Ứng dụng RSI và MACD để tìm điểm mua bán hiệu quả cao
Đối với các nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật thì chỉ báo (indicators) là một công cụ hữu hiệu. Chỉ báo kỹ thuật có thể giúp tìm điểm mua và bán hợp lý. Mục đích của bài viết này là tóm lược các cách sử dụng một vài chỉ báo quan trọng để tìm điểm mua bán tiềm năng.
Các chỉ báo kỹ thuật thường chủ yếu được dùng để tìm điểm mua bán thường là nhóm Oscillator và Momentum. Bài viết này sẽ đề cập đến 2 chỉ báo rất phổ biến hiện nay là MACD và RSI để tìm điểm mua bán tiềm năng.
RSI - Relative Strength Index
Cách thường dùng của RSI để tìm điểm mua bán là khi RSI vượt lên mức 30 từ vùng quá bán (oversold) hay vượt xuống mức 70 từ vùng quá mua (overbought). Tính hiệu này cảnh báo thị trường hoặc giá đang chuẩn bị có những đợt đảo chiều mạnh. Tuy vậy, RSI không chỉ giới hạn bởi cách dùng truyền thống này.
RSI có thể kết hợp với các đường trung bình động (Moving Average) để cho tín hiệu mua bán tốt hơn. Tín hiệu mua xuất hiện khi RSI chạm nhẹ đường trung bình và tiếp tục đi lên mạnh. Tương tự, tín hiệu bán khi RSI chạm nhẹ đường trung bình động và tiếp tục đi xuống mạnh. Các đường trung bình động hay được sử dụng nhất là SMA5 và SMA10.
Ngoài ra, khi đường trung bình ngắn ngày của RSI cắt đường trung bình dài ngày của nó cũng là một tín hiệu mua bán. Tuy vậy, tín hiệu này chỉ hiệu quả trong thị trường có xu hướng mạnh và không nên dùng trong thị trường đi ngang (sideways).
MACD - Moving Average Convergence/Divergence
MACD có thể cho nhiều tín hiệu mua bán tiềm năng. Tín hiệu mua bán cơ bản là các điểm giao cắt giữa MACD và đường tín hiệu (signal line). Tuy nhiên, nếu chỉ thuần túy dựa vào tín hiệu này thì khả năng thành công khá thấp.
Trường hợp có tín hiệu mua bán đáng chú ý nhất là các tín hiệu mua nằm trên đường 0 và tín hiệu bán nằm dưới đường 0. Độ mạnh sẽ càng được gia tăng nếu trước đó giá có một giai đoạn đi ngang, tích lũy khá lâu.
Ví dụ dưới đây là các tín hiệu mua của MACD bên trên đường 0 sau một giai đoạn tích lũy khoảng 2 – 3 tuần.
Trường hợp thứ hai là các tín hiệu mua bán của MACD đi kèm với phân kỳ giá lên và phân kỳ giá xuống. Ví dụ dưới đây của cổ phiếu AAA cho thấy tín hiệu bán vào đầu tháng 12/2014 đã cộng hưởng với phân kỳ giá xuống và kết quả là sự sụt giảm mạnh mẽ của giá sau đó.
Phạm Tấn Phát, Phòng Nghiên cứu Vietstock
|