Thứ Ba, 22/09/2015 09:13

KLF: Nỗi buồn của một “siêu phẩm đầu cơ”!

CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc Tế KLF (HNX: KLF) đang đi trên sự đối nghịch giữa quy mô vốn phình to như “người khổng lồ” trong khi giá cổ phiếu thì ngày càng teo nhỏ.

Nóng… bỏng tay!

Nhắc đến KLF, giới đầu tư nghĩ ngay đến một “siêu phẩm đầu cơ” vang bóng một thời. Đây là cổ phiếu hiếm hoi nhất mà “người chơi” chứng khoán được chứng kiến cả 50% vốn cổ phiếu được “sang tay” trên sàn chỉ trong 3 phiên.

Độ nóng của KLF đã được định hình ngay từ khi cổ phiếu này đặt chân lên sàn chứng khoán (23/09/2013). KLF gây bão cho thị trường với hàng loạt phiên tăng mạnh để đưa giá từ 10,000 lên gần 20,000 đồng/cp chỉ trong hơn 1 tuần. Sau đợt phi mã đến hết năm 2014, mặc dù giá cổ phiếu có điều chỉnh nhưng qua nhiều con sóng tăng giảm thì KLF vẫn giữ mức giá trung bình trên mệnh giá.

3,700 đồng là mức giá thấp nhất của KLF trong phiên giao dịch ngày 26/08/2015, và cũng là mức thấp nhất kể từ khi cổ phiếu này bước chân lên sàn. Và so với mức giá cao nhất sau khi KLF lên sàn chưa đầy một tháng là 19,700 đồng thì đúng là không thể ngờ được.

Trong khoảng thời gian đó, giới đầu tư đã chứng kiến những phiên giao dịch “kinh hoàng” làm nên tên tuổi của một siêu phẩm đầu cơ. Đó là thời điểm trong hai tuần giữa tháng 11 (10-21/11/2014), tổng giá trị giao dịch cổ phiếu KLF đạt con số hơn 3,300 tỷ đồng; khối lượng giao dịch ít nhất mỗi phiên cũng từ 18.8 triệu đơn vị, đặc biệt phiên ngày 11/11 có gần 38 triệu đơn vị được chuyển giao.

Những con số “nhảy múa điên cuồng” thu hút mọi ánh mắt giới đầu tư, cổ phiếu KLF kết thúc đợt giao dịch ấn tượng đó (21/11/2014) tại mức giá khá cao, gần 15,000 đồng/cp.

Nhưng cũng kể từ đây, cổ phiếu KLF bước vào xu hướng giảm mà chưa xác định được điểm rơi. Thanh khoản mặc dù vẫn duy trì hàng triệu đơn vị nhưng khẩu vị đã khác bởi giá cổ phiếu rơi vào kênh giảm giá dài hạn. Nhiều nhà đầu tư đã bị mắc kẹt tại đây, giá cổ phiếu không có sóng tăng để “thoát hàng”, đáy mới liên tục được lập sau những lần bình quân giá xuống.

Dòng vốn margin – một trong những động lực đẩy giá cổ phiếu cũng bị siết dần với KLF. Vào tháng 11/2014, SSI giảm margin cổ phiếu này từ 50% về 20%, VNDirect giảm về 40%; HCM giảm từ 30% xuống 20% từ tháng 1/2015 hay MBS giảm xuống 30% từ 12/02/2015…

Thời oanh liệt của KLF nay còn đâu!

Biến động giá cổ phiếu KLF từ khi niêm yết

Cho đến nay giá cổ phiếu KLF đang giao dịch quanh mức 4,000 đồng. Nguồn: VietstockFiannce

Vì sao thế?

Đến đây, sẽ có rất nhiều câu hỏi thắc mắc tại sao KLF lại giảm giá mạnh như vậy, có phải do hoạt động của công ty không? Nếu mới nhìn vào các con số lợi nhuận mà KLF công bố định kỳ thì câu trả lời là không. Không những thế, KLF còn đang cho thấy một sự tăng trưởng đáng kể từ năm 2011, từ mức lãi vài chục triệu đồng lên con số hơn 90 tỷ đồng năm 2014.

Song, khi đi vào chi tiết thì thấy chủ yếu nguồn thu của KLF những năm này chủ yếu đến từ hoạt động tài chính là chuyển nhượng các khoản vốn góp, lãi cho vay hay ủy thác đầu tư. Chẳng hạn năm 2014, hàng loạt khoản chuyển nhượng vốn đã đem về doanh thu tài chính hơn 97 tỷ đồng cho KLF: chuyển nhượng 4.8 triệu cp tại CTCP Decohouse, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Giải trí Green Belt (120,000 cp) và CTCP Tập đoàn Thành Nam, chuyển nhượng 50.13% vốn góp tại Công ty TNHH Hải Châu ứng với giá trị 35 tỷ, chuyển nhượng một phần vốn góp tại CTCP FLC Travel, giảm sở hữu tại Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Thương mại Vân Long xuống 24%...

Riêng 6 tháng đầu năm 2015, KLF đạt lợi nhuận gần 42 tỷ đồng, giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Chi tiết hơn, quý 1/2015, nhờ bán các khoản đầu tư đem về doanh thu tài chính 357 tỷ đồng qua đó giúp lãi ròng đạt 34.5 tỷ đồng; đến quý 2/2015 thì không còn doanh thu từ bán các khoản đầu tư, lãi ròng quý 2 suy giảm 76%, chỉ còn 7 tỷ đồng.

Như vậy, dễ thấy là cứu cánh của KLF trong những năm qua nằm ở hoạt động tài chính. Và khi nguồn thu này bị hụt đi thì kết quả lợi nhuận sụt giảm theo mà quý 2/2015 là minh chứng rõ nhất. Nhiều khả năng, năm 2015 chính việc chuyển nhượng các khoản đầu tư sẽ tiếp tục giúp KLF thực hiện được kế hoạch kinh doanh đề ra khi mà kế hoạch doanh thu không được doanh nghiệp công bố chi tiết.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, một điểm đáng chú ý trong quá trình phát triển của KLF trong 2 năm gần đây đó chính là quy mô vốn đang phình to một cách quá nhanh. Năm 2014, KLF đã làm nên kỳ tích khi tăng vốn từ 260 tỷ đồng lên con số gần 1,500 tỷ đồng thông qua các đợt phát hành cổ phần cho cổ đông. Theo kế hoạch, năm nay KLF sẽ tăng vốn lên 3,700 tỷ đồng bằng hình thức chia thưởng cổ phiếu, chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược. KLF đang thổi phồng quy mô vốn quá nhanh trong khi nguồn tiền thu về chưa mang lại lợi ích cho cổ đông (số tiền thu được từ các đợt phát hành năm 2014 đã được KLF chuyển vốn góp để thực hiện dự án, nhưng các dự án đến nay cũng chỉ mới bắt đầu thi công).

Dù là lý do gì đi nữa, việc KLF đang giao dịch tại vùng giá thấp nhất từ khi niêm yết, quanh 4,000 đồng/cp, trở thành nỗi đau âm ỉ của một cổ phiếu từng là “hàng nóng” trên thị trường.

“Dân chơi” được gì?

Đối với nhà đầu tư, việc giá cổ phiếu “bốc hơi” luôn trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Một nhà đầu tư nói: “Mua KLF từ lâu lâu lắm rồi, mua lúc có giá tích lũy 12,200 đồng rất đẹp vì được biết KLF sắp chia cổ tức và phát hành. Tìm hiểu thông tin thì công ty làm ăn cũng khá lắm, mà từ lúc lên sàn giá cả cũng ổn định loanh quanh 12,000 đồng, trừ vụ biển Đông thì giảm về 8,700 đồng/cp. Lúc đó thầm nghĩ bụng KLF làm ăn tốt, cổ tức đều đều hàng năm, lại sắp phát hành tăng vốn thôi thì cứ đầu tư lâu dài xem thế nào. Trong thời gian phát hành cũng chả bán cổ phiếu nào, mặt khác còn gom góp bỏ hết tiền nộp mua hết số quyền được mua”.

Nhưng nào ngờ, nhìn KLF mà lòng tan nát, thị trường đỏ 1-2 điểm thì KLF đi 4-5%, thị trường xanh 10 điểm “em nó” tăng 1 line. Không biết trên thị trường có nhà đầu tư nào giống mình không? Theo các bạn thì phải làm thế nào? Có nên tiếp tục giữ không? Phải chăng KLF đã thật sự hết vị?” vị này chia sẻ thêm.

Câu chuyện này thực tế không thiếu trên thị trường từ một năm trở lại đây. Trưởng bộ phận giao dịch một công ty chứng khoán quy mô vừa cho biết, rất nhiều khách hàng đã mua KLF vùng giá trên 11,000 đồng/cp và chấp nhận thua lỗ hơn 50% trong thời gian vừa qua. Có khách hàng tham gia KLF (6,000 -7,000 đồng) khi VN-Index rơi về mức đáy 530 điểm hồi tháng 5/2015 nhưng đến nay cũng phải cắt lỗ để kiểm soát rủi ro.

Giờ đây khi lướt các diễn đàn, các nhà đầu tư phần lớn đưa ra ý kiến “tẩy chay” cổ phiếu KLF sau những gì đã diễn ra, tâm lý chờ tăng giá để “thoát hàng” được chú ý nhiếu nhất. Song, cũng có ý kiến kỳ vọng giá KLF đã chạm đáy và sẽ hồi phục trong dài hạn.

Tri Nhân

Các tin tức khác

>   MHC: Choáng váng hơn 46% vốn đã sang tay trong phiên (21/09/2015)

>   22/09: Bản tin 20 giờ qua (22/09/2015)

>   23/09: Bản tin 20 giờ qua (23/09/2015)

>   Top cổ phiếu đáng chú ý đầu phiên 22/09 (22/09/2015)

>   Chứng khoán Maritime (MSI) chính thức ra mắt website phiên bản mới 2015 (21/09/2015)

>   BIC: Giảm room ngoại từ 49% xuống 21.5% (22/09/2015)

>   JVC: Tiếp tục biến động nhân sự trước ĐHĐCĐ và câu hỏi về sự đồng hành của DI Asian Indutrial Fund? (21/09/2015)

>   PTKT phiên chiều 21/09: ADX tiếp tục ở dưới mức 25 (21/09/2015)

>   Nhịp đập Thị trường 21/09: MHC có thỏa thuận hơn 46% số cổ phiếu lưu hành (21/09/2015)

>   Chấm dứt tư cách thành viên thị trường đối với AAS (21/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật