Indonesia điều tra chống bán phá giá màng BOPP từ Việt Nam
Uỷ ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) hôm 2-9 thông báo quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm giấy màng BOPP (Biaxially Orented Polypropylene) nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết hôm 8-9.
Công nhân đang làm việc tại một nhà máy sản xuất bao bì tại Việt Nam. Ảnh minh họa: Thu Nguyệt.
|
Indonesia chính thức khởi xướng điều tra vào ngày 2-9, sau khi xem xét đơn kiện từ hai công ty tại nước này là PT TriasSantosaTbk và PT. Lotte Packaging.
KADI cho biết đã nhận được đơn yêu cầu tiến hành điều tra chống bán phá giá, và KADI thấy có dấu hiệu hàng hóa bị bán phá giá và gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa đối với sản phẩm tương tự.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh, đây là vụ kiện chống bán phá giá thứ hai của Indonesia tiến hành đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trước đó là sản phẩm thép vào năm 2012.
Tờ Jakarta Post của Indonesia hôm 8-9 cho biết hai công ty gửi đơn kiện cho biết đang gặp thiệt hại với lợi nhuận giảm sút. Tuy nhiên, tờ này cũng dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội ngành nhựa và olefin của Indonesia Budi Sadiman cho rằng tình hình kinh tế ảm đạm hiện nay và đồng tiền trong nước suy yếu có thể là nguyên nhân đằng sau việc lỗ ngày càng tăng của các công ty địa phương trong ngành màng giấy BOPP, và có thể việc bán phá giá của Thái Lan và Việt Nam đã góp phần gây ra tình trạng lỗ này.
Tờ này cũng dẫn số liệu của Bộ Thương mại Indonesia cho biết, tổng lượng màng BOPP nhập khẩu từ Thái Lan và Việt Nam vào Indonesia trong năm 2012 là 26.487 tấn, chiếm 60% tổng nhập khẩu sản phẩm này của Indonesia, và vào năm 2014 là 23.443 tấn, chiếm 65%.
Đây không phải là lần đầu tiên sản phẩm trên xuất khẩu từ Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá. Trước đó, vào cuối tháng 7-2012, Malaysia ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá sản phẩm giấy màng BOPP nhập khẩu từ Đài Loan, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam.
Giấy màng BOPP là loại màng nhựa làm từ hạt nhựa PP, dùng cho các nhãn hàng, bìa sách, tạp chí, bao bì mềm đóng gói thực phẩm (mì gói, bánh kẹo, cà phê)...
tbktsg
|