định giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51%. Để làm được việc này, Vinalines sẽ bán ra khoảng 44% cổ phần PHP, tương đương gần 144 triệu cp.

Trước đó, theo phương án CPH Cảng Hải Phòng được phê duyệt, khi tiến hành IPO, công đoàn được mua 700,000 cp, tương đương 0.21% vốn điều lệ và dùng nguồn kinh phí công đoàn để mua cổ phần. Số cổ phần bán cho người lao động và cán bộ PHP theo chương trình ưu đãi khoảng 3.01%. Nếu tính cả phương án mới công bố, công đoàn và cán bộ công nhân viên (CBCNV) PHP sẽ sở hữu tới hơn 18% vốn.

Nếu như hoàn tất việc mua vào ít nhất 15% cổ phần PHP, công đoàn Cảng Hải Phòng sẽ nắm lượng cổ phiếu có giá trị xấp xỉ 1,000 tỷ đồng (tính theo giá đóng cửa ngày 03/11 của cổ phiếu PHP là 23,800 đồng/cp). Theo Nghị quyết Hội nghị, CBCNV đã thống nhất chủ trương huy động mọi nguồn lực để tham gia mua cổ phần của PHP. Nguồn tiền để mua lại cổ phần cũng bao gồm cả khoản tiền thưởng lợi nhuận giai đoạn từ 01/07/2013 - 30/06/2014 phân phối cho CBCNV. Sau đó, theo lộ trình công đoàn Cảng Hải Phòng sẽ tổ chức chuyển nhượng lại cho CBCNV theo quy định.

Tuy nhiên, PHP không phải trường hợp công đoàn “ngàn tỷ” duy nhất, một trường hợp khác có thể kể đến là công đoàn của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – VietinBank (CTG). Theo báo cáo thường niên 2014, công đoàn CTG đang sở hữu hơn 54.7 triệu cp CTG, tương đương 1.47% vốn, trong đó có 26.8 triệu cp hạn chế chuyển nhượng. Căn cứ theo giá đóng cửa ngày 03/11 (21,000 đồng/cp), số cổ phiếu mà công đoàn CTG đang sở hữu lên tới hơn 1,100 tỷ đồng.

Tại một số ngân hàng khác như Đông Á (DongABank), VietcomBank (VCB) hay EximBank (EIB)… tổ chức công đoàn cũng đều nắm giữ cổ phiếu, tuy nhiên tỷ lệ không lớn.

Không đạt con số tuyệt đối tới ngàn tỷ đồng như PHP hay CTG nhưng công đoàn CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) lại sở hữu tỷ lệ rất cao trong số các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Tỷ lệ nắm giữ tính đến hiện tại của công đoàn RAL là 39.38%, tương đương 4.53 triệu cp. Tính theo giá đóng cửa ngày 03/11 (53,500 đồng/cp) giá trị của số cổ phiếu này là hơn 246 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của RAL, HĐQT công ty cũng đã trình cổ đông để công đoàn không phải thực hiện việc chào mua công khai cổ phiếu nếu như SCIC thoái vốn. Theo kế hoạch, số cổ phần mà công đoàn RAL nắm giữ nếu mua lại cả phần của SCIC thoái vốn sẽ lên tới hơn 60%.

Vấn đề này cũng trở thành đề tài nóng tại phiên chất vấn ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, khi nhiều cổ đông tỏ ra lo ngại về mức độ dân chủ và minh bạch của RAL khi công đoàn nắm một số lượng cổ phần có quyền biểu quyết quá lớn. Tuy nhiên, theo kết quả giao dịch mới đây của SCIC, hơn 20% đã được chuyển nhượng cho 2 cổ đông cá nhân, công đoàn RAL đã không mua như dự kiến tại ĐHĐCĐ thường niên. Tuy vậy, tỷ lệ nắm giữ gần 40% cũng đưa công đoàn RAL trở thành một trong những công đoàn sở hữu tỷ lệ lớn đối với doanh nghiệp.

Công đoàn dùng tiền từ đâu để mua cổ phiếu?

Công đoàn tại doanh nghiệp là một tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân, trí thức và người lao động, đại diện cho quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động. Nhà nước quy định nguồn đóng góp từ doanh nghiệp và người lao động cho kinh phí hoạt động của công đoàn. Doanh nghiệp có trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn và người lao động có nghĩa vụ đóng đoàn phí để hình thành nguồn tài chính hoạt động của công đoàn.

Doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Trong khi đó, người lao động thực hiện đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, mức đóng đoàn phí tối đa là 10% mức lương cơ sở. Ngoài ra, kinh phí công đoàn còn có thể đến từ các nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp, tài trợ từ các tổ chức bên ngoài.

Theo quy định, công đoàn cơ sở sẽ được sử dụng 65% tổng số thu kinh phí công đoàn, 60% tổng số thu đoàn phí công đoàn và 100% tổng số thu khác của đơn vị. Hiểu đơn giản, với doanh nghiệp, quỹ lương và số CBCNV càng nhiều thì kinh phí hoạt động cho công đoàn sẽ càng lớn.

Trong khi, các chương trình bán cổ phiếu của bản thân công ty cho người lao động thường là các chương trình ưu đãi với mức giá thấp hơn nhiều so với chào bán ra ngoài thị trường, đơn cử như mức giá bán cho công đoàn PHP khi IPO, chỉ tương đương 60% giá trúng đấu giá thành công thấp nhất (khoảng 8,100 đồng/cp). Với nguồn kinh phí dồi dào, việc các công đoàn đầu tư vào chính cổ phiếu của doanh nghiệp là điều dễ hiểu, vừa đảm bảo tiếng nói của người lao động trong ban quản trị, vừa là một hình thức đầu tư trong dài hạn.

Trên thực tế, hiện nay tại một số doanh nghiệp lớn còn thành lập các công ty chuyên lo về hoạt động đầu tư tài chính cho công đoàn nhằm đảm bảo nguồn kinh phí dồi dào được sử dụng một cách hợp lý. Có thể kể đến như CTCP Đầu tư Công đoàn BIDV được thành lập 6/2007 với vốn điều lệ 1,600 tỷ đồng, CTCP Công đoàn Petrolimex (PG Invest) có vốn điều lệ 95 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí (PVFI)…

Mặc dù vậy, cũng vì hoạt động theo hình thức CTCP nên nhiều trường hợp cổ phiếu của chính công ty bị công đoàn “hắt hủi”, bởi khi hoạt động vì lợi ích chung, nếu cổ phiếu không như kỳ vọng, công đoàn cũng không có lý do gì để tiếp tục nắm giữ. Đơn cử như trường hợp của PG Invest, giá trị đầu tư ước tính của Công đoàn Petrolimex tính đến cuối năm 2013 là 124.3 tỷ đồng bao gồm 9 danh mục đầu tư, tuy nhiên đáng kể nhất vẫn là cổ phiếu chưa niêm yết liên quan đến Petrolimex hơn 82.5 tỷ đồng bằng 66.4% tổng giá trị đầu tư (trong đó, Petrolimex - PLX là 2,892,992 cp, giá trị 43.4 tỷ đồng; PGBank gần 4 triệu cổ phần, tương đương hơn 39 tỷ đồng).

Theo kế hoạch cho năm 2014 được HĐQT đề ra, PG Invest ký hợp đồng với các CTCK, các tổ chức môi giới tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư để chuyển nhượng 2 loại cổ phiếu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) và PGBank tạo nguồn vốn và tính thanh khoản cho hoạt động của Công ty. Mục tiêu của Công ty sẽ là lựa chọn đầu tư cổ phiếu trên thị trường chứng khoán niêm yết với điều kiện cổ phiếu có các yếu tố cơ bản tốt và tỷ lệ sinh lời cao hơn lãi suất tiền gửi.

Nhã Tâm

Các tin tức khác

>   Sai lầm của việc chốt lời quá sớm (26/10/2015)

>   KLF: Nỗi buồn của một “siêu phẩm đầu cơ”! (22/09/2015)

>   12 sai lầm thường gặp trong đầu tư chứng khoán (21/09/2015)

>   Kỳ lạ giao dịch cổ phiếu CII phiên 11/09 (13/09/2015)

>   Tôi đã kiếm tiền từ việc Dow Jones rơi 1,000 điểm như thế nào? (13/09/2015)

>   Thử vận may với cổ phiếu bất động sản (08/09/2015)

>   Cuộc chơi chứng khoán của nông dân Trung Quốc (01/09/2015)

>   Câu chuyện quán ốc và những phương pháp đầu tư... chắc chắn chết  (29/08/2015)

>   Vì sao cổ phiếu FIT bị “đo ván” khi chuyển sàn? (21/08/2015)

>   Cắt lỗ, cắt lỗ và... cắt lỗ! (13/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật