Thứ Sáu, 06/03/2015 10:00

Thị trường cổ phiếu Việt Nam hiện đắt hay rẻ?

Với mức định giá hiện tại, giá cổ phiếu tại thị trường Việt Nam chưa được xem là thực sự hấp dẫn, tuy nhiên, không đồng nghĩa với việc triển vọng 2015 là u ám.

Đắt so với cái gì? Rẻ so với cái gì?

Việc đánh giá mức độ đắt hay rẻ của thị trường cổ phiếu mang tính tương đối. Thông thường, nhà đầu tư hay sử dụng chỉ số P/E để đánh giá mức độ đắt rẻ tương đối của thị trường. Tuy nhiên, người viết thường hay sử dụng chỉ số lợi tức cổ phiếu (Earnings Yield). Chỉ số này được tính bằng cách lấy thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) chia cho thị giá (P); hay nói cách khác, chỉ số này được tính bằng cách lấy nghịch đảo của chỉ số P/E.

Earnings Yield = EPS/P

Sau đó, so sánh lợi tức từ đầu tư cổ phiếu với lợi tức đầu tư vào trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng để đánh giá xem lợi tức từ đầu tư cổ phiếu có hấp dẫn hơn hay không. Nếu như lợi suất đầu tư vào cổ phiếu đủ hấp dẫn thì trong dài hạn sẽ có một dòng tiền dịch chuyển từ tiền gửi ngân hàng và trái phiếu sang cổ phiếu và khiến cho thị trường cổ phiếu tăng giá. Ngược lại, thị trường cổ phiếu được xem là đắt khi tỷ suất sinh lời từ cổ phiếu không đủ hấp dẫn so với lợi suất đầu tư vào trái phiếu. Khi đó, trong dài hạn sẽ có dòng vốn rút ra khỏi thị trường cổ phiếu để dịch chuyển sang trái phiếu khiến cho thị trường cổ phiếu giảm giá.

Nếu như nhà đầu tư có thể đánh giá được thị trường khi nào là đắt, khi nào là rẻ thì chắc chắn sẽ có những chiến lược mua vào - thoát ra hợp lý và tránh được “cơn đại hồng thủy” của năm 2007. Tại thời điểm 2007, Merill Lynch khuyến cáo  rút toàn bộ vốn khỏi thị trường Việt Nam trước khi thị trường sụt giá cũng nhờ họ đánh giá được mức P/E bất hợp lý tại thời điểm đó.

Tại thời điểm năm 2007, lợi suất trái phiếu chính phủ nằm ở mức 7-9%/năm. Trong khi đó, P/E của thị trường ở khoảng mức 26 lần, tương ứng với tỷ suất sinh lời ở mức 3.85%/năm, chưa bằng một nửa so với lợi tức từ đầu tư phi rủi ro vào trái phiếu chính phủ. Chúng ta có thể hoàn toàn nhận thấy rằng khi đó thị trường đang được định giá quá cao. Nếu như nhà đầu tư nắm bắt được vấn đề rõ ràng, họ sẽ thoát khỏi thị trường ngay khi có dấu hiệu dòng tiền được rút ra.

Mức định giá hiện tại của thị trường cổ phiếu Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn

Trong phiên giao dịch ngày 05/03/2015, VN-Index đóng cửa ở mức 596.91 điểm, tương ứng với mức P/E là 13.81 lần. Mức P/E này tương ứng với tỷ suất sinh lời (Earnings Yield) là 7.24%/năm. Trong khi đó, lợi tức từ đầu tư trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức 6.74%/năm, không thua nhiều so với lợi tức từ cổ phiếu nhưng mức an toàn lại vượt trội hơn do trái phiếu chính phủ được xem là loại hình đầu tư phi rủi ro.

Có rất nhiều các chuyên gia phân tích so sánh P/E giữa các quốc gia khác nhau để kết luận rằng thị trường này đắt hoặc rẻ hơn một thị trường khác. Theo quan điểm cá nhân, người viết cho rằng cách nhìn nhận như vậy có độ chính xác chưa cao, do mỗi quốc gia sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát tiền tệ khác nhau. Ví dụ ở Mỹ, P/E hiện tại ở mức khoảng 20 lần, tương đương với tỷ suất sinh lời khoảng 5%; tuy nhiên không thể kết luận thị trường Mỹ đắt hơn Việt Nam, khi tại đây lạm phát chỉ ở mức 1-2% và lợi tức từ trái phiếu chính phủ Mỹ chỉ nằm ở mức 2.14%/năm. Như vậy, hiện tại mức định giá của cổ phiếu Mỹ vẫn còn hợp lý.

Với mức định giá hiện tại, giá cổ phiếu tại thị trường Việt Nam chưa được xem là thực sự hấp dẫn. Với triển vọng tăng trưởng GDP ở mức 6-6.5% và lạm phát ở mức 5% theo như mục tiêu năm 2015 của chính phủ; dựa trên tính toán cá nhân, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ thực sự hấp dẫn khi P/E của toàn thị trường nằm ở mức khoảng 12 lần hoặc thấp hơn.

Tuy nhiên, mức định giá như hiện tại không đồng nghĩa với việc triển vọng 2015 của thị trường chứng khoán là u ám. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền M2 vẫn sẽ là những động lực thúc đẩy thị trường tăng điểm trong năm 2015. Bên cạnh đó, báo cáo lợi nhuận năm 2014 của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE ước tính sơ bộ tới thời điểm hiện tại tăng khoảng 8.83% so với lợi nhuận năm 2013. Nếu như lợi nhuận trong năm 2015 của các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng và có những chuyển biến tích cực thì đây cũng là một động lực quan trọng giúp thị trường tăng điểm.

Nhưng với mức định giá như hiện tại, nhà đầu tư khó lòng có thể kỳ vọng một cơn sóng lớn hay việc toàn bộ các cổ phiếu đều tăng giá, mà thay vào đó các cổ phiếu sẽ có sự phân hóa và những cổ phiếu có mức định giá hấp dẫn vẫn sẽ mang lại lợi nhuận tốt so với tiền gửi ngân hàng.

Nguyễn Mạnh Hoàng

Các tin tức khác

>   Kết quả kinh doanh năm 2014: Những cái “Top” (06/03/2015)

>   DNNY chế biến cao su 2014: Lợi nhuận chững lại dù hưởng lợi từ giá nguyên liệu giảm mạnh (06/03/2015)

>   CIG bị tạm ngừng giao dịch từ 12/03 (05/03/2015)

>   SBS -  Triển khai tiện ích giao dịch Mobile Trading miễn phí cho Nhà đầu tư (06/03/2015)

>   Chiến lược đầu tư, Triển vọng nhóm ngành và Giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu (05/03/2015)

>   PTKT phiên chiều 05/03: Hai đường +DI và –DI vẫn duy trì khoảng cách an toàn (05/03/2015)

>   TCT: Giải trình kết quả điều chỉnh hồi tố (05/03/2015)

>   HMH: Góp gần 42 tỷ đồng thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hải Hải Minh (05/03/2015)

>   QNC: Quyết định giải thể Khách sạn Hồng Gai (05/03/2015)

>   VFC: Giải thể Công ty TNHH Đầu tư Vinafco Hà Nội (05/03/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật