Tài chính hành vi: Những bước phát triển quan trọng
Tài chính hành vi đã phát triển từ lâu nhưng vẫn chưa được coi trọng trong cộng đồng đầu tư. Tuy nhiên, điều này đã thay đổi một cách triệt để kể từ khi Giáo sư Daniel Kahneman đạt giải Nobel Kinh tế năm 2002.
Tìm hiểu về Giáo sư Daniel Kahneman và Tài chính hành vi
Giáo sư Daniel Kahneman - Nhà tâm lý học đạt giải Nobel Kinh tế. Daniel Kahneman là người Do Thái. Ông tốt nghiệp tâm lý học ở Đại học Jerusalem (1954) và phục vụ trong quân đội Israel với vai trò là một chuyên gia tâm lý.
GS Daniel Kahneman
|
Năm 1958, ông sang Mỹ học và tốt nghiệp tiến sĩ tâm lý học ở Đại học California, Berkeley (1958). Hiện nay, ông là giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Princeton. Năm 2002, ông được trao giải thưởng Nobel về kinh tế nhờ Lý thuyết kỳ vọng (Prospect Theory). Ông được xem là một trong những nhà tâm lý học vĩ đại nhất trên thế giới còn sống.
Lý thuyết kỳ vọng (Prospect Theory) của Giáo sư Daniel Kahneman đã tạo nền tảng vững chắc để xây dựng tài chính hành vi trở thành một đối trọng với các lý thuyết tài chính khác.
Tài chính hành vi – Lĩnh vực mới mẻ nhưng có tính ứng dụng cao trong đầu tư. Các trụ cột của lý thuyết tài chính như Lý thuyết danh mục đầu tư của Harry Markowitz, Mô hình định giá tài sản CAPM của John Lintner và William Sharpe (Nobel 1990), Lý thuyết chênh lệch giá của Miller và Modigliani, Mô hình Black-Scholes (Nobel 1997)... đều dựa trên nền tảng của Lý thuyết Thị trường hiệu quả (EMH - Efficient Market Hypothesis) được phát triển bởi Giáo sư Eugene Fama tại University of Chicago Booth School of Business trong luận văn tiến sỹ của mình vào đầu những năm 1960.
Thực tế cho thấy các lý thuyết và mô hình trên khó giải thích được một cách trọn vẹn các cuộc khủng hoảng của thị trường tài chính. Dựa trên giả định cơ bản là thị trường không thể luôn luôn đúng, Daniel Kahneman và những thế hệ kế cận như Robert J. Shiller (Nobel 2013),... đã xây dựng và phát triển Tài chính hành vi thành một đối trọng với những lý thuyết Tài chính chuẩn tắc.
Những vấn đề cốt lõi của Tài chính hành vi
Hai hệ thống của bộ não con người. Các nhà nghiên cứu về Tài chính hành vi chia bộ não con người ra thành 2 hệ thống:
Hệ thống 1 (hay hệ thống X), còn gọi là cơ chế nghĩ nhanh, thường xuyên được con người sử dụng. Hệ thống này mang bản chất cảm tính, rập khuôn và sử dụng tiềm thức để ra quyết định.
Hệ thống 2 (hay hệ thống C), còn gọi là cơ chế nghĩ chậm, đòi hỏi con người phải nỗ lực nên ít được sử dụng. Hệ thống này dùng suy nghĩ logic, tính toán và ý thức để đi đến quyết định.
Trong một loạt thí nghiệm tâm lý, Kahneman và Tversky chứng minh rằng con người chúng ta thường đi đến quyết định theo cơ chế nghĩ nhanh hơn là nghĩ chậm. Điều này tạo ra một loạt các khuynh hướng tâm lý (bias) có hại cho con người nói chung và nhà đầu tư nói riêng.
Các khuynh hướng tâm lý điển hình của nhà đầu tư và cách khắc phục. Nhà đầu tư thường mắc phải các hội chứng tâm lý cơ bản như sau:
Quá tự tin (overconfidence) và quá lạc quan (overoptimism). Điều này có thể dẫn đến các hành động lệch lạc trong hành vi đầu tư. Quá tập trung vào việc dự báo thị trường (forecast, predict) là một biểu hiện cơ bản của trạng thái quá tự tin và quá lạc quan.
Cách khắc phục: Nhà đầu tư cần hướng sự tập trung vào việc nên phản ứng (react) như thế nào với thị trường khi thị trường tăng/giảm thay vì tập trung vào việc dự báo (forecast, predict) thị trường sẽ tăng/giảm như thế nào. Nói cách khác, nhà đầu tư nên dành nhiều thời gian để xây dựng chiến lược đầu tư và quản trị rủi ro thay vì quá thiên về dự báo thị trường.
