Thứ Năm, 24/09/2015 13:03

Dứt tình với VCG, VC3 có đổi đời?

Như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài, cổ phiếu VC3 bất chợt phi vọt lên mức giá cao nhất trong vòng 5 năm. Diễn biến tăng giá mới xuất hiện trong khoảng 3 tháng trở lại đây.

Theo đó, với mức hơn 57,000 đồng/cp, VC3 của CTCP Xây dựng Số 3 trở thành một trong những số ít cổ phiếu nhóm ngành xây dựng và bất động sản “có giá” hiện nay, vốn hóa lên 460 tỷ đồng, gấp đến 5.8 lần vốn điều lệ hiện tại (80 tỷ đồng).

Cùng với đà tăng là động thái thoái vốn của cổ đông lớn nhất là Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (HNX: VCG). Đơn vị này đã bán sạch hơn 4 triệu cp VC3 (ứng với 51.4%) theo phương thức ngoài hệ thống cho 3 nhà đầu tư, gồm 1 tổ chức là CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát (APRest) 1.92 triệu (24.2%), 2 cá nhân là Nguyễn Thanh Phương 1.36 triệu (17.14%) và Nguyễn Hoài Anh 800,000 cp (10.08%).

HĐQT VCG đã có quyết định thoái vốn khỏi VC3 từ tháng 8/2012 nhưng sau 3 năm mới thực hiện xong.

Cũng trong vùng giá cao này, mới đây HĐQT VC3 thông qua việc bán 66,200 cp quỹ với mức giá tối thiểu 36,200 đồng/cp. Trong khi đó, tân TGĐ Đinh Tiến Nhượng (người vừa từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT) thì lại mua vào 400,000 cp theo phương thức khớp lệnh và trở thành cổ đông lớn của VC3 khi nâng sở hữu lên hơn 6%.

Diễn biến giá cp VC3 và các giao dịch đáng chú ý xuất hiện từ khi niêm yết đến nay

Niêm yết vào tháng 12/2007 với 51% vốn thuộc sở hữu công ty mẹ VCG, VC3 là một trong những cổ phiếu ngành xây dựng-bất động sản hiếm hoi không tăng vốn sau gần 8 năm lên sàn.

Chú ý rằng, kịch bản thoái vốn lần này có phần tương tự 5 năm trước đây, khi mức giá cổ phiếu VC3 chót vót hơn 60,000 đồng/cp. Vào 3 tháng cuối năm 2009, cổ phiếu VC3 có những phiên tăng điểm mạnh và đạt mức trên 62,000 đồng/cp, hàng loạt cổ đông nội bộ (CĐNB) và người liên quan khi đó đã tranh thủ thoái vốn.

Đi ngược xu hướng, CTCP Chứng khoán VNDirect (HNX: VND) chớp lấy cơ hội gom cổ phiếu, trở thành cổ đông lớn của VC3 trong lúc giá cổ phiếu xoay quanh 45,000 đồng/cp. Tuy nhiên, việc đầu tư vào VC3 đã mang lại thất vọng cho VND khi phải mua rẻ bán đắt (chưa xét đến yếu tố cổ tức nhận được) sau gần 2 năm nắm giữ, VND đã thoái hết 18.75% vốn (ứng với hơn 1.5 triệu cp) khi mức giá xuống dưới 20,000 đồng/cp. Điều này cũng dẫn đến những suy nghĩ e ngại về sự lặp lại với cổ đông mới là APRest.

“Dấu chân kẻ lạ” và cuộc cải tổ 2015?

6 ngày sau khi VCG không còn là cổ đông, toàn bộ thành viên trong HĐQT và BKS của VC3 đều thay thế và đã được ĐHĐCĐ bất thường mới đây thông qua, trong đó ông Đinh Tiến Nhượng không còn là Chủ tịch mà lui xuống làm Tổng giám đốc và ông Nguyễn Thanh Phương (tức Nguyễn Hùng Phương) – người trước đó mua 1.36 triệu cp VC3 từ VCG, được bầu làm Chủ tịch HĐQT.

Thế chân VCG là một công ty mới được thành lập chưa đầy 3 năm - CTCP Thương mại Đầu tư Bất động sản An Phát (APRest) dự kiến tăng sở hữu lên 51% vốn mà không phải chào mua công khai. Đây là công ty mới tham gia vào thị trường bất động sản từ năm 2012 với vai trò chủ đầu tư thông qua việc đầu tư trực tiếp vào các dự án và công ty liên kết.

Vào cuối quý 3 năm nay, APRest đã thực hiện tăng vốn mạnh từ 50 lên 500 tỷ đồng, hướng đến đầu tư vào các công ty sản xuất sữa, phụ tùng, linh kiện điện tử.

ĐHĐCĐ thường niêm 2015 tổ chức vào tháng 3 của APRest đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HOSE trong quý 2 hoặc 3/2015 nhưng đến gần cuối tháng 6/2015 đã bất ngờ rút hồ sơ niêm yết. Năm 2015, APRest đặt kế hoạch doanh thu và lãi sau thuế lần lượt là 500 tỷ và 48 tỷ đồng, gấp nhiều lần so với kết quả 2014 (doanh thu gần 170 tỷ đồng, lãi sau thuế 3 tỷ đồng).

Thay đổi mạnh mẽ bộ máy quản lý cùng cơ cấu sở hữu, cùng với đó là các mối quan hệ đầu tư hợp tác, cắt giảm một số chi phí... Ban lãnh đạo VC3 đã điều chỉnh hàng loạt chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2015. Trong đó, đáng chú ý là lãi sau thuế tăng từ 18 tỷ lên gần 41 tỷ đồng - mức lãi cao nhất kể từ khi niêm yết, cổ tức lên 16% và vốn điều lệ cũng tăng từ 80 tỷ lên 200 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:3.

Kế hoạch kinh doanh 2015 được điều chỉnh của VC3

Ban lãnh đạo VC3 cho hay, dự án Trung Văn gồm 2 tòa nhà 17 tầng sẽ tiếp tục phản ánh doanh thu trong năm nay, cùng với đó là dự án Thái Nguyên và một phần dự án Minh Khai. Năm 2016, tòa nhà 21 tầng của dự án Trung Văn, bên cạnh đó, toàn bộ dự án Thái Nguyên chưa phản ánh doanh thu trong năm tới nên kinh doanh kỳ vọng sẽ có nhiều thuận lợi.

Có thể thấy, gần 8 năm niêm yết trên sàn với 80 tỷ đồng vốn điều lệ, VC3 ấn tượng với tài sản trên dưới ngàn tỷ, đến nay không còn nợ vay và duy trì cổ tức tiền mặt hầu hết trên 10%/năm. Tuy nhiên, VC3 đang bị chôn chân hàng chục tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện được, tồn kho hàng trăm tỷ, nợ phải trả hơn ngàn tỷ. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, lãnh đạo VC3 đã nhìn nhận, một thời gian dài công ty tập trung làm bất động sản khiến cho năng lực trong xây lắp những năm gần đây bị hạn chế, tính cạnh tranh công tác tìm kiếm việc làm không cao, nhiều gói thầu không đáp ứng được yêu cầu năng lực. Việc tìm kiếm các dự án mới gặp nhiều khó khăn, dự án cũ tồn đọng chưa được quyết toán đầu tư, công tác thu hồi công nợ chậm.

Bên cạnh đó, hoạt động khai thác chợ BOT không những không mang lại lợi nhuận mà mỗi năm VC3 phải trích ra 2 tỷ đồng phục vụ công tác quản lý. Hiện các chợ xuống cấp đến mức tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và VC3 vẫn còn hơn 50 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện được của 3 dự án chợ Bo – Thái Bình, Phương Lâm – Hòa Bình, Thương – Bắc Giang.

Một số chỉ tiêu tài chính của VC3 giai đoạn 2010-6T/2015 (tỷ đồng)

Kết quả kinh doanh


Biến động tài sản


Nguồn vốn và các khoản nợ phải trả

*BCTC kiểm toán 6T/2015 được kiểm toán bởi KPMG và có điều chỉnh hạch toán một số khoản mục mới theo Thông tư 200, trong khi những năm trước, công ty kiểm toán cho VC3 là Deloitte.

Theo BCTC kiểm toán 2014, VC3 có 4 khoản đầu tư tài chính dài hạn tại CTCP Xi măng Yên Bình; CTCP Ống sợi Thuỷ tinh Vinaconex; Công ty Tài chính CP Vinaconex –Viettel; CTCP Xây dựng số 11 với tổng giá trị 25.4 tỷ đồng (trong đó đã trừ đi hơn 10 tỷ đồng dự phòng giảm giá đầu tư).

Tiến Vũ

Các tin tức khác

>   Sài Gòn Tourist: Vì sao Thành viên HĐQT lại kiện chính công ty mình? (22/09/2015)

>   BBC: Giải trình lưu ý của kiểm toán trong BCTC HN soát xét bán niên năm 2015 (22/09/2015)

>   LBM: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 9 (22/09/2015)

>   ITD: Ký hợp đồng với công ty kiểm toán BCTC năm 2015 (22/09/2015)

>   VXB: Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT - đã bán 0 CP (22/09/2015)

>   SD6: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (22/09/2015)

>   QBS: Hủy rót 19.5 tỷ đồng vào Nông nghiệp Quảng Bình Tây Nguyên (23/09/2015)

>   SVC: Thông báo quyết định của HĐQT về việc thành lập chi nhánh tại Cần Thơ (22/09/2015)

>   EVE: Thành lập công ty con tại Đức (23/09/2015)

>   EVE: Thay đổi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần 5 (22/09/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật