Cắt lỗ, cắt lỗ và... cắt lỗ!
Tôi lại tiếp tục thất bại! Sau hơn 1 năm rưỡi mua và nắm giữ mã cổ phiếu ngành khoáng sản như đã chia sẻ trong bài “Tôi là một nhà đầu tư chứng khoán thất bại!”, chỉ thi thoảng bán một ít để chi tiêu tằn tiện, giữa tháng 6 tôi phải bán cắt lỗ gần 60%, vốn đầu tư bị “co ngót” từ 400 triệu đồng còn hơn 140 triệu đồng.
* "Sốc" khi chứng kiến nhà môi giới nổi tiếng King phải nằm vỉa hè
Như thế vẫn là may vì nếu tiếp tục nắm giữ, số vốn đó giờ chỉ còn khoảng 100 triệu đồng và sẽ không biết giảm tiếp tới mức nào nữa. Phải làm sao đây với số vốn còm cõi đó? Khi nào thì mới thu hồi được vốn ban đầu cách đây 6 năm, lại còn tiền vay mượn của người thân?
Nhiều người, thậm chí có một số vị trong cơ quan quản lý thị trường, nói rằng sao không đầu tư vào những mã cơ bản như VNM...? Quả thật cho tới lúc này VNM là cổ phiếu “chiến thắng thị trường”, mang lại thành công cho cổ đông. Nhưng trong số hơn 700 mã đang niêm yết trên 2 sàn giao dịch chính thức (HOSE và HNX), có thể lọc được mấy mã như thế? Đa số còn lại không phải là những cổ phiếu cơ bản, đáng để đầu tư sao? Nếu như thế thì tại sao những cổ phiếu đó lại được niêm yết để chúng trở thành những cái cối “xay” nhà đầu tư (NĐT)?
Khi tôi mua vào là đầu tháng 12 năm 2013 với giá mua gần 7,000 đồng/cp. Nhưng giữa tháng 6 vừa qua tôi đã phải bán cắt lỗ với giá bán chỉ còn 2,900-3,100 đồng/cp. Từ mức vốn lúc mua vào 400 triệu khi bán hết và tất toán tôi chỉ còn trên 140 triệu (trong khoảng thời gian nắm giữ tôi có bán ra một chút để trang trải chi tiêu).
Quả thực là khi mua cổ phiếu này, tôi cũng có chút mạo hiểm vì doanh nghiệp này cũng có chút gì đó thiếu minh bạch. Nhưng nghĩ rằng từ khi niêm yết giá đã giảm đến hơn 90% (giá cao nhất lúc niêm yết là gần 60,000 đồng/cp và đã trải qua 3 năm thì việc đầu tư chắc cũng giảm rủi ro đáng kể). Nhưng không thể ngờ giá của mã cổ phiếu này vẫn cứ liên tiếp giảm đến nay.
|
Bước vào “chứng trường”, NĐT phải chịu trách nhiệm với kết quả đầu tư của họ. Tuy nhiên, chất lượng hàng hóa trên thị trường hiện nay quá kém. Đó là chưa kể một số doanh nghiệp có cơ hội trục lợi thị trường, bòn rút tài sản của NĐT.
Trước khi niêm yết vài năm, những doanh nghiệp đó được thành lập với số vốn chỉ vài tỷ đồng. Sau đó, họ phát hành tăng vốn “khủng” và trở thành công ty đại chúng với khoảng 100 NĐT theo quy định nhưng tỷ lệ sở hữu của những nhân sự chủ chốt thì ... coi như bằng 0. Công tác “đánh bóng, lăng xê” cổ phiếu được phát huy hết công suất và đẩy giá chào sàn lên mức cao nhất có thể. Và từ thời điểm chào sàn, giá cổ phiếu chỉ có “cắm đầu” giảm, thậm chí có mã giá giảm tới 70% sau 1 tháng chào sàn. Ban lãnh đạo, dù có tỷ lệ sở hữu rất khiêm tốn, cũng liên tục đăng ký bán sau đó, các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông đều phải tổ chức tới lần thứ 3.
Không chỉ những NĐT mới, ngay những người đã trải qua vài năm tham gia thị trường cũng khó có đủ kinh nghiệm để sàng lọc cổ phiếu. Khi tham gia thị trường, NĐT thường đặt một niềm tin vào cơ quan quản lý về trách nhiệm sàng lọc doanh nghiệp được phép niêm yết. Một thị trường mà người viết cho rằng chỉ có khoảng trên chục mã cổ phiếu được cho là cơ bản, đáng đầu tư thì khâu niêm yết cần phải được xem lại. Phải chăng các yêu cầu về tiêu chuẩn niêm yết là quá thấp?
Ngoài ra, công tác giám sát các doanh nghiệp niêm yết cũng hết sức lỏng lẻo. Doanh nghiệp khoáng sản có mã cổ phiếu tôi vừa cắt lỗ, ĐHĐCĐ thường niên 2015 tổ chức lần 3 kết thúc đầu tháng 6, trong số 4 thành viên HĐQT có 2 thành viên mới. Nghị quyết Đại hội còn chưa ráo mực, công ty đã thay thế Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ mới không nằm trong thành phần HĐQT vừa bầu. Vấn đề là doanh nghiệp không công bố thông tin, NĐT không biết lý do vị Chủ tịch kiêm TGĐ cũ từ nhiệm cũng như không biết “mặt mũi”, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của vị Chủ tịch kiêm TGĐ mới như thế nào? Vậy mà cơ quan quản lý cũng chỉ có 1 công văn nhắc nhở doanh nghiệp, 1 công văn nhắc nhở trên toàn thị trường. Phải chăng chế tài đối với vi phạm công bố thông tin còn quá yếu?
Những tồn tại đó kéo theo giá của nhiều cổ phiếu cứ giậm chân tại chỗ, thậm chí giảm triền miên.
Bên cạnh đó, các chính sách liên quan tới cung-cầu thị trường cũng góp một phần lý do. Thị trường chứng khoán (TTCK) nước ta mới được 15 tuổi, khá non trẻ và nhạy cảm. Vì vậy những chính sách liên quan trực tiếp tới cung cầu thị trường cần có những bước đi thăm dò, tiếp tận từng bước tránh gây sốc.
Quan sát diễn biến trên thị trường gần 1 năm trở lại đây, tôi nhận thấy cơ cấu dòng tiền đang có sự thay đổi và dường như mất cân đối khá nghiêm trọng. Hệ quả là thanh khoản sụt giảm mạnh (dù trong quý 2 đến đầu quý 3 đã có sự cải thiện do hiệu ứng nới room và hiệp định TPP, nhưng hiện đang có dấu hiệu yếu trở lại, mấy phiên gần đây khối lượng khớp lệnh trên HOSE chỉ đạt mức 80 triệu cp), những mã bluechip cũng có dấu hiệu hết lực để đi tiếp. Và đa số các mã trước đây thanh khoản tốt thì gần 1 năm nay thanh khoản tụt giảm quá mạnh, giá thì cứ “đi giật lùi”.
Có lẽ không riêng tôi, nhiều NĐT cũng đang mất niềm tin, mất phương hướng. Sau 6 năm “bầm dập” trên thị trường, với số vốn còn lại ít ỏi, giờ tôi như “chim sợ cành cây cong”, mua những cổ phiếu được cho là cơ bản thì cũng sợ vì giá của những mã đó đã có hành trình tăng quá lâu rồi, mua những mã khác cũng lo vì thanh khoản và giá thì cứ như “bị tụt áp”. Làm thế nào để không còn phải lặp lại cái điệp khúc: Cắt lỗ, cắt lỗ,... và cắt lỗ?
Thùy Duyên
|