Tâm lý bầy đàn (herding bias). Theo nghiên cứu của Hirschleifer (2001) thì yếu tố này thuộc khuynh hướng xã hội (social bias). Điều này sẽ gây thua lỗ cho nhà đầu tư bằng cách khiến họ tin vào những tin đồn trên thị trường, những câu chuyện đầu tư hấp dẫn được viết ra bởi những “tay to” hoặc chỉ đơn giản mua/bán những cổ phiếu được quá nhiều người chú ý hay nhắc đến.
Cách khắc phục: Nhà đầu tư nên tập trung chú ý vào các tín hiệu dài hạn thay vì chìm đắm vào các dao động ngắn hạn (short-term swings). Vì thực tế cho thấy các tín hiệu dài hạn của cả phân tích kỹ thuật lẫn phân tích cơ bản đều cho tín hiệu ổn định và chính xác hơn so với tín hiệu ngắn hạn.
Quá tin tưởng và phụ thuộc vào các tin đồn, vào việc gặp gỡ lãnh đạo công ty. Thực tế cho thấy các nhà quản lý, lãnh đạo của các công ty cũng có những khuynh hướng tâm lý giống như hầu hết chúng ta. Vì vậy, việc gặp gỡ lãnh đạo các công ty dưới góc nhìn của tài chính hành vi không mang lại nhiều giá trị cho việc đầu tư, trừ khi nhà đầu tư này sử dụng tin nội gián (inside information).
Cách khắc phục: Nhà đầu tư nên coi các tin đồn (rumour), tin nội gián (inside information)... như là những yếu tố bổ trợ chứ không phải là yếu tố quyết định cho quá trình đầu tư. Một cố phiếu lý tưởng để đầu tư trước hết cần thỏa mãn các yếu tố lựa chọn theo phân tích cơ bản (bị định giá thấp, lợi nhuận tăng trưởng...) và có tín hiệu mua theo phân tích kỹ thuật chứ không phải chỉ đơn giản là có tin đồn “hấp dẫn”.
Đầu tư ngắn hạn và giao dịch quá mức. James Montier đã chỉ ra rằng con người có sự ác cảm đối với thất bại (loss aversion bias) lớn gấp nhiều lần so với việc họ thích lợi nhuận. Vì vậy, điều này kích thích khuynh hướng đầu tư ngắn hạn và giao dịch nhiều ở nhà đầu tư, đặc biệt là khi có các đợt giảm đột ngột (thrust down). Nhà đầu tư sẵn sàng chốt lời sớm dù lợi nhuận là rất nhỏ hoặc thậm chí không có lời để không bị rơi vào trạng thái lỗ nếu đợt giảm mạnh vẫn tiếp tục (dù thị trường hoặc cổ phiếu không hề có tin xấu nào).
Cách khắc phục: Nhà đầu tư cần có chiến lược giao dịch cụ thể và chặt chẽ từ trước. Ngoài ra, nên chú trọng vào những tín hiệu dài hạn (long-term signal) thay vì những biến động ngắn hạn (minor movements).
Sự đánh giá cao quá mức những cổ phiếu mình đang nắm giữ (endowment effect bias). Điều này có thể sẽ khiến cho nhà đầu tư không nhận ra được những nguy cơ tiềm ẩn đối với cổ phiếu trong danh mục và dễ mất tính chủ động nếu giá cổ phiếu biến động không đúng như kỳ vọng ban đầu.
Cách khắc phục: Nhà đầu tư cần có một bộ tiêu chuẩn để đánh giá cổ phiếu ngay từ đầu để tránh việc bị cảm xúc chủ quan làm ảnh hưởng quá nhiều đến quyết định đầu tư.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần giảm vốn đầu tư nếu cảm thấy bị căng thẳng (stress) quá mức. Ví dụ: một nhà đầu tư sẽ cảm thấy rất căng thẳng với danh mục khoảng 10 tỷ nhưng nếu giảm xuống còn khoảng 1-2 tỷ thì áp lực sẽ giảm bớt và những quyết định đưa ra sẽ khách quan, nhanh chóng hơn. Điều này cũng lý giải tại sao khi chơi chứng khoán ảo, nhà đầu tư dễ thắng hơn và đạt tỷ suất sinh lợi cao hơn khi đầu tư thật. Lý do rất đơn giản vì đó là tiền ảo nên áp lực gần như bằng 0!
Kết luận
Tâm lý trong đầu tư chứng khoán nói riêng và trong kinh tế nói chung ngày càng đóng một vai trò quan trọng. Hy vọng những kinh nghiệm, phân tích ở trên sẽ giúp cho nhà đầu tư cải thiện và nâng cao hiệu quả công việc của mình./.
|