Bí quyết sử dụng RMO Trade Model và ứng dụng tại thị trường Việt Nam
Rahul Mohindar Oscillator (RMO) và các công cụ cũng như chỉ báo liên quan của nó được Rahul Mohindar phát triển dùng cho các thị trường mới nổi.
Lý thuyết về RMO Trade Model trong sách Phân tích Kỹ thuật từ A-Z
Rahul Mohindar Oscillator (RMO)
Theo sách Phân tích Kỹ thuật từ A-Z do Vietstock biên dịch và xuất bản, RMO được phát triển để phát hiện các xu hướng chính (primary movement, major trend) và hạn chế tín hiệu nhiễu từ các biến động của thị trường, từ đó cho ta thấy xu hướng chính dài hạn rõ ràng hơn.
Nếu RMO có giá trị dương (lớn hơn 0), tín hiệu mua sẽ xuất hiện. Nếu RMO có giá trị âm (nhỏ hơn 0), tín hiệu bán sẽ xuất hiện.
Tuy nhiên, một đặc điểm cần đặc biệt lưu ý là các công cụ cũng như những chỉ báo liên quan chỉ có thể sử dụng với biểu đồ có đầy đủ các giá trị: Giá mở cửa (Open), Giá cao nhất (High), Giá thấp nhất (Low) và Giá đóng cửa (Close). Nếu thiếu một trong các giá trị này thì sẽ không sử dụng được RMO Trade Model.
Các công cụ liên quan trong RMO Trade Model
Nhóm Swing Trader với 3 chỉ báo. SwingTrader cũng do Rahul Mohindar phát triển. Nó được dùng kết hợp với các chỉ báo khác trong hệ thống RMO Trade Model.
Nhóm chỉ báo này dùng để phát hiện và báo hiệu điểm xuất hiện các sóng tăng/giảm trong một xu hướng và tự động đặt mũi tên màu đỏ (Bán) hoặc màu xanh (Mua) trên biểu đồ giá tại những điểm này.
SwingTrd 1: Dùng để theo dõi xu hướng nhỏ ngắn hạn (minor movement).
SwingTrd 2: Dùng để theo dõi xu hướng trung hạn (secondary reaction).
SwingTrd 3: Dùng để theo dõi xu hướng dài hạn (primary movement).
Hai đường SwingTrd 2 và SwingTrd 3 được dùng kết hợp với nhau trong RMO Trade Model để cho tín hiệu là các mũi tên màu đỏ (Bán) hoặc màu xanh (Mua) trên biểu đồ giá.
Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý là các tín hiệu quan trọng của chúng không chỉ là các điểm giao cắt với nhau mà còn là các điểm giao cắt với đường 0 vì các đường SwingTrd 1, SwingTrd 2 và SwingTrd 3 đều dao động quanh đường 0.
EXIT Swing Signal đóng vai trò trailing stop loss. Ngoài ra, cũng cần phải kể đến chỉ báo EXIT Swing Signal với vai trò khá quan trọng.
Chỉ báo này sẽ đóng vai trò là đóng vai trò trailing stop loss của RMO Trade Model để giúp nhà đầu tư tối đa hoá lợi nhuận và hạn chế đến mức tối thiểu rủi ro.
Xu hướng của VN-Index hiện nay dưới góc nhìn RMO Trade Model
Dưới góc độ phân tích xu hướng ngắn hạn, VN-Index đã quay trở lại xu hướng tăng mạnh khi mà EXIT Swing Signal tăng mạnh lên vùng overbought và SwingTrd 1 đã vượt lên trên mức 0. Trạng thái này đã duy trì được gần 1 tuần.
Xu hướng trung hạn (secondary movement) cũng đang rất lạc quan khi mà SwingTrd 2 và SwingTrd 3 đã cho tín hiệu mua (mũi tên màu xanh xuất hiện trên đồ thị). Bên cạnh đó, SwingTrd 2 cũng đã vượt lên trên ngưỡng 0 sau phiên ngày 26/05/2015.
Xu hướng dài hạn vẫn chưa chuyển sang tăng trưởng do Rahul Mohindar Oscillator (RMO) và SwingTrd 3 đều đang ở dưới mức 0.
Tuy nhiên, phân kỳ giá lên của những chỉ báo này với VN-Index đã hình thành trong 3 tháng qua và sắp hoàn thành. Vì vậy, nhà đầu tư vẫn có thể hy vọng xu hướng dài hạn sẽ chuyển từ giảm điểm sang tăng trưởng trong thời gian tới.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|