Fitch: Ngân hàng Việt Nam vẫn đối mặt với rủi ro về chất lượng tài sản
Rủi ro về chất lượng tài sản của các ngân hàng Việt Nam có thể tiếp tục duy trì ở mức cao bất chấp các quy định mới nhằm điều chỉnh tiêu chuẩn phân loại nợ, nhận định của Fitch Ratings trong báo cáo mới nhất về các ngân hàng châu Á – Thái Bình Dương ra ngày 12/11.
* “Xếp hạng tín nhiệm quốc tế là thước đo sức khỏe ngân hàng”
* Fitch giữ nguyên xếp hạng và triển vọng tín nhiệm Việt Nam
Theo cơ quan xếp hạng tín nhiệm này, việc từng bước thực thi quy định phân loại tài sản dựa trên số liệu của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) sẽ làm giảm sự khác biệt về tiêu chuẩn phân loại nợ trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Được biết, kể từ tháng 4 năm nay, các ngân hàng Việt Nam phải phân loại chất lượng cho vay theo mức thấp nhất mà các nhà cho vay ấn định cho từng người đi vay theo thang đánh giá của CIC.
Fitch đánh giá đây là một bước đi tích cực, nhưng vấn đề chất lượng tài sản lâu nay trong hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa được giải quyết dứt điểm do tỷ lệ các khoản vay có vấn đề vẫn còn rất cao.
Tỷ lệ phục hồi nợ xấu bán cho Công ty Quản lý Tài sản của các Tổ chức Tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn còn thấp, cho thấy các ngân hàng có thể tiếp tục hứng chịu các khoản thất thoát tiềm tàng do không thể thu hồi toàn bộ các khoản nợ có vấn đề này.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định có thể góp phần làm chậm quá trình hình thành nợ xấu mới. Thêm vào đó, sự cải thiện bền vững của lĩnh vực bất động sản trong nước cùng việc cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản cũng có thể hỗ trợ cho việc xử lý các tài sản thế chấp.
Phước Phạm (Theo Fitch Ratings)
|