Vốn Nhật chảy mạnh vào nhà đất
Không chỉ tập trung vào lĩnh vực sản xuất nhưng hơn hai thập kỷ qua, xu hướng đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam của các Cty đến từ Nhật Bản đang ngày càng hiện rõ, khi số lượng các nhà đầu tư tăng nhanh trong thời gian gần đây.
FDI qua các năm (Nguồn: FIA)
|
Trong suốt hai thập kỷ qua, phần lớn nguồn vốn của các DN BĐS đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp. BĐS trong quá khứ không phải là mối quan tâm của người Nhật tại VN.
DN Nhật muốn “nắm điểm rơi thị trường”
Cty Toshin Development gần đây đã đề xuất xây dựng một trung tâm thương mại ngầm tại TP HCM. Theo đó, dự án này sẽ được phát triển tại khu vực chợ Bến Thành và nối liền với tuyến tàu điện ngầm Bến Thành – Suối Tiên. Tổng vốn đầu tư của dự án ước tính khoảng 6.374 tỷ đồng, trong đó Toshin đề nghị phía VN sẽ đầu tư lối đi công cộng bằng vốn ODA của Nhật Bản, và Toshin Development sẽ đầu tư khu trung tâm thương mại. Được biết, Toshin Development là một Cty con thuộc tập đoàn phát triển trung tâm thương mại hàng đầu Nhật Bản, Takashimaya. Cách đây ba năm, Takashimaya đã đạt được một thỏa thuận với Keppel Land để phát triển một trung tâm thương mại tại tòa nhà giai đoạn hai của dự án Saigon Center. Hiện tại, dự án này đang trong quá trình hoàn thiện và dự kiến sẽ mở cửa trong năm 2016. Sự mở rộng đầu tư của Takashimaya tại VN, thông qua Toshin Development, cho thấy tập đoàn này đang có niềm tin vào cơ hội phát triển ở thị trường BĐS VN trong tương lai.
Phần lớn Cty nước ngoài đầu tư vào thị trường BĐS trong suốt thời gian qua là những tên tuổi đến từ Singapore, Hàn Quốc, Hồng Kông hay Malaysia. Vào thời điểm hiện tại, sự xuất hiện của các Cty Nhật Bản đang mang đến một đối trọng mới trên thị trường. Ngoài Takashimaya ra, tập đoàn Tokyu của Nhật Bản đã liên doanh với Becamex để phát triển một dự án tại Bình Dương có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1 tỷ USD. Aeon cũng đã có hai trung tâm thương mại tại TP HCM và một đang trong quá trình xây dựng tại Hà Nội. Tập đoàn này dự kiến sẽ xây dựng thêm một trung tâm thương mại nữa tại Hà Nội trong thời gian ngắn tới đây.
Nhận định về “làn sóng” mới này, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư tại Cty tư vấn BĐS Savills VN cho rằng: “trong vòng một năm trở lại đây, các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản có những động thái quyết liệt nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư ở VN. Điều này được thể hiện qua nhiều yêu cầu đầu tư mà Savills VN và Savills Tokyo nhận được thời gian qua”.
Theo ông Khương, bên cạnh những yếu tố như chính sách pháp lý thuận lợi, sự hạn chế cơ hội đầu tư ở thị trường BĐS Nhật, nguyên nhân chủ chốt là mong muốn nắm bắt điểm rơi thị trường của các nhà đầu tư. Thực tế, theo ông Khương, các nhà đầu tư Nhật Bản đã tiến hành theo dõi và nghiên cứu về thị trường từ cách đây gần một thập kỷ. Đó là vào quãng thời gian 2007-2008, khi thị trường BĐS VN đang phát triển mạnh mẽ, nhưng các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn gặp những trở ngại trong việc tìm kiếm cơ hội đầu tư, do các DN nội địa vẫn chưa quen với việc huy động vốn thông qua hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.
“Từ quá trình nghiên cứu, xác định thời điểm thị trường chạm đáy, giai đoạn 2014-2015 được đánh giá lá thời điểm vàng để ra quyết định đầu tư với giá trị sinh lời cao” ông Khương chia sẻ.
Thâm nhập qua M&A
Theo Quỹ đầu tư Creed Group của Nhật Bản, một quỹ đầu tư chuyên về lĩnh vực BĐS, cho rằng mặc dù giá BĐS ở VN đang tăng trở lại sau một thời gian dài tuột dốc, giá trị BĐS đó vẫn có thể bị đánh giá thấp nếu so với tiềm năng dân số và công nghiệp hóa. Điều đó có thể giải thích lý do tại sao Creed Group lại quyết định đầu tư vào thị trường VN năm ngoái.
Nhưng đầu tư vào VN thời điểm này các Cty Nhật có bị coi là chậm chân? Nếu so với các Cty đến từ Singapore, Hàn Quốc hay Hồng Kông thì đúng là chậm. Thách thức là các Cty Nhật có thể không tìm được những vị trí đắc địa cho một dự án mới.
Tuy nhiên, làn sóng M&A trên thị trường BĐS hiện tại đã tạo ra cơ hội mới cho các Cty nước ngoài đến sau như Creed Group. Bản thân Creed Group đã nhanh chóng đặt chân vào thị trường VN, bằng cách rót 600 tỷ đồng vào dự án City Gate Towers tại TP HCM của Cty Năm Bảy Bảy. Quỹ đầu tư Nhật Bản này còn ký thỏa thuận nguyên tắc tham gia phát triển hai dự án khác của Năm Bảy Bảy là NBB Garden II và NBB Garden III, với tỷ lệ góp vốn là 50%. Cuối tháng 7 vừa qua, Creed Group đã tiếp tục khẳng định quyết tâm đầu tư thông qua dự án thứ hai, rót 200 triệu USD vào Cty An Gia. Đồng thời quỹ đầu tư này còn cam kết cung cấp các khoản vay cho An Gia nhằm xây dựng những dự án nhà ở tại TP HCM.
Đây cũng chính là cách mà một Cty phát triển BĐS khác của Nhật Bản, Haseko, đã làm. Cty này gần đây cho biết đã thành lập một liên doanh với Tập đoàn Him Lam để phát triển một dự án nhà ở tại Hà Nội. Đây là dự án đầu ra ra ngoài Nhật Bản đầu tiên của Haseko kể từ năm 1988, trong đó Cty Nhật Bản sẽ nắm giữ 98% cổ phần. Dự án nằm cách trung tâm Hà Nội 5 km này được dự kiến hoàn thành vào năm 2017, với hơn 100 căn hộ cho thuê.
Haseko còn có tham vọng sẽ tìm kiếm thêm nhiều đối tác trong nước khác để đạt mục tiêu chiếm 10% thị phần nhà ở chung cư tại VN.
Rõ ràng, sự xuất hiện của các Cty Nhật đã mang lại nhiều sự lựa chọn cho các Cty trong nước. Bởi DN nội địa đang gặp phải những hạn chế về vốn, kỹ thuật và nguồn khách hàng quốc tế. Điều này được ghi nhận khá phổ biến ở thị trường khách sạn và căn hộ dịch vụ, trong khi đây chính là thế mạnh của nhà đầu tư Nhật Bản. “Các DN trong nước cần kết hợp những lợi thế này thông qua việc hợp tác với các DN Nhật Bản,” ông Khương nói.
N.Linh
DĐDN
|