Thứ Sáu, 22/05/2015 10:51

Những chiêu thức "hút máu" nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam

Kinh tế Việt Nam đang có những bước tiến rất rõ nét. GDP tiếp tục tăng ấn tượng, CPI được kiểm soát tốt, PMI tạo lập kỷ lục trong nhiều năm. Chính sách điều hành tiền tệ thể hiện sự ổn định cao như lãi suất cho vay giữ ở mức hợp lý, tỷ giá không có sự “giật cục”. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ. Nợ xấu giảm rõ rệt. Chương trình cổ phần hóa diễn ra theo đúng kế hoạch của Chính phủ. Các doanh nghiệp thì có nhiều đổi thay mang tính tích cực. Thế nhưng ngược lại với những gì mà kinh tế vĩ mô thể hiện, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong hơn 6 tháng qua, chỉ mang lại nỗi thất vọng cho nhà đầu tư (NĐT). Vậy đâu là nguyên nhân?

Có thể có những người sẽ viện lý do giá dầu sụt giảm, sự bất cập của một số điểm trong Thông tư 36, sự giao dịch “lạ lùng” của ETF. Trong bài viết này, tác giả sẽ đề cập đến những ngóc ngách, những “chiêu trò”  trên TTCK, làm kiệt quệ dòng tiền của NĐT nội.

* Hàng loạt “thủ thuật” để phát hành thêm cổ phiếu

 

 

Ảnh minh họa

Chiêu thức thứ nhất: Kim thiền thoát xác

Có những doanh nghiệp niêm yết trong quá trình hoạt động, đã bộc lộ những sai phạm lớn. Ngoài việc thua lỗ triền miên, có thể các ông chủ doanh nghiệp (DN) bị vướng vòng lao lý. Khi xảy ra những sự kiện lớn lao và bất ngờ này, thường các NĐT lớn, sở hữu tỷ lệ chi phối DN, sẽ tìm mọi cách để thoát thân. Họ sẽ thoát như thế nào?

Khi gặp sự cố, các mã này sẽ có nhiều phiên giảm sàn. Số lượng bán sàn có thể lên đến nhiều triệu đơn vị. Đến một thời điểm nhất định, khi NĐT đã khá nản lòng trong việc đua lệnh sàn vào buổi sáng, họ (đạo diễn) đã trải được khá nhiều lệnh bán đầu ngày. Sẽ có những động thái mua vào chính lệnh bán của mình. Số lượng có thể tăng lên nhanh. NĐT trên thị trường tưởng rằng giá đã giảm về vùng đáy, nhảy vào bắt. Họ sẽ cho lên giá đỏ, thậm chí đảo ngược tăng trần. NĐT nhỏ lẻ rất vui mừng vì trong ngày lời ngay 10%. Thanh khoản trong những phiên như thế này, có thể tăng lên hàng chục triệu cổ phiếu. Lợi dụng cơ hội này, chủ sở hữu thoát hàng. Hàng sẽ tiếp tục được thoát trong các phiên kế tiếp. Đến ngày T3, T4, giá cổ phiếu lại lao dốc.

Rõ ràng, cho dù DN vẫn còn tên, nhưng thực chất đang ở tình trạng “vô chủ”. Những chủ sở hữu bằng những chiêu thức và kỹ thuật giao dịch, đã thoát được khỏi DN. Sau này, các NĐT nhỏ lẻ sẽ ở lại, tìm cách truyền “cục than hồng” cho nhau.

Chiêu thức thứ hai: Vịt trời hóa thiên nga

Trong quá trình tái cấu trúc, nhiều DN thực hiện các hoạt động mua bán, sáp nhập, hoán đổi cổ phiếu. Đây là hoạt động mang lại nhiều lợi ích cho DN. Từng có những DN hoạt động trong lĩnh vực ô tô (niêm yết sàn HOSE), đã sáp nhập được với một đối thủ cùng ngành nghề, mang lại thị phần gia tăng. Qua đó, đã thu được những kết quả kinh doanh vô cùng ấn tượng. Thế nhưng, không phải DN nào cũng đàng hoàng như vậy. Có những DN, bản thân mình làm ăn cũng bình thường. Nhưng lại đi hoán đổi cổ phiếu, bản chất là tăng vốn điều lệ lên bằng hình thức phát hành cổ phiếu cho những DN “ma quái”. Những DN được hoán đổi, thực chất gần như vô giá trị. Khi hoán đổi xong, họ xóa được hoàn toàn “quá khứ” thua lỗ của họ, lại có thêm cổ phiếu để bán ra trên sàn.

NĐT không thể có đầy đủ thông tin về các DN được mua bán, sáp nhập hay hoán đổi. Họ cứ căn cứ vào tên tuổi của DN cũ, vào ngưỡng giá của mã cũ, để ra quyết định mua bán.

Chiêu thức thứ ba: Niêu cơm Thạch Sanh

Chức năng quan trọng nhất của TTCK là kênh huy động vốn cho DN. Nhiều DN từ khi niêm yết, đã huy động được vốn lớn, phát triển sản xuất kinh doanh, mang lại lợi ích cho xã hội, cho bản thân cổ đông góp vốn. Bên cạnh những sự tăng vốn đúng đắn, còn có nhiều vấn đề phát sinh khác. Có những DN niêm yết, tìm mọi cách tăng vốn thật nhanh, hòng trục lợi cho nhóm lợi ích nào đó. Họ thực hiện qui trình như sau. Đầu tiên, họ lập ra một nhóm công ty. Sau đó họ sẽ tạo ra sự chú ý của NĐT bằng kỹ thuật thanh khoản. Kế hoạch phát hành cổ phiếu sẽ được đưa ra với sự nhất trí cao (do họ nắm tỷ lệ chi phối DN). Dự án sử dụng vốn thì được “vẽ” ra khá đơn giản. Họ sẽ kéo giá cổ phiếu lên trên cao, ví dụ 14,000 – 15,000 đồng/ cp. Ở vùng giá này, chủ DN sẽ bán ra rất nhiều cổ phiếu. Cầu thị trường sẽ khá lớn, vì NĐT “đinh ninh” giá cổ phiếu sẽ được “đánh” qua ngày đóng tiền. Nhưng đến ngày đóng tiền, giá cổ phiếu sẽ giảm về vùng 11,000 – 12,000 đồng/cp. Nhiều NĐT sẽ bỏ quyền, không mua. Khi đó chủ DN ung dung mua lại toàn bộ số cổ phần mà NĐT đã bỏ (bằng tiền họ đã bán ở trên cao). Đến khi cổ phiếu về, quá trình phân phối lại được tiếp diễn. Cổ phiếu được “in” ra không ngừng, không bao giờ cạn.

Có một câu hỏi được đặt ra ở đây là vậy các DN “in giấy” theo kiểu này, lấy đâu ra doanh thu và lợi nhuận? Ở đây họ sử dụng chiêu bán dự án trong nhóm. Tức là doanh nghiệp A mua một dự án nào đó với giá 100 tỷ, sẽ bán dự án này cho doanh nghiệp B (cùng hệ thống của họ) với giá 400 tỷ. A hạch toán lời 300 tỷ, B chưa bán nên hạch toán hòa vốn. Nếu để ý kỹ, nhưng DN dạng Thạch Sanh này, thường có doanh thu từ các hoạt động tài chính rất cao. Doanh thu từ hoạt động cốt lõi không đáng kể. Chiêu thức này rất tinh vi, kể cả kiểm toán cũng khó bắt lỗi. UBCK NN thì tuân theo luật, rất khó không đồng ý cho họ ngừng phát hành.

Bất kỳ TTCK nào trên thế giới, đều có những NĐT yêu thích mạo hiểm, đầu tư ngắn hạn. Hay nói cách khác, dòng cổ phiếu đầu cơ luôn có đất sống. Bản thân việc đầu cơ cổ phiếu không hoàn toàn xấu, vì mục đích của NĐT tham gia thị trường là tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng một khi, sự việc đã đi quá đà, tốt xấu lẫn lộn, thì hệ quả là vô cùng to lớn. Dòng tiền bị hút vào các DN “in giấy” này, bị rút ra khỏi thị trường, đã làm kiệt quệ sức mua của nhiều thanh phần trên thị trường.

Đứng trước những thực trạng này, trách nhiệm của chúng ta ở đâu? Về phía cơ quan quản lý, cần luôn đưa ra những thông điệp kịp thời, những thông tin về tình hình DN. Điều này giúp NĐT tránh mua phải những DN vô chủ, hay có nguy cơ trở về 0. Bài học đắt giá về DVD, VSP hay những ngân hàng như VNCB, Oceanbank vẫn còn nguyên giá trị. Về phía các CTCK, vai trò tư vấn cần phải được nâng lên. Phải có những khuyến nghị mang tính rõ ràng, mang tính thuyết phục cao. Ngoài ra, với chức năng “tạo lập thị trường”, các đơn vị này cố gắng kéo dòng tiền trở lại với những mã có thể mang lại lợi nhuận cho NĐT. Về phía NĐT, hãy luôn tham khảo thông tin kỹ càng, không nên tham gia quá nhiều vào những cuộc phiêu lưu không minh bạch.

Bất chấp những “chiêu trò” nhất định, TTCK luôn phản chiếu thực trạng của nền kinh tế. Giai đoạn khó khăn này rồi sẽ qua đi. Chúng ta đều có cơ sở để tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của chứng khoán Việt Nam trong năm 2015 và các năm tiếp theo.

Nguyễn Hồng Điệp

(Bài viết được dẫn lại từ trang cá nhân với sự đồng ý của tác giả, đăng ngày 21/05/2015)

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu Khai khoáng: Đã kết thúc chuỗi 5 sóng giảm (14/05/2015)

>   9x với chứng khoán, tò mò và đam mê (08/05/2015)

>   Ứng dụng RSI và MACD để tìm điểm mua bán hiệu quả cao   (11/05/2015)

>   Ứng dụng RSI và MACD để tìm điểm mua bán hiệu quả cao   (11/05/2015)

>   Fibonacci và ứng dụng trong phân tích kỹ thuật (05/05/2015)

>   Câu chuyện thương hiệu qua chia sẻ của chuyên gia (27/04/2015)

>   Điều gì khiến giới đầu tư Việt giao dịch quá mức? (29/04/2015)

>   Nhận dạng hình hài công ty đại chúng (01/05/2015)

>   6 bài học đầu tư từ Fed (15/04/2015)

>   Học được gì từ nguyên lý đầu tư Berkshire Hathaway? (03/04/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật