Thứ Hai, 14/03/2016 15:14

Nghề môi giới chứng khoán có gì vui?

Câu chuyện môi giới chứng khoán được nhìn nhận qua con mắt của những người trong nghề lâu năm chất chứa nhiều bài học sâu lắng sau những bước thăng trầm cùng thị trường.

Làm môi giới có cả niềm vui chốt lời với khách hàng ngoài quán nhậu

Một điều chắn chắn là nghề môi giới chứng khoán không giống như nghề môi giới bảo hiểm hay môi giới bất động sản. Ở mấy ngành kia, môi giới chỉ cần tìm khách hàng, bán được sản phẩm là xong. Thế nhưng, môi giới chứng khoán còn phải tham gia vào đủ các loại hoạt động hậu mua bán, như theo dõi trạng thái tài khoản, công nợ của khách, theo dõi tin tức liên quan đến cổ phiếu của khách hàng ngày, tư vấn chốt lời/cắt lỗ...

Theo ông Hoàng Thạch Lân, với kinh nghiệm hơn 10 năm sống trong nghề, thì nhiệm vụ chính của môi giới hiện nay là tư vấn, đánh giá tình hình thị trường và tìm các cổ phiếu phù hợp với nhu cầu mua bán của khách hàng. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay cả khách hàng còn chưa biết mình muốn đầu tư giá trị hay lướt sóng thì đối với môi giới, đó là cả một vấn đề. Nhiều nhà đầu tư về bản chất là thích lướt sóng, nhưng ngoài miệng họ luôn nói rằng họ thích đầu tư dài hạn, do đó nếu chỉ tìm các mã cơ bản tốt thì lại là sai lầm. Nhiều nhà đầu tư thích lời nhanh nhưng lại rất sợ rủi ro, mà muốn lời nhanh thì phải liều, nên rất khó chọn cổ phiếu đúng cho họ. Nói chung, sẽ rất mất nhiều thời gian và công sức, thậm chí cả tiền bạc để môi giới hiểu khách hàng.

Cũng có ý kiến cho rằng hiểu khách hàng không quan trọng, mà điều duy nhất môi giới cần làm là tìm cho được mã cổ phiếu để khách hàng có lời. Cứ có lời thì dù khách hàng lướt sóng hay cơ bản họ cũng sẽ đều hài lòng. Thế nhưng thị trường luôn vận động lên xuống, do đó sẽ có lúc lời và có lúc lỗ.

Không có "thánh chứng" nào có khả năng lời hoài hay có thể sinh lời từ 10 triệu mà kiếm được 50 tỷ . Thế nhưng, khi khách hàng thua lỗ, một vấn đề nảy sinh là nhà đầu tư sẽ tự hỏi việc thua lỗ là tại ai, tại họ hay tại môi giới?”, ông Lân nói thêm.

Bởi vậy, lời khuyên ông Lân đưa ra cho các nhân viên môi giới mới tập tễnh vào nghề là ngoài những kiến thức mà bạn học được, bao gồm phân tích cơ bản lẫn kỹ thuật, thì nên lắng nghe sự chia sẻ kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đi trước.

Nhân viên môi giới còn cần có những kỹ năng mềm như chia sẻ niềm vui chốt lời với khách hàng ngoài quán nhậu hay an ủi khách hàng khi họ thua lỗ”, ông Lân chia sẻ. 

Mặt khác, thực trạng trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư chỉ cần môi giới nói một chữ mua là mua, hay thậm chí giao tài khoản cho môi giới tự xử. Đó không phải là điều đáng cấm, mà là một loại rủi ro cho cả nhà đầu tư, công ty chứng khoán lẫn môi giới, nhất là cho những môi giới mới vào nghề.

Ông Lân nhận định trong năm 2016, sự phát triển của cả hệ thống lẫn công việc của nhân viên môi giới sẽ chưa có sự thay đổi lớn. Điều khác biệt, có lẽ là trào lưu lập hội nhóm môi giới, tức các môi giới từ nhiều công ty khách nhau tập hợp thành các đội nhóm trên Skype, Facebook... sẽ gia tăng rõ nét hơn. Những loại đội nhóm này đều có mặt lợi và hại, thông tin, nhận định được chia sẻ nhanh hơn, nhiều hơn nhưng tin đồn cũng sẽ phát tán mạnh hơn. Tình trạng “lên mạng phím hàng nhưng ngoài sàn thì xả” vẫn chưa loại bỏ được.

Nếu có danh mục tốt thì môi giới chẳng sợ gì cả, nhưng mấy ai làm được điều đó?

Nhận định nghề môi giới, ông Lê Vương Hùng – Giám đốc môi giới CTCK Rồng Việt (VDS) cho rằng đây là nghề mà nhân viên phải gánh chịu áp lực thường xuyên, hàng ngày hàng giờ và thậm chí hàng phút. Bởi nghề môi giới không chỉ đơn thuần là tư vấn mà còn còn có áp lực doanh số. Để có doanh số thì phải có khách hàng, mà muốn có nhiều khách hàng thì điều quan trọng hàng đầu là phải có hiệu quả. Hiệu quả luôn gắn liền với những cơ hội đầu tư, vì vậy sứ mệnh của môi giới là tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Thế nhưng, trong thị trường xấu như năm 2015, thanh khoản giảm, với những con sóng không nhiều và không rõ ràng, áp lực doanh số đối với môi giới sẽ lại nặng nề hơn. Để có doanh số thì khách hàng phải giao dịch nhiều, nhưng thị trường như vậy thì rất khó để giao dịch mà khách hàng vẫn có lời.

Mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ nếu có danh mục tốt thì môi giới vẫn sẽ làm việc hiệu quả, tuy nhiên mấy ai làm được điều đó?”, ông Hùng đặt vấn đề.

Theo ông Hùng, giữa các công ty chứng khoán và các môi giới với nhau đang có sự cạnh tranh khốc liệt. Vì vậy, môi giới phải tự làm mới mình, tự nâng cấp mình. Ngoài kiến thức về tài chính ngân hàng, nhân viên môi giới phải có kiến thức và am hiểu tình hình kinh tế - chính trị - xã hội trong nước và thế giới.

Chia sẻ về những kỷ niệm buồn trong nghề, ông Hùng cho biết năm 2008 có lẽ là năm buồn nhất trong hành trình làm nghề môi giới chứng khoán khi thị trường rớt mạnh và liên tục giảm trong nhiều phiên. Thị trường tệ đến mức chỉ cần mở cửa ra là chỉ có bên bán mà không có bên mua khiến Ủy ban Chứng khoán phải thực hiện các biện pháp như giảm biên độ xuống 1%.

Ở thời điểm khó khăn như vậy, không ít nhà đầu tư thua lỗ mạnh, nhiều anh em môi giới rời bỏ nghề, một số lượng không nhỏ công ty chứng khoán thua lỗ hay đóng cửa, giảm biên chế. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với năm 2007, khi VN-Index đang trên dưới 1,100 điểm và mọi người đều hi vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng. Thế nhưng trong năm 2008, thị trường đã khiến tài khoản của không ít nhà đầu tư “bốc cháy”.

Và để vượt qua những thời điểm khó khăn như vậy, người môi giới cần phải có lòng yêu nghề, có nỗ lực cá nhân và phải lựa chọn cho mình một công ty chứng khoán có sự hỗ trợ tốt cho nhân viên. Bên cạnh đó, đối với những môi giới mới vào nghề, cần rèn luyện cho mình sự tỉnh táo để vượt qua những thời điểm khách hàng của mình thua lỗ hàng trăm thậm chí hàng tỷ đồng.

Trong nghề môi giới, chắc chắn sẽ có những lệnh mua hoặc bán của khách hàng không phù hợp với thời điểm thị trường, cũng giống như chuyện ăn cơm hằng ngày, có bữa ngon bữa dở. Tuy nhiên, để kiểm soát được công việc của mình, nhân viên môi giới cần luôn bám sát doanh nghiệp và thị trường để không bị chê trách”, ông Lê Vương Hùng khẳng định./.

Các tin tức khác

>   Phân hóa và sự dẫn dắt (09/03/2016)

>   Bí quyết đầu cơ “cổ phiếu nóng” (29/02/2016)

>   Những câu hỏi cần trả lời trước khi quyết định rút khỏi thị trường (08/02/2016)

>   Những dấu hiệu kinh điển của “thị trường con gấu” (07/02/2016)

>   9 bài học giúp bạn thành công như Sói già Phố Wall (09/02/2016)

>   Những thương vụ “lướt sóng” ấn tượng năm Ất Mùi (04/02/2016)

>   Tài chính hành vi: Những bước phát triển quan trọng (02/03/2016)

>   Môi giới chứng khoán: Nếu đêm chưa mơ về bảng điện, hãy đi tìm nghề khác (01/02/2016)

>   Cổ đông sắp được ngồi nhà bỏ phiếu biểu quyết qua mạng (22/01/2016)

>   "Bán cổ phiếu" lập kỷ lục "google": Phải làm sao? (21/01/2016)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật