Bản chất của việc chia cổ tức bằng cổ phiếu
Ngày càng nhiều doanh nghiệp niêm yết thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu và chia tách cổ phiếu theo các tỷ lệ (*) nhưng phần lớn nhà đầu tư cá nhân hiện nay vẫn chưa hiểu rõ được bản chất tài chính thật sự của các nghiệp vụ trên, thậm chí còn có những ngộ nhận nguy hiểm.
Về bản chất, cổ tức bằng cổ phiếu (hoặc thưởng bằng cổ phiếu) chính là nghiệp vụ chia tách cổ phiếu và nó không hề phát sinh bất kỳ dòng tiền mới nào giúp doanh nghiệp (DN) gia tăng nội lực của mình.
Giả sử một DN công bố chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% với giá thị trường đang là 20,000 đồng/cp. Như vậy, mỗi một cổ phiếu cũ với giá 20,000 đồng/cp sẽ được tách thành 1.1 cổ phiếu mới với giá thị trường thấp hơn là 18,200 đồng/cp do pha loãng.
Nói một cách nôm na, nếu nhà đầu tư sẵn có 100 cái bánh lớn, thì anh ta sẽ nhận được 110 cái bánh nhỏ hơn sau khi chia cổ tức (thể hiện sự pha loãng về giá trị). Theo đó, tổng giá trị không hề thay đổi trong khi số lượng bánh thì tăng lên khiến giá của mỗi cái bánh giảm đi– đây là câu chuyện của vấn đề pha loãng.
Do đó, khi công ty chia cổ tức bằng cổ phiếu thì lượng vốn chủ sở hữu không hề thay đổi. Thay vào đó, chỉ có các khoản mục nhỏ ở trong vốn chủ sở hữu là thay đổi – thông thường là khoản mục lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, thặng dư vốn cổ phần hoặc các quỹ sẽ giảm đi để bù đắp cho phần vốn điều lệtăng lên tương ứng. Hay nói một cách khác, khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, công ty không hề tạo thêm bất kỳ giá trị vật chất nào cho cổ đông, mà thực chất chỉ là tăng giảm đối ứng về sổ sách giữa các khoản mục.
Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) cá nhân vẫn chưa hiểu rõ về bản chất của nghiệp vụ trên, thậm chí họ còn có nhiều ngộ nhận nguy hiểm. Người viết xin được đưa ra những ngộ nhận phổ biến sau:
(1) “Chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp tài sản tôi tăng lên”. Ngộ nhận này là phổ biến nhất và là nguyên nhân gây ra các đợt sóng tăng trần khi có tin chia cổ tức bằng cổ phiếu. Thật ra, dù NĐT có nhiều cổ phiếu hơn, nhưng giá của mỗi cổ phiếu đã bị pha loãng khi tách cổ phiếu nên tài sản anh ta vẫn hoàn toàn giữ nguyên, không tăng không giảm.
(2) “Tỷ trọng sở hữu của tôi bị giảm so với các cổ đông khác”. Tỷ trọng sở hữu cổ phần của NĐT vẫn hoàn toàn giữ nguyên, do tất cả cổ đông đều được chia thêm cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ nắm giữ. Ví dụ như cổ đông A nắm 1 cổ phiếu trong 100 cổ phiếu của DN – tương ứng 1% cổ phần của DN. Khi có tin chia 20% bằng cổ phiếu, anh ta sẽ được 1.2 cổ phiếu trên 120 cổ phiếu – vẫn giữ nguyên mức 1% sở hữu.
(3) “Chia cổ tức bằng cổ phiếu gia tăng giá trị cổ đông do giúp cổ đông tránh được thuế”. Chia cổ tức bằng cổ phiếu giúp tránh được thuế tương tự như việc không hề chia cổ tức do DN giữ lại tiền mặt để tái đầu tư. Tuy nhiên, việc tránh được thuế không có nghĩa là gia tăng giá trị cổ đông. Giá trị cổ đông chỉ tăng thêm khi lượng tiền giữ lại được DN sử dụng một cách hiệu quả.
(4) “Chia cổ tức bằng cổ phiếu chứng tỏ DN tăng vốn hơn trước, mở rộng lớn mạnh hơn”. Điều này chỉ đúng ở vế đầu vì việc chia cổ tức bằng cổ phiếu đúng là đã giúp DN gia tăng vốn điều lệ của mình. Song như đã đề cập vấn đề này ở trên, xét về bản chất, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản lại không hề thay đổi và hơn hết là không có bất kỳ dòng tiền phát sinh mới chảy vào doanh nghiệp. Do đó, thoạt nhìn có vẻ DN to lớn hơn nhưng thực sự đây chỉ là nghiệp vụ sổ sách.
Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp lượng cổ phiếu đang lưu hành tăng lên, qua đó gián tiếp tăng thanh khoản của cổ phiếu đó. Hơn nữa, nếu như được kết hợp với cổ tức bằng tiền mặt, việc tăng lượng cổ phiếu sẽ gia tăng thêm đáng kể tổng lượng cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông như trường hợp của nhiều DN kinh doanh hiệu quả.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần chú ý, trả cổ tức bằng cổ phiếu đôi khi trở thành đòn “tung hỏa mù” của nhiều doanh nghiệp. Lợi dụng việc hiểu biết chưa rõ của cổ đông, ban lãnh đạo nhiều DN đã che giấu việc thiếu hụt dòng tiền chia cổ tức (hoặc cố ý để lại quỹ tiền mặt lớn nhằm mục đích cá nhân) bằng việc “thưởng” cổ phiếu thêm. Bằng cách như thế, cổ đông ngộ nhận rằng mình đã được tăng thêm giá trị nhưng thực sự giá trị họ nhận được chẳng là gì hơn ngoài số lượng “giấy” tăng lên.
Trong thị trường giá lên (bull market), chính sách cổ tức bằng cổ phiếu thường được nhiều DN và kể cả cổ đông ưa chuộng. Khi giá cổ phiếu đang tăng mạnh, việc pha loãng cổ phiếu giúp thị giá giảm xuống, tạo tâm lý tích cực trong ngắn hạn cho những NĐT có nhu cầu giải ngân. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng kỳ vọng sự tăng trưởng về giá cổ phiếu sau đó sẽ mang lại một khoản lợi nhuận lớn hơn tiền mặt. Ngược lại, trong thị trường giá xuống (bear market), đặc biệt tại giai đoạn thị trường ảm đạm, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ gây tâm lý tiêu cực cho NĐT vì pha loãng cổ phiếukhiến cảm giác giảm giá cổ phiếu trở nên trầm trọng hơn, NĐT cũng cảm thấy chắn ăn hơn khi nắm giữ tiền mặt.
Nhìn về lịch sử, có những DN sử dụng chính sách “chỉ” chia cổ tức bằng cổ phiếu suốt nhiều năm liền như ITA (10 năm), DLG (5 năm), DXG (3 năm) hay FIT (2 năm).
(*) Việc chia tách cổ phiếu hoàn toàn tương tự với chia cổ tức bằng cổ phiếu, tuy nhiên điểm khác biệt là chia tách cổ phiếu không làm tăng vốn điều lệ do việc chia tách làm giảm thị giá mỗi cổ phiếu.
Hoàng Hà Nguyễn
|