Những câu hỏi cần trả lời trước khi quyết định rút khỏi thị trường
Khi mà toàn bộ thị trường bị bao trùm bởi bầu không khí hoang mang như hiện nay, nhà đầu tư cần phải đảm bảo rằng mỗi quyết định họ đưa ra phải là một nước đi chiến lược của một ván cờ lớn chứ không phải là một hành động bộc phát do hoảng loạn.
* Những dấu hiệu kinh điển của “thị trường con gấu”
Đáng tiếc thay, thật sự không hề đơn giản để làm được điều đó. Theo Marketwatch, chỉ một số ít nhà đầu tư có thể giữ vững tâm lý và không quá quan ngại đến những biến động ngắn hạn của thị trường, phần đông nhà đầu tư vẫn chịu một sức ép phải làm gì đó để đối phó với những biến động này – có như vậy họ mới cảm thấy an tâm.
Thực tế, tất cả những ai cho rằng thị trường sắp sửa bước vào một cuộc khủng hoảng lớn đã hoàn tất việc rút vốn khỏi thị trường chứng khoán. Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng America Merrill Lynch, hơn 24 tỷ USD đã bay khỏi thị trường chứng khoán chỉ trong vỏn vẹn 3 tuần đầu tiên của năm 2016.
Và cũng chính những nhà đầu tư này, hiện tại không biết phải làm gì tiếp theo. Nếu đây cũng là tình trạng của bạn, hãy cùng dừng lại một chút và xem mình đang hoang mang đến mức nào.
Biểu hiện của hoang mang lo lắng bao gồm tim đập nhanh, đổ mồ hôi, cảm thấy bất an và trên hết là nỗi lo sợ không kiểm soát được mọi chuyện đang diễn ra. Nhà đầu tư nào có một trong những biểu hiện trên chứng tỏ mức độ chịu đựng rủi ro của họ đang bị lung lay dữ dội.
Họ cảm thấy hoang mang bởi vì họ không thoải mái với triển vọng tiêu cực của thị trường, đồng thời họ cũng không hài lòng với bất kỳ kế hoạch nào mà họ đang có. Tại thời điểm này, nếu bảo họ bình tĩnh không làm gì cả là điều không thể.
Vì vậy, nếu bạn cũng muốn làm gì đó để cảm thấy an tâm, cần xác định rõ mọi hành động lúc này nên tập trung vào giảm nhẹ tổn thất. Điều này có nghĩa là xây dựng một chiến lược phòng vệ cho những biến động sắp tới. Mặc dù nhận nhiều chỉ trích từ trường phái mua-và-nắm-giữ, bán cổ phiếu vẫn là một chiến lược, tuy nhiên cần được thực hiện với sự cẩn trọng.
Do đó, hãy hỏi bản thân những câu hỏi sau trước khi ra quyết định bán đi một phần danh mục của bạn.
1. Việc bán này thật sự có lợi cho chiến lược đầu tư hay chỉ là vì danh dự của bản thân?
Nếu bạn bán đi để bảo vệ lợi nhuận hoặc để đề phòng cho những biến động tiêu cực mà bạn cho rằng sắp xảy ra đối với một cổ phiếu hoặc một thị trường cụ thể, bạn cũng nên tìm kiếm những cơ hội mà bạn cho rằng tốt hơn để tiếp tục sinh lời từ số tiền đó. Tuy nhiên, cần phải theo dõi kỹ tỷ trọng của danh mục đầu tư, tiền nhàn rỗi không nên đặt quá lâu vào những tài sản đầu tư có mức sinh lời thấp.
Nếu bạn đang muốn bảo vệ khoản tiền hưu trí của mình trước khủng hoảng thị trường, tiền của bạn có thể để tạm ở những khoản đầu tư rủi ro thấp lâu hơn một chút.
Tuy nhiên, nếu quyết định bán tháo chỉ là kết quả của tâm lý hoang mang trước những biến động ngắn hạn của thị trường, hãy cân nhắc đến việc bạn sẽ gặp khó khăn như thế nào khi phải xây dựng lại toàn bộ danh mục đầu tư. Vội vã rút toàn bộ tiền để tránh sóng dữ là một nước đi do cảm xúc nhất thời cần phải tránh.
2. Môi trường đầu tư của riêng bạn có thay đổi gì không?
Nếu môi trường đầu tư có những thay đổi chẳng hạn như sự thay đổi giám đốc đầu tư của một quỹ đầu tư hay một ngành công nghiệp cụ thể sắp phải đối mặt với một bộ luật mới, những thay đổi thế này được gọi là sự thay đổi trọng yếu.
Với những thay đổi trọng yếu, việc bán đi là cần thiết dưới bất kỳ tình hình thị trường nào. Nếu chỉ vì quá sợ thua lỗ mà bạn vội vã bán đi thì bạn đang để biến động của thị trường dẫn dắt chiến lược đầu tư. Sáng suốt hơn, bạn nên có một chiến lược để đặt mình vào vị trí có thể bình tâm để xử lý những biến động của thị trường.
3. Việc bán đi này sẽ ảnh hưởng đến khả năng chịu đựng rủi ro của bạn như thế nào?
Nếu bạn bán đi hết tài sản đầu tư và chỉ giữ lại tiền mặt, bạn sẽ không còn phải chịu bất kỳ rủi ro chứng khoán hay thị trường nào cả. Tuy nhiên, cái giá của việc nắm giữ tiền mặt là bạn phải đối mặt với rủi ro mất giá của đồng tiền, theo thời gian, chắc chắn tiền của bạn không thể theo kịp mức tăng của lạm phát.
Cân bằng rủi ro là mục đích của việc đa dạng hóa danh mục. Nếu bạn tháo dỡ một mảnh của bức tranh (như bán đi toàn bộ cổ phiếu), cần phải xem xét việc này ảnh hưởng đến tỷ trọng danh mục như thế nào. Luôn luôn tránh việc cho tất cả trứng vào một giỏ, thậm chí nếu việc đặt tất cả vào một giỏ đấy trông có vẻ an toàn và sáng suốt tại một thời điểm nhất định.
4. Bạn sẽ sử dụng số tiền thu về như thế nào vào lúc này và trong tương lai?
Vấn đề của việc bán toàn bộ tài sản đầu tư và nắm nhiều tiền nằm ở chỗ sẽ rất khó để bạn quay trở lại thị trường. Duy chỉ có nhà đầu tư theo trường phái kỹ thuật là không phải trải qua chướng ngại vật này bởi vì họ đã thiết lập một dấu hiệu cụ thể để quay trở lại thị trường.
Trong dài hạn, nhà đầu tư cần phải cân bằng giữa bảo vệ và tăng trưởng tài sản. Để đạt được sự cân bằng đó, cần một kế hoạch mang tính chiến lược. Với những kế hoạch như vậy, những nỗi lo sợ nhất thời chắc chắn sẽ chóng vánh trôi qua./.
|