Bất ổn và rủi ro trên thị trường chứng khoán
Bất ổn và rủi ro là những sự việc có thể xảy trong tương lai, hai thuộc tính cố hữu luôn gắn liền với thị trường chứng khoán và nó sẽ tồn tại mãi với thị trường cùng tất cả các nhà đầu tư. Có thể nói, thị trường chứng khoán không phải là thủ phạm gây ra bất ổn và rủi ro, nhưng lại là đối tượng chính phải gánh chịu những hậu quả của bất ổn và rủi ro, hay đúng hơn là tất cả các nhà đầu tư trên thị trường.
Rủi ro là một phần không thể thiếu của cuộc sống và của thị trường chứng khoán. Rủi ro là khả năng xảy ra những vấn đề có thể gây thiệt hại hoặc mang đến những kết quả không mong muốn (có thể xấu mà cũng có thể tốt). Rủi ro trên thị trường chứng khoán gồm rủi ro hệ thống (liên quan tới với các vấn đề kinh tế vĩ mô) và rủi ro phi hệ thống (gắn với hoạt động cụ thể của các doanh nghiệp như sản xuất, kinh doanh, kết quả lợi nhuận, sự tăng giảm giá cổ phiếu…).
Về lý thuyết, rủi ro hệ thống khó giảm thiểu vì nó tác động đến toàn bộ thị trường, nhà đầu tư chỉ có thể giảm thiểu rủi ro phi hệ thống bằng cách đa dạng hóa danh mục đầu tư. Nhà đầu tư có thể tính được xác suất xuất hiện những rủi ro đó, các kết quả của nó và có biện pháp giảm thiểu cũng như phòng ngừa. Nhà đầu tư có thể thực hiện việc đo lường và quản trị rủi ro danh mục đầu tư của mình bằng các công cụ quản trị rủi ro cùng các thuật toán tài chính phức tạp. Những công cụ đã được đưa ra và chứng minh thực hiện đều được gắn với những điều kiện giả định thị trường lý tưởng về mặt lý thuyết, còn thực tế là sự vận dụng tùy biến và linh hoạt.
Nhưng nói chung việc xác định một mô hình chuẩn quản lý rủi ro cho danh mục chứng khoán trong thực tế là việc đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và không ít khó khăn vì đầu tư đòi hỏi sự năng động, uyển chuyển theo sự lên xuống của Ngài Thị trường. Đầu tư trên thị trường là tham gia giải một bài toán có quá nhiều biến số, nhà đầu tư chỉ có thể biết nhiều hay ít chứ không thể biết đủ và điều quan trọng là chấp nhận chỉ có thể giảm thiểu chứ không thể loại trừ được rủi ro trong đầu tư.
Mọi nhà đầu tư đều hiểu rằng: Không có rủi ro thì không có lợi nhuận.
Thực tế cho thấy mỗi nhà đầu tư có quan điểm, quyết định và hành động với các mức độ rủi ro khác nhau rất nhiều. Nhà đầu tư theo quan điểm bảo thủ và an toàn thì lựa chọn cổ phiếu những doanh nghiệp lớn, có uy tín, hoạt động tốt, có tiềm năng phát triển và ổn định. Tức là họ chỉ chấp nhận rủi ro ở mức độ thấp, theo nhận định và đánh giá của bản thân họ; ở cực đối nghịch, có nhà đầu tư lại chấp nhận mua cổ phiếu của những doanh nghiệp nhỏ, hoạt động bình bình hay thậm chí thua lỗ triền miên hoặc bị hủy niêm yết. Những nhà đầu tư đó, hoặc là họ “nhìn thấy” hoặc “biết được” điều gì đó về doanh nghiệp và bỏ qua hiện tại để chấp nhận vào cuộc chơi có tên gọi là đầu cơ với mức độ rủi ro rất cao cùng kỳ vọng thu lợi nhuận vượt trội.
Mỗi tư duy hay hành động cụ thể có kết quả chung cuộc cao hơn mức độ rủi ro bình quân gánh chịu đều có cái lý riêng của nó và chỉ có số ít nhà đầu tư lý giải được, họ kiếm được không ít tiền bằng việc chỉ lặng lẽ giải thích cho chính mình về những quyết định đầu tư đầy rủi ro có phần ngược đời đó. Nhưng lý lẽ mà họ chỉ cần tự bản thân biết và không cần phải ồn ào với bất cứ ai. Có lẽ vì vậy mà có ai đó đã từng nói rằng :“Để kiếm tiền từ thị trường chứng khoán cần có sự kiên nhẫn, thông minh và lòng dũng cảm trên thị trường đầy rủi ro và bất ổn”.
Bất ổn là những tình huống mà nhà đầu tư không thể biết có xảy ra hay không, ví như sự kiện Trung Quốc bất ngờ bê giàn khoan vào biển Đông thuộc vùng lãnh hải của Việt Nam ngày 08/5/2015, các vấn đề chính trị phức tạp tại các khu vực có nhiều xung đột lợi ích kinh tế trên phạm vi toàn cầu gây ra những tác động mạnh đến các thị trường… Khó có thể dự đoán được những sự việc như vậy hay tương tự như vậy sẽ diễn ra như thế nào và các hệ lụy của nó.
Trên thị trường có vô vàn những sự bất ổn vây quanh nhà đầu tư, việc đánh giá chính xác các tình huống hay kết quả trong tương lai có thể coi là bất khả thi đối với con người hay cả với những hệ thống máy tính siêu mạnh. Việc lựa chọn các cổ phiếu cụ thể và dự báo các kết quả của việc đầu tư những cổ phiếu đó sẽ được gắn với rất nhiều yếu tố bất ổn, nhiều tình huống không thể đoán định trong bối cảnh tổng thể.
Sự khác biệt chủ yếu giữa rủi ro và bất ổn là ở chỗ: với rủi ro thì nhà đầu tư có thể dự liệu và tính toán tương đối khả năng xảy ra theo xác suất xuất hiện của các tình huống với giả định chủ quan, còn sự bất ổn gắn với các tình huống rất khác nhau về mức độ, phạm vi và lĩnh vực xuất hiện. Trong cuộc sống nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, nhà đầu tư sẽ không bao giờ và không thể biết được chính xác mọi việc sẽ diễn ra như thế nào và chính đằng sau những điều mà nhà đầu tư đoan chắc sẽ là những rủi ro và bất ổn luôn rình rập để rút đi tiền vốn và lời lãi của họ. Nhà đầu tư cần phải quan tâm đến sự khác biệt giữa bất ổn và rủi ro để xác định và chuẩn bị kế hoạch đầu tư cụ thể, phù hợp với năng lực tài chính, quan điểm và khả năng chấp nhận rủi ro và bất ổn trên thị trường từ đó có các kế hoạch A và B phù hợp với từng kịch bản dự kiến.
Ngắm nghía nhiều khía cạnh, ta có thể thấy tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán là một công việc chứa đựng những áp lực ghê gớm. Điều đáng chú ý nữa là không ai có thể dạy khôn ai về đầu tư chứng khoán cả, nhà đầu tư chỉ có thể Nhận-Biết về thị trường, các sản phẩm của nó và sự vận động khi trực tiếp tham gia vào đó.
Nhà đầu tư bám theo xu hướng vận động của thị trường có thể được coi là một trong những cách thức đương đầu hữu hiệu với sự bất ổn của thị trường và tương lai không thể dự đoán. Và khi bám theo xu hướng thì cũng cần biết một điều là đa phần những xu hướng vận động của thị trường lại làm bất ngờ đa số nhà đầu tư, kể cả các chuyên gia phân tích kỳ cựu, đó cũng là một hình ảnh của sự bất ổn. Vì lẽ đó, không quá trông đợi hay tin tưởng vào nghiên cứu, dự đoán thị trường vì thực tế những dự báo đó thường gây bối rối cho nhà đầu tư hơn là hỗ trợ cho việc họ ra quyết định.
Luôn tự đổi mới và cố gắng linh hoạt như nước để thích ứng với những điều không thể dự đoán-thị trường luôn biến động: khi gặp vật cản, nó lặng lẽ len lỏi và vòng tránh đi đường khác để chảy tiếp. Luôn luôn chuẩn bị với tinh thần ung dung đón nhận những kết quả tốt nhất, thậm chí vượt qua cả kỳ vọng đặt ra từ trước, đồng thời có tâm thế bình thản trước những điều tồi tệ nhất: Là tâm thế dĩ bất biến ứng vạn biến. Để có được tinh thần và tâm thế như vậy, nhà đầu tư cần phải quan tâm đến sự khác biệt giữa bất ổn và rủi ro để xác định và chuẩn bị kế hoạch đầu tư cụ thể, phù hợp với năng lực tài chính, quan điểm và khả năng chấp nhận rủi ro và bất ổn trên thị trường, từ đó có các kế hoạch phù hợp với từng kịch bản dự tính.
Nhà đầu tư cần xây dựng được cho mình quy trình đầu tư tốt thì việc ứng phó với rủi ro và bất ổn sẽ tốt hơn, vì về dài hạn quy trình sẽ quyết định kết quả: một quy trình đầu tư tốt và có được kết quả tốt sẽ là vấn đề mang tính logic, nếu kết quả không tốt như dự tính thì đó là vấn đề rủi ro; còn quy trình không tốt mà có được kết quả tốt thì chỉ là do may mắn, mà may mắn ít khi đến lần hai; quy trình không tốt và có kết quả không tốt thì đừng trách ai cả ngoài bản thân mình.
Tuy nhiên việc xác định kết quả với cả rủi ro và bất ổn đều khó như nhau, nhưng với bất ổn thì nhà đầu tư không xác định được mức độ lợi nhuận hay thua lỗ còn với rủi ro thì họ có thể xác định được phạm vi kết quả, dù là chỉ mang tính tương đối.
Một điều nữa là rủi ro gắn với lợi nhuận, theo mức độ tỷ lệ thuận. Vậy còn bất ổn? Thực tế cho thấy bất ổn cũng tạo ra cơ hội không nhỏ. Trong những sự kiện mang tính bất ổn, nhiều nhà đầu tư “yếu tim” mất hết bình tĩnh và khả năng phán đoán khi chịu áp lực quá lớn nên thoát khỏi thị trường bằng sự sợ hãi mang tính bản năng, tức là nhượng lại cổ phiếu với giá rẻ như cho không cho những kẻ “lì lợm” đang lặng lẽ mỉm cười.
Là nhà đầu tư, cần có tư duy mở để sẵn sàng đón nhận cả rủi ro và bất ổn cùng với những kết quả của nó: Nhiều ý tưởng tuyệt vời được sinh ra trong bất ổn và nó dành riêng cho những ai biết Nhìn và Thấy.Vậy nên, đôi khi, thậm chí hãy nghĩ và tính đến cả những tình huống hơi điên rồ một chút trên thị trường!
Nguyễn Thanh Hà
